Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp 'khát' vốn, sẵn sàng chấp nhận chi phí huy động...

Doanh nghiệp ‘khát’ vốn, sẵn sàng chấp nhận chi phí huy động cao

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings, FiinGroup, cho hay môi trường lãi suất đã chạm đáy và có xu hướng tăng sẽ làm cho chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng chấp nhận chi phí vốn tăng bởi nhu cầu bức thiết về vốn.

Các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, kiểm soát nhưng không kìm hãm đà phát triển sẽ giúp cải thiện chất lượng thị trường trái phiếu và củng cố niềm tin nhà đầu tư.

– Diễn biến trên thị trường quốc tế hiện nay đang có những ảnh hưởng thế nào đến thị trường vốn Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Tùng Anh: Thị trường tài chính thế giới đang chịu ảnh hưởng từ môi trường lạm phát cao và cùng với các yếu tố khác làm cho lãi suất tăng cao. Điều này không chỉ do ảnh hưởng từ một giai đoạn kéo dài giãn cách do đại dịch Covid-19 làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm xung đột Nga – Ukraine, mà còn do hậu quả của việc tăng cung tiền trong giai đoạn suy thoái bởi Covid-19 nhằm đối phó và khôi phục những tác động mà đại dịch đã gây ra.

Bối cảnh trên tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường vốn Việt Nam nói riêng.

Đầu tiên phải kể đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường cổ phần thông qua hoạt động đầu tư cổ phần, bao gồm M&A và hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Môi trường lãi suất cao ở các thị trường bên ngoài sẽ làm cho dòng tiền có xu hướng hạn chế chảy sang các thị trường mới nổi. Điển hình là việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán tháo cổ phiếu, dòng vốn ngoại rút dần khỏi các thị trường cận biên khiến TTCK Việt Nam bước vào xu hướng giảm và liên tục dao động trong biên độ lớn.

Thứ hai, diễn biến tăng mạnh của lợi suất trái phiếu tại Mỹ cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư quốc tế đã và sẽ đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, môi trường lãi suất cao sẽ làm tăng kỳ vọng lãi suất đối với các đợt phát hành mới của doanh nghiệp Việt Nam khi huy động vốn nước ngoài. Lãi suất yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế cao lên và sẽ khiến sức huy động vốn của doanh nghiệp trong nước yếu đi, mặc dù Việt Nam đã được nâng hạng tiệm cận với mức đầu tư, lên BB+ bởi S&P trong thời gian gần đây.

Thứ ba, môi trường lãi suất cao bên ngoài cũng góp phần làm cho môi trường lãi suất tại Việt Nam có xu hướng tăng lên thông qua những tác động trực tiếp về quan hệ vốn của các ngân hàng thương mại với các nguồn vốn quốc tế và những tác động gián tiếp đến với các doanh nghiệp nội địa và FDI có quan hệ thương mại hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các nhóm ngành và doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu.

Cả ba yếu tố trên cùng với những thay đổi trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhất là các biện pháp và chính sách kiểm soát rủi ro tín dụng ở một số ngành lớn, ví dụ như bất động sản, sẽ đem đến thách thức lớn hơn cho các doanh nghiệp trong nước, không chỉ ở lãi suất mà theo chúng tôi quan trọng hơn là khả năng tiếp cận vốn để phục hồi và tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay.

Tuy vậy, đây cũng là cơ hội cho việc khẳng định vai trò của thị trường vốn nội địa Việt Nam khi mà nguồn lực trong dân còn rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn còn dư dả về thanh khoản.

– Ông có thể chia sẻ rõ hơn về hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm?

Về tổng quan chung, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giá trị phát hành đạt 152,5 nghìn tỷ đồng, tương đương chỉ 62,16% so với cùng kỳ năm trước với tỷ trọng phát hành đại chúng vẫn giữ nguyên ở mốc xấp xỉ hơn 5%. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng phát hành với cơ cấu lần lượt đạt 40% và 29% trên tổng khối lượng.

Sau những sự kiện như Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã ý thức hơn và hiểu rõ hơn về rủi ro khi đầu tư trái phiếu. Sau một thời gian chững lại và tất toán trước hạn trái phiếu, chúng tôi quan sát thấy hiện nay tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã cơ bản ổn định trở lại và bắt đầu tham gia mua trái phiếu trở lại nhưng cân nhắc thận trọng hơn. Điều này đã góp phần vào sự hồi phục đáng kể về quy mô phát hành trong tháng 5 và tháng 6 năm 2022, mặc dù vẫn chưa thể trở lại như hồi năm 2021.

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường bất động sản giá lên quá cao và các phân khúc kinh doanh và đầu cơ đều được kiểm soát chặt, thị trường chứng khoán cũng như các kênh đầu tư thay thế cũng đang trong giai đoạn “sóng gió lớn”, theo quan sát của chúng tôi, nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại việc tìm kiếm và lựa chọn các sản phẩm trái phiếu của các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, có thông tin minh bạch hoặc có mức xếp hạng tín nhiệm rõ ràng cộng với mức lãi suất hợp lý.

Tuy nhiên, ngoài sự tác động của các yếu tố bên ngoài như ở trên thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp những thách thức lớn khi huy động vốn trong giai đoạn hiện nay. Điều này thể hiện ở một số góc độ sau đây:

Thứ nhất, hoạt động phát hành của doanh nghiệp vẫn còn rụt rè, nhất là sau sự kiện Tân Hoàng Minh và những cảnh báo của cơ quan quản lý. Hiện các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ trong khi Nghị định 153 hiện nay đang trong giai đoạn sửa đổi nhằm nâng cao tiêu chuẩn phát hành, phân phối và sử dụng vốn huy động từ trái phiếu. Theo chúng tôi, sau khi Nghị định 153 được sửa đổi, ban hành và đi vào hiệu lực, kênh trái phiếu sẽ quay trở lại một cách sôi động hơn khi mà các quy định và hành lang pháp lý trở lên rõ ràng. Điều này đang được không chỉ các doanh nghiệp phát hành mong đợi mà quan trọng hơn là phía các nhà đầu tư, bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn, bảo hiểm, quỹ đầu tư và cả nhà đầu tư cá nhân.

Thứ hai, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng mà cụ thể là ngân hàng thương mại. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 15/1/2022 nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng trái phiếu, nhất là đối với các ngân hàng có năng lực tài chính và chất lượng tài sản chưa cao. Điều này đã được chúng tôi dự báo có ảnh hưởng lớn đến quy mô và mức độ huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp. Mặc dù quy mô tín dụng ngân hàng qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp chưa lớn (khoảng 2,9% tổng quy mô tín dụng ngân hàng), nhưng sẽ mất thời gian để các ngân hàng có thể đẩy mạnh việc đầu tư hoặc cấp tín dụng qua hình thức này trong thời gian tới.

Thứ ba, đó là môi trường lãi suất đã chạm đáy và có xu hướng tăng sẽ làm cho chi phí vốn của các tổ chức phát hành tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng chấp nhận chi phí vốn tăng bởi nhu cầu bức thiết về vốn. Ví dụ nhóm các doanh nghiệp bất động sản dân cư sau giai đoạn giãn cách do Covid-19 làm cho tiến độ triển khai dự án trì hoãn, việc mở bán và thu tiền trước từ khách hàng bị ảnh hưởng, trong khi kênh tín dụng ngân hàng khó giải ngân hơn nên họ vẫn phải buộc xem xét kênh huy động trái phiếu trong nước và quốc tế mặc dù lãi suất cao hơn.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, chi phí lãi vay chỉ chiếm khoảng 4-5% tổng chi phí giá vốn một dự án bất động sản và với mức lợi nhuận hoạt động bình quân khoảng 15-25% thì việc tăng chi phí tài chính ở mức nhất định cũng sẽ không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn thực sự là làm sao để huy động vốn được để triển khai dự án và mở bán, nhất là trong bối cảnh nhu cầu căn hộ vẫn còn dư địa lớn tại các thành phố lớn hoặc tốc độ đô thị hóa cao.

– Liệu quy mô huy động trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã tương xứng với tiềm năng hay chưa, thưa ông?

Quy mô huy động trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay theo chúng tôi là hoàn hoàn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là so với nhu cầu vốn đầu tư tư nhân. Không chỉ ở ngành lớn như bất động sản mà nhiều ngành khác nhau như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, ô tô, hàng không cũng như các ngành sản xuất đều có nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn.

Chúng ta hãy ví dụ ngành năng lượng của Việt Nam. Theo Đề án Quy hoạch điện VIII, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 100-116 tỷ USD. Nếu chúng ta giả định vốn vay là 80% cho các dự án này thì tổng nguồn vốn tín dụng cần sẽ ở mức 80-93 tỷ USD. Với quy mô này trong giai đoạn 10 năm tới thì nguồn vốn để cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng sẽ khó có thể đáp ứng hết do những hạn chế tín dụng cho một ngành cụ thể. Do đó, việc đa dạng hóa kênh huy động trong đó có trái phiếu doanh nghiệp là điều tất yếu. Bởi nếu không thì mục tiêu của đề án, trong đó có an ninh năng lượng và cam kết zero-carbon của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nhìn ở góc độ tương quan so sánh với các nước trong khu vực, thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện có quy mô tương đối khiêm tốn. Đến cuối năm 2021, tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp/GDP của Việt Nam chỉ mới đạt mức 14,8%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore và Malaysia. Do đó, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.

Dựa theo giá trị phát hành của các năm trước và tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kịch bản Việt Nam 2035 do World Bank phát hành, chúng tôi ước tính quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức 25,33% GDP trong năm 2025. Con số này vượt kế hoạch được đề ra trong Chiến lược tài chính đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Tuy nhiên, hiện chúng ta có nhiều điểm đang trong quá trình hoàn thiện để đảm bảo quy mô thị trường phát triển nhưng hạ tầng cứng và mềm vẫn được đảm bảo, nhằm hạn chế những sự kiện như thời gian vừa qua và hướng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững.

Điều này cũng cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể diễn biến trầm lắng trong ngắn hạn, song sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong dài hạn. Các biện pháp chấn chỉnh được đưa ra kịp thời, kiểm soát nhưng không kìm hãm đà phát triển sẽ giúp cải thiện chất lượng thị trường và củng cố niềm tin nhà đầu tư, từ đó tạo môi trường lành mạnh cho thị trường phát triển bền vững.

– Theo ông, triển vọng huy động trái phiếu quốc tế thời gian tới như thế nào, nhất là khi Việt Nam vừa được tổ chức S&P nâng hạng tín nhiệm? Đâu là những thách thức lớn, thưa ông?

Việc S&P Global Ratings (S&P) nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.

Nâng hạng tín nhiệm quốc gia trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn cho thấy sự công nhận về vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước duy nhất trong 8 nước khối ASEAN được nâng hạng vào năm 2022, trong khi phần lớn các nước giữ nguyên, riêng Malaysia và Lào được Fitch Ratings hạ 1 bậc xuống lần lượt là BBB+ và CCC.

Mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức Đầu tư của S&P, tức là nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới. Mức BBB – sẽ giúp đưa Việt Nam lên chỉ còn thấp hơn Indonesia 1 bậc và thấp hơn Thái Lan, Philippines và Malaysia 2 bậc.

Nâng hạng tín nhiệm giúp giảm chi phí huy động vốn không chỉ cho trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế mà còn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế. Mặc dù không có thống kê về chênh lệch lãi suất giữa BB và BB+, thông lệ quốc tế cho thấy nếu vươn lên mức xếp hạng BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ là 150 đến 300 điểm cơ bản về lãi suất. Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động của doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của chính doanh nghiệp phát hành nữa.

Việc nâng hạng cũng giúp “nâng trần” xếp hạng đối với tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam. Mức trần xếp hạng tín nhiệm này đã làm giảm đáng kể mức độ phân hóa về điểm xếp hạng tín nhiệm giữa các đơn vị phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn quốc tế, dẫn đến việc nhà đầu tư gặp khó khăn trong phân loại và đánh giá giữa các hồ sơ tín nhiệm của đơn vị phát hành công cụ nợ, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, xếp hạng theo các tổ chức quốc tế chỉ có tác dụng lớn đối với thị trường vốn quốc tế và không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường vốn nội địa.

Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai gần khoảng 2-3 năm nữa, mức điểm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế sẽ tiếp tục được cải thiện lên khu vực “có tính đầu tư”, tức là tối hiểu ở thang điểm BBB- (theo S&P). Khi đó, rủi ro được đánh giá là thấp hơn và lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới. Điều này sẽ có tác động tích cực đến hoạt động huy động vốn trên thị trường nợ của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Việc nâng hạng lên BB+ là tín hiệu đáng mừng nhưng đây là những thách thức lớn để chúng ta có thể về đích mục tiêu nâng hạng lên mức có tính đầu tư BBB- sớm hơn vào năm 2025. Bên cạnh sự thay đổi nội tại mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam thì chúng tôi thấy có những yếu tố sau đây nên được lưu ý:

Thứ nhất, tăng cường minh bạch thông tin và dữ liệu về kinh tế – tài chính cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo của S&P, Việt Nam còn nhiều khoảng trống về dữ liệu, độ trễ trong các báo cáo và chưa có độ chính xác cao.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dữ liệu nợ nước ngoài, do số liệu này của Việt Nam còn thiếu đồng nhất và có một vài sai số. S&P nhận định rằng thiếu hụt dữ liệu về vị thế đầu tư quốc tế có thể khiến việc đánh giá rủi ro nợ nước ngoài thiếu chính xác.

Thứ ba, cải thiện hơn nữa về chính sách và thể chế bao gồm tăng cường khả năng vận hành chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong các chính sách tiền tệ. S&P cho rằng năng lực của Ngân hàng Nhà nước có thể được cải thiện để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ nền kinh tế trước những cú sốc kinh tế và tài chính.

Chúng ta cũng cần lưu ý tới rủi ro nợ tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng đang ở mức vừa phải, bởi quy mô tín dụng của hệ thống so với GDP (hơn 150%) đang ở mức lớn so với quy mô phát triển của quốc gia và được xếp vào nhóm 9 trong Đánh giá Rủi ro tín dụng ngành Ngân hàng của S&P (1-10 từ thấp đến cao).

– Ông có đề xuất, kiến nghị gì để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới?

Điều quan trọng nhất là giữ được niềm tin của nhà đầu tư với thị trường thông qua việc đẩy mạnh minh bạch thông tin bởi các doanh nghiệp phát hành. Bởi thực tế cho thấy trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, vẫn có nhiều doanh nghiệp phát hành hoặc huy động vốn trái phiếu thành công khi họ chủ động minh bạch thông tin cho đối tượng mà họ nhắm tới và chấp nhận một mức chi phí vốn phù hợp với khẩu vị đầu tư của thị trường, bất chấp những sự kiện nợ xảy ra gần đây.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cứng bao gồm việc đưa trái phiếu lên đăng ký giao dịch tập trung, hạ tầng mềm như Nghị định 153 sớm ban hành và áp dụng các chuẩn mực về minh bạch thông tin, nhất là hồ sơ phát hành và cập nhật sau đó; đào tạo nhà đầu tư cá nhân… sẽ là giải pháp căn cơ mà mang tính nền tảng lâu dài để hướng đến một thị trường phát triển bền vững.

Ngoài ra, hiện tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chủ yếu là các ngân hàng, công ty bảo hiểm và một số quỹ đầu tư trái phiếu. Để thị trường phát triển mạnh hơn thì cơ sở nhà đầu tư cần được mở rộng hơn nữa. Cùng với sự phát triển về hạ tầng thị trường thì các quy định hạn chế đầu tư với trái phiếu doanh nghiệp hiện đang được áp dụng cho các quỹ đầu tư được cấp phép và hoạt động theo các hình thức khác nhau. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nội địa cũng hầu như vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài.

Với nhà đầu tư cá nhân, mặc dù có những thay đổi về điều kiện tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, chúng tôi cho rằng đây vẫn là một lực lượng nhà đầu tư lớn tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi muốn cảnh báo trái phiếu doanh nghiệp là thị trường có độ rủi ro cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng hoặc các sản phẩm thu nhập cố định tại các tổ chức tín dụng. Trong khi tín dụng ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm cả ngoại bảng) ở mức 6-7% như Ngân hàng Nhà nước đã công bố thì tỷ lệ nợ chậm trả lãi có thể cao hơn mức này cũng là điều bình thường. Do đó, việc tìm kiếm, lựa chọn các sản phẩm trái phiếu đòi hỏi có sự đánh giá thấu đáo cùng với sự kỳ vọng về mức lợi nhuận/ lãi suất tương ứng, nhằm tránh những rủi ro ngoài ý muốn và gây ra những hệ lụy cho kế hoạch tài chính cá nhân của họ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới