Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiXảy ra chiến tranh hạt nhân thì Liên hợp quốc cũng chẳng...

Xảy ra chiến tranh hạt nhân thì Liên hợp quốc cũng chẳng còn!

Đã sắp tròn 6 tháng Nga nổ súng xâm lược Ukraine. Tất cả các cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình đã đi vào ngõ cụt. Cuộc xung đột kéo dài đến lúc này tuy chưa dẫn đến chiến tranh hạt nhân, nhưng nếu như hai bên mở rộng mục tiêu tác chiến thì sẽ gia tăng đột biến rủi ro đó.

Mới đây có ý kiến lo ngại về việc xảy ra chiến tranh hạt nhân có thể dẫn tới chiến tranh thế giới lần thứ ba, gây hậu quả khôn lường, Liên hợp quốc sẽ xử lý ra sao?

Ông Antonio Guterres – Tổng thư ký Liên hợp quốc đã trả lời một cách hóm hỉnh: “Lúc ấy à, thì sẽ không còn cả Liên hợp quốc đứng ra phân giải. Mọi thứ sẽ bị xoá sổ”.

Ấy là cách nói hài hước. Nhưng hiện tại tình hình tại Nga và Ukraine vẫn rất nóng bỏng. Mâu thuẫn chủ yếu là, Ukraine không thể chấp nhận lãnh thổ của họ bị nước khác chiếm giữ, còn Nga cũng không thể đồng ý để những khu vực mà quân Nga vừa chiếm được lại rơi vào tay Ukraine, thế khác nào “đánh bùn sang ao”. Nó phải được sáp nhập vào Nga, hoặc thành lập các quốc gia độc lập mới.

Mâu thuẫn này là cơ bản, lâu dài.

Sự lo lắng về khả năng Điện Kremlin quyết định sử dụng hạt nhân là có thật. Để giảm bớt căng thẳng, Mỹ và các nước châu Âu đã hết sức kiềm chế trong việc trang bị các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine, bởi làm như thế là chọc tức Nga.

Ông Guterres thể hiện rõ vai trò trọng tài: “Trong chuyến thăm Nhật Bản, tại Hiroshima, tôi đưa ra hai yêu cầu cụ thể: các nước vũ trang hạt nhân cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước; các nước sở hữu vũ khí hạt nhân này không bao giờ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân với các nước không được trang bị vũ khí hạt nhân, với sự minh bạch tối đa ở kho vũ khí hạt nhân của họ”.

Vì sao Tổng thống Nga Putin lại tuyên bố sẽ sử dụng đến kho hạt nhân của nước này, bất chấp sự cảnh báo của Liên hợp quốc? Moscow chỉ “dọa” hay làm thật? Theo lãnh đạo các nước thành viên NATO, Kremlin đã theo đuổi một học thuyết quân sự với nội dung cho rằng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu mà không kích thích Mỹ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.

Chính sự mập mờ “sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật” đã khiến cho Lầu Năm Góc nóng gáy. Tổng thống Mỹ Biden cảnh báo: Moscow đang đùa với lửa hạt nhân. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: “Người Ukraine đang bắt đầu gây áp lực ở miền Nam, và người Nga đã buộc phải tái triển khai lực lượng của mình đến đó… Hai bên cùng hứng chịu thương vong. Cuộc chiến này là xung đột quy ước dữ dội nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai (1945)”.

Còn tại chiến trường nóng bỏng Ukraine, nguy cơ một thảm họa phóng xạ gia tăng vào hôm 6/8 quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia – một nhà máy lớn nhất ở châu Âu. Cả hai bên Nga và Ukraine đều buộc tội nhau rằng đã pháo kích vào nhà máy này. Từ Mỹ, không hiểu căn cứ nguồn tài liệu nào, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố “binh sĩ Nga đang sử dụng nhà máy làm căn cứ quân sự để bắn vào phe Ukraine”.

Khu vực Zaporizhzhia thuộc lãnh thổ Ukraine, nhưng nhà máy hạt nhân thì Nga đang kiểm soát. Phía Nga lên án: Chính quân Ukraine đã nã pháo vào nhà máy để “bắt cóc toàn bộ châu Âu làm con tin” phục vụ mục tiêu chiến tranh của họ (!).

Những lập luận của các bên đều rất hùng hồn và ngày càng căng thẳng. Hôm 6/8, Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi khẳng định: “Bất cứ hỏa lực quân sự nhằm vào hoặc xuất phát từ cơ sở điện hạt nhân này sẽ gây hậu quả rất khủng khiếp. Tôi lên án bất cứ hành vi bạo lực nào được tiến hành tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.

Bóng ma chiến tranh hạt nhân hiện hữu còn bởi một lý do nữa: Hoạt động thanh sát vũ khí của hai siêu cường hạt nhân Mỹ và Nga đang… tạm ngừng. Hôm 8/8, Moscow thông báo đóng băng các cuộc thanh sát của Mỹ đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga theo một Hiệp ước kiểm soát vũ khí chủ chốt. Nga phải làm thế bởi vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản chuyên gia Nga thực hiện các cuộc thanh sát tương tự với các cơ sở hạt nhân của Mỹ (!).

Trời ơi! Chuyện có thể làm nổ tung thế giới mà người ta tuyên bố lạnh lùng cứ như một cuộc trả đũa vặt.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Kremlin ngừng hoạt động thanh sát của Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START. Hiệp ước New START được Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev ký vào năm 2010. Hiệp ước giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa và máy bay ném bom, cũng như bảo đảm các hoạt động thanh sát tại thực địa để kiểm chứng việc tuân thủ của hai bên.

Bộ Ngoại giao Nga lý giải chuyện “cực chẳng đành” là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên Nga (trừng phạt áp lên các chuyến bay, giới hạn thị thực và các trở ngại khác) đã khiến các chuyên gia quân sự Nga không thể đến được các cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ. Và Mỹ đã có được “lợi thế đơn phương”.

Căng thẳng Nga-Mỹ về vấn đề hạt nhân sẽ không dừng ở đây. Vấn đề là phải làm sao khôi phục các hoạt động thanh sát vũ khí. Bài toán này khiến Liên hợp quốc đau đầu.

Nỗi lo của cả thế giới lúc này không chỉ dừng lại ở cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm” Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, mà kinh hoàng hơn là cái kho vũ khí hạt nhân kia phát nổ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới