Tuesday, November 12, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiRửa tiền qua mua bán bất động sản: Chống cách nào?

Rửa tiền qua mua bán bất động sản: Chống cách nào?

Vấn đề chống rửa tiền qua giao dịch mua bán bất động sản lại tiếp tục nóng lên khi tại tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP. HCM, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu đã kiến nghị cần có những chế tài mạnh hơn để ngặn chặn tội phạm rửa tiền.

Rửa tiền qua mua bán bất động sản: Chống cách nào?

Nỗi lo mua bán bằng tiền mặt

Theo luật sư Lê Thắng (Đoàn luật sư TP. HCM), chống rửa tiền qua kiểm soát giao dịch mua bán BĐS hiện nay gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân là việc thanh toán tiền mặt đối với các giao dịch BĐS phổ biến, các giao dịch tự phát không qua sàn giao dịch, số lượng giao dịch lớn và giá trị giao dịch cao nhưng chưa có chế tài khắt khe về pháp luật.

“Hoạt động rửa tiền thông qua mua bán BĐS là một trong những kênh đầu tư mà tội phạm rửa tiền dễ khai thác vì rất thuận lợi, không có nhiều thủ tục ràng buộc. Có nhiều giao dịch trao tay cả chục tỷ đồng tiền mặt dễ dàng là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng khó kiểm tra, xác định nguồn gốc của dòng tiền”, luật sư Thắng nói.

Tại các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như các vụ đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án, phần lớn là BĐS. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng BĐS.

Điển hình là trong việc triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng, cơ quan điều tra phát hiện ra Phan Sào Nam đã chuyển cho dì ruột là Phan Thu Hương (ngụ ở TP. Hà Nội) đứng ra giao dịch, mua bán nhiều căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự khắp cả nước có giá trị vài trăm tỷ đồng. Ngoài ra, Phan Sào Nam còn sử dụng hàng chục tỷ đồng nhờ bạn bè đứng tên để mua BĐS nhằm rửa tiền.

Thêm vào đó, hệ thống cập nhật thông tin khách hàng trong và ngoài sàn giao dịch BĐS còn nhiều bất cập. Hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS được Bộ Xây dựng triển khai theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 không có quy định về thu thập thông tin nhận dạng khách hàng mua BĐS là các chính trị gia và các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi đối với lĩnh vực BĐS. Luật Phòng, chống rửa tiền cũng không yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện và báo cáo công tác phòng, chống rửa tiền… gây khó khăn trong phòng chống loại tội phạm này.

Đại diện của Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước cho biết theo báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với lĩnh vực BĐS, nguy cơ rửa tiền là cao.

Báo cáo chỉ ra, từ năm 2007, Việt Nam đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm, trừ 2009 và 2012, chiếm 1%. Đây mới là số tiền được Mỹ thống kê, còn rất nhiều tỷ USD khác cũng được người Việt tuồn sang các nước khác để đầu tư BĐS như Australia, Singapore, Anh, Nhật…

Điều này cho thấy một lượng tiền khổng lồ của Việt Nam đang được đổ vào BĐS trên khắp thế giới – những nơi có kiểm soát chặt chẽ dòng tiền qua ngân hàng, trong khi ngược lại, việc mua bán BĐS ở Việt Nam hầu hết đều là tiền trao tay. Đáng nhấn mạnh hơn, đó là thị trường BĐS Việt Nam lại rất dễ “đầu cơ”, mua đi bán lại để ăn chênh lệch. Câu chuyện bong bóng BĐS được thổi phồng và vỡ tung gây khủng hoảng tài chính cả chục năm nay là hậu quả nhãn tiền.

Cần chế tài mạnh hơn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đã bày tỏ một số quan ngại về hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.

“Hiệp hội nhận thấy, trong phân khúc nhà ở cao cấp, đang gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, mà ở đó giá trị vượt quá cao so với thị trường, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường BĐS”, ông Châu lo ngại.

Theo giám đốc điều hành của một công ty tư vấn quản lý tài chính tại TP. HCM, cách đây hơn 6 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch BĐS có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Trong danh mục các ngành nghề được nêu tên, có 3 hình thức kinh doanh liên quan đến BĐS là kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, sau 6 năm, dường như quy định này vẫn chưa được áp dụng vào thực tế, vì theo phân tích của các chuyên gia, sàn giao dịch BĐS có tâm lý giấu thông tin khách hàng.

Kỳ vọng doanh nghiệp báo cáo sẽ không có hiệu quả vì rất ít doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là làm sao buộc doanh nghiệp phải trung thực, có quy định ràng buộc cụ thể, chứ không thể yêu cầu tự giác báo cáo, vị giám đốc này nhận xét.

“Chế tài xử lý hành chính vi phạm về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố đã được quy định cụ thể tại Điều 44 Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Theo đó, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt 30 – 50 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe tội phạm lĩnh vực này”, LS Lê Thắng nói.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cần bổ sung quy định chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng giúp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà đất 2 giá.

“Hiệp hội đã kiến nghị quy định như vậy cách đây nhiều năm và cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý đề cương Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), trong đó có đề xuất người mua BĐS phải thanh toán qua ngân hàng, nhằm thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền”, ông Châu cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, trước đây, mỗi cá nhân có nhiều giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu (cán bộ công chức nhà nước có thêm hộ chiếu công vụ), nhiều số tài khoản ngân hàng, vì vậy, khó kiểm soát kê khai dòng tiền mua BĐS. Tuy nhiên, với chương trình cấp mã số định danh cá nhân, mỗi cá nhân sẽ chỉ còn một mã số định danh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện yêu cầu chuyển nhượng giao dịch BĐS qua ngân hàng.

Theo đại diện của Cục Phòng chống rửa tiền, quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với giao dịch nhà đất là hợp lý. Việc này sẽ góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường, từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian qua.

“Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân về các lợi ích khi mua bán không dùng tiền mặt và cơ quan quản lý cũng cần áp dụng đồng bộ với các quy định liên quan để minh bạch thị trường,cũng cần có chế tài nghiêm khắc hơn”, LS Lê Thắng góp ý.

Ông Thắng cũng cho rằng, bên cạnh việc yêu cầu chuyển nhượng BĐS phải chuyển tiền qua ngân hàng, cơ quan chức năng phải làm nghiêm và xử phạt nặng trường hợp văn phòng công chứng thực hiện công chứng giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá trị thực, từ đó, từng bước tránh thất thu thuế trong chuyển nhượng BĐS.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới