Sunday, January 26, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCó hay không việc Mỹ đang rơi vào “thế khó”?

Có hay không việc Mỹ đang rơi vào “thế khó”?

Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuy đã kết thúc, nhưng đồng thời đã khởi động cho chuỗi những ngày xung đột vũ trang tại đây. Từ đó đẩy Mỹ rơi vào “thế khó” trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, theo The Conversation.

Tối ngày 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng đoàn các nghị sỹ Mỹ đã đặt chân tới Đài Loan. Sự kiện trên ngay lập tức đã nhận được nhận nhiều phản ứng trái chiều khác nhau, nhưng đặc biệt phải kể đến phản ứng vô cùng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

The Conversation nhận định, Đài Loan từ lâu đã luôn là “điểm căng thẳng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được kiểm soát và sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần, thì Mỹ – một mặt vẫn cam kết tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” – mặt khác vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp các loại khí tài hiện đại để tự vệ.

Nhìn chung, vấn đề Đài Loan luôn rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ – Trung và vì thế suốt nhiều thập niên qua các quan chức cấp cao của Mỹ ít khi thăm chính thức Đài Loan. Với cáo buộc Mỹ “chơi quân bài Đài Loan” để kiềm chế sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc luôn phản đối chuyến thăm đảo Đài Loan của các thành viên quốc hội Mỹ và cơ quan hành pháp Mỹ có trách nhiệm dừng chuyến thăm tại Đài Loan.

Thời điểm hiện tại, bà Nancy Pelosi đang là Chủ tịch Hạ viện Mỹ – ứng cử viên xếp thứ 2 trong danh sách kế nhiệm Tổng thống, đồng thời là nhân vật rất quan trọng trong Quốc hội Mỹ. Vậy nên dưới cái nhìn của Trung Quốc, chuyến thăm và các hoạt động của bà ở Đài Loan, dù dưới bất kỳ hình thức nào và với lý do gì, đều là một hành động khiêu khích chính trị lớn nhằm nâng cấp các trao đổi chính thức của Mỹ với Đài Loan. Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận, và người dân Trung Quốc cũng tuyệt đối bác bỏ luận điệu trên.

Theo The Conversation, trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều sắp tổ chức các sự kiện chính trị lớn thì lãnh đạo hai nước đều không muốn để căng thẳng có thể biến thành xung đột vũ trang.

Về phía Trung Quốc, sau khi sự kiện diễn ra, nếu không có các hành động cứng rắn đáp trả chuyến thăm của bà Nancy Pelosi thì uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời điểm hiện tại, ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 và việc thống nhất Đài Loan là một mục tiêu của chính quyền của ông Tập.

Ngoài ra, chuyến thăm cũng tạo tiền lệ cho các giới chức Mỹ cũng như các nước khác, ví dụ như các nghị sỹ Anh đi thăm Đài Loan trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ đặt Trung Quốc vào thế khó trong việc hoạch định chính sách đối với Đài Loan trong tương lai.

Về phía Mỹ, mặc dù Chính quyền Joe Biden ban đầu phản đối nhưng rõ ràng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan cũng mang lại lợi ích không ít cho phe Dân chủ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới. Đối mặt với các khó khăn, thách thức trong nước, phe Dân chủ trước đây đã từng đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại để tạo đà, tăng uy tín trong cử tri. Trong trường hợp trên, nếu bà Nancy Pelosi không thực hiện được chuyến thăm thì thiệt hại cho uy tín của đảng Dân chủ và Chính quyền Joe Biden có thể còn lớn hơn nhiều.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden cũng phải có những cân nhắc về mặt chính trị. Mặc dù Tổng thống công khai thừa nhận rằng quân đội Mỹ lo lắng về chuyến đi, nhưng ông cũng không thể công khai nghe theo phía Trung Quốc. Và một Tổng thống như ông khó có thể ra lệnh cho một trong những đại diện hàng đầu của nhánh chính phủ khác về những gì bà ấy nên và không nên làm, ngay cả khi các quan chức đã cố gắng thuyết phục bà Nancy Pelosi về những hậu quả tiềm ẩn sau quyết định trên. Nếu Mỹ không vượt qua áp lực để bà Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm hẳn sẽ bị đánh giá thấp, đặc biệt thời điểm hiện tại, chính phủ ông Joe Biden cần hơn lúc nào hết gây dựng niềm tin, hiện thực hóa cam kết “lâu dài” với Đông Nam Á và Đông Á.

Tuy nhiên có một điều đặc biệt trước chuyến đi, đó là vào ngày 28/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm quan trọng. Trong nội dung cuộc trao đổi, Trung Quốc đã “ngỏ ý” nhờ ông Joe Biden thuyết phục bà Nancy Pelosi từ bỏ chuyến đi, thậm chí là cảnh báo những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra.

Đáp lại, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng Mỹ không thay đổi chính sách đối với Đài Loan và phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc cản trở hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan. Thậm chí sau buổi điện đàm, khi trả lời phỏng vấn của truyền thông, Tổng thống Joe Biden vẫn khẳng định “đó không phải là một ý tưởng hay ở thời điểm hiện tại”. Tuy nhiên, việc can thiệp để trì hoãn chuyến đi của bà Nancy Pelosi vẫn được ông bỏ ngỏ và từ chối trả lời.

Trớ trêu thay, chỉ bốn ngày sau đó, chuyên cơ đưa bà Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn (Đài Loan), bất chấp mọi cảnh báo và phá tan mọi hy vọng của Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden hiện vẫn chưa có phản ứng trước sự kiện trên, nhưng thật sự “chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi đã đặt Nhà Trắng vào thế khó ngoại giao với Trung Quốc”, trang Theconversation khẳng định.

Thực tế, nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đã tồn tại nhiều bất đồng trong những năm gần đây và đặc biệt nguội lạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc các quan chức Mỹ thăm Đài Loan không phải là chưa từng có. Song sở dĩ chuyến thăm của bà Nancy Pelosi lại được quan tâm như vậy vì diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đã có một chút niềm tin với Mỹ về vấn đề Đài Loan, đồng thời hai nước đã nhen nhóm những hy vọng thương lượng để giảm bớt xung đột.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới