Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQua chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, TQ thua ở nhiều...

Qua chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, TQ thua ở nhiều phía

Những lời kêu gào và đe dọa kiểu sói chiến gần đây của TQ không những không ngăn cản được chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, mà thay vào đó đã giúp bà thực hiện một chiến dịch công khai toàn cầu, khiến chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi thu hút đủ sự chú ý để cả thế giới nghe tiếng nói của bà chống lại sự chuyên quyền của TQ và ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan. Đây không phải là kết quả mà ông Tập Cận Bình ban đầu muốn thấy.

Tàu sân bay Mỹ hướng về Biển Đông trước chuyến thăm của bà Pelosi

Vậy chuyến thăm Đài Loan lần này của bà Pelosi, TQ đã thua ở đâu? Bài phân tích dưới đây của tờ Epoch Times sẽ cũng cấp cho chúng ta cái nhìn từ bốn khía cạnh chính.

1. Sự uy hiếp và đe dọa của TQ đã thúc đẩy chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan

Trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, TQ đã đưa ra lời đe dọa nồng nặc mùi thuốc súng, đe dọa rằng nếu bà Pelosi nhất quyết muốn đi, quân đội TQ “sẽ không ngồi yên”, và điều đó sẽ mang lại “hậu quả thảm khốc”. Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) thậm chí còn đe dọa “bắn rơi máy bay của bà Pelosi” (ông Hồ Tích Tiến sau đó đã xóa dòng tweet này). Đồng thời, quân đội Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên khắp Đài Loan, thu hút sự chú ý của thế giới về việc liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hay không nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan.

Hàng loạt hành động này của TQ đã bất ngờ đưa chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu. Hôm thứ Ba (2/8), máy bay của bà Pelosi rời Malaysia đến một điểm đến không xác định, và câu hỏi “Máy bay của bà Pelosi ở đâu” đã trở thành tâm điểm theo dõi trên mạng trực tuyến. Chuyến bay SPAR19 chở bà Pelosi đã trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trên trang web theo dõi Flightradar24 vào ngày hôm đó và hơn 300.000 người đã theo dõi trực tuyến để xem liệu bà có đến Đài Loan hay không. Tất cả những điều này đã tạo nền tảng cho chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi để mở rộng sự chú ý.

2. Những nỗ lực ngăn cản của TQ đã khiến nhiều người chú ý đến những gì bà Pelosi nói ở Đài Loan

Sự đe dọa của TQ không ngăn được bà Pelosi đến thăm Đài Loan. Vào tối ngày 2 tháng 8, bà Pelosi đã dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan. Sự ngăn cản của TQ đã thu hút nhiều sự chú ý hơn đến lời nói và việc làm của bà Pelosi ở Đài Loan. Theo phân tích của tờ Bloomberg, chuyến đi của bà Pelosi đã truyền tải thành công thông điệp mà bà muốn gửi đến thế giới.

Vào thời điểm mà mối đe dọa quân sự của TQ đối với Đài Loan ngày càng nghiêm trọng, thế giới quan tâm nhất đến thái độ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Bà Pelosi đã sử dụng chuyến đi này để một lần nữa nói rõ với thế giới về sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Ngay sau khi đến Đài Loan, bà đã đưa ra một tuyên bố nói rằng tình đoàn kết của Hoa Kỳ với 23 triệu người dân Đài Loan ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết khi thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chủ nghĩa độc tài và dân chủ.

Trong thời gian ở Đài Loan, bà Pelosi cũng đã đăng một bài báo trên tờ Washington Post, giải thích lý do chuyến thăm của mình, nói với thế giới rằng Đài Loan là hình mẫu của một xã hội dân chủ và tự do đang ngày càng bị đe dọa bởi TQ. Bà nhắc lại nguồn gốc của cam kết lập pháp của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ quốc phòng Đài Loan. “Chúng tôi không thể đứng yên trong khi Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan và chính nền dân chủ”, bà Pelosi nói.

Khi bà Pelosi gặp Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh hôm thứ Tư (3/8), bà đã nói rõ một lần nữa: “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cam kết của mình với Đài Loan”.

Trong bài phát biểu của mình, bà Pelosi nói rằng chuyến thăm Đài Loan lần này là để nhắc nhở và thông báo với mọi người rằng 43 năm trước, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan và đưa ra cam kết rất chắc chắn với Đài Loan vào thời điểm đó là sẽ sát cánh với Đài Loan, trên cơ sở đó Hoa Kỳ và Đài Loan đã xây dựng mối quan hệ hợp tác và đối tác rất thịnh vượng.

Bà Pelosi cũng đã gặp gỡ một số nhà hoạt động ở Đài Loan đã bị TQ đàn áp, bao gồm ông Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu’er Kaixi), thủ lĩnh sinh viên trong sự kiện “ngày 4 /6/1989” ở Thiên An Môn.

Các cuộc họp này bảo đảm rằng hầu hết mọi hình ảnh hoặc cuộc thảo luận về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ gián tiếp tập trung vào TQ. Theo tờ Bloomberg, từ góc độ này, chuyến đi của Pelosi có thể được coi là một thành công về mặt quan hệ công chúng.

Cả những nhận xét của bà Pelosi và các cuộc họp của bà đều không phải là điều mà TQ muốn thế giới nhìn thấy.

Trung Quốc đã trả đũa bằng các cuộc tập trận quân sự, đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm của Đài Loan và tấn công mạng.

3. Hành động của TQ đã khiến các nước phương Tây lên án

Bắc Kinh cũng có vẻ là kẻ thua cuộc khi nói về tuyên truyền. Nó có thể đã khuấy động một số tình cảm dân tộc chủ nghĩa trên các phương tiện truyền thông xã hội trong nước, nhưng nó đã dẫn đến sự phản kháng của cộng đồng quốc tế đối với những lời đe dọa uy hiếp của TQ. Không chỉ vậy, điều này đã tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Chuyến thăm của bà Pelosi cũng có thể là một thời điểm để cộng đồng quốc tế làm rõ lập trường của mình, tờ Bloomberg cho biết.

Hôm thứ Tư (3/8), các ngoại trưởng G7 cho biết trong một tuyên bố công khai rằng G7 bày tỏ quan ngại về các hành động đe dọa được công bố gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là các cuộc tập trận bắn đạn thật và cưỡng bức kinh tế, có thể dẫn đến leo thang tình hình không cần thiết. Bắc Kinh “không có lý do gì” để sử dụng chuyến thăm của bà Pelosi “như một cái cớ cho các hoạt động quân sự gây hấn ở eo biển Đài Loan”.

“Việc các nhà lập pháp của quốc gia chúng tôi đi công du quốc tế là chuyện bình thường và là thông lệ. Phản ứng của Trung Quốc trước tình hình leo thang có khả năng làm gia căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực”, tuyên bố viết.

G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Trong một bài phát biểu tại New York vào ngày 2 tháng 8, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock một lần nữa chỉ trích lập trường đe dọa của TQ đối với Đài Loan. Bà nói: “Những tháng sau ngày 24 tháng 2 (ngày Nga xâm lược Ukraine), chúng tôi đã hiểu được một cách đau đớn rằng những lời lẽ hung hăng có thể gây ra những hành động nguy hiểm”.

Một ngày trước đó, bà đã bày tỏ đoàn kết với Đài Loan tại cuộc họp Hiệp ước Cấm mở rộng vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc, và cảnh báo Bắc Kinh không để tình hình leo thang, đồng thời nói rằng Đức sẽ hỗ trợ nếu Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược.

4. Làm thế nào mà luận điệu sói chiến của ĐCSTQ lại không đạt được mục đích của nó?

TQ đã thất bại trong việc ngăn chặn thành công chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trước sự thất vọng của các tiểu phấn hồng. Sau khi bà Pelosi đến Đài Loan, ông Hồ Tích Tiến thừa nhận trong một bài đăng trên Weibo rằng phản ứng của chính phủ không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng.

“Một số người lấy tôi làm nơi trút giận”, ông nói thêm, “Tôi cũng phải lắng nghe”.

Những luận điệu đe dọa đã gây áp lực buộc ông Tập phải đáp lại chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi để đáp ứng yêu cầu của những người theo chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến do TQ ủng hộ, nhưng tránh làm tổn hại thêm quan hệ với Hoa Kỳ, điều này sẽ gây thêm thiệt hại đối với nền kinh tế vốn đã chững lại của Trung Quốc.

Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, TQ tuyên bố từ 12 giờ trưa ngày 4 tháng 8 đến 12 giờ trưa ngày 7 tháng 8 sẽ “thực hiện các cuộc diễn tập quân sự quan trọng và tổ chức bắn đạn thật” tại 6 vùng biển xung quanh Đài Loan, đông, tây, bắc, và nam”. Nhưng các chuyên gia tin rằng ông Tập sẽ tập trung vào việc loại bỏ bất kỳ rủi ro bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của ông trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của TQ. Ông ấy sẽ không muốn xung đột eo biển Đài Loan vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tờ Bloomberg dẫn lời ông Lev Nachman, một trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc cho biết, “Sẽ không có bất kỳ loại xung đột kịch liệt nào vì không ai trong ba bên muốn điều đó”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng ông Tập đang chịu áp lực phải đưa ra lập trường cứng rắn về vấn đề này trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, vì ông không thể để bị coi là yếu kém.

Ông Jude Blanchette thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trên Bloomberg TV: “Đối với ông Tập, từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của TQ, đây là một thời điểm thực sự quan trọng”. “Ông ấy không thể bị coi là yếu đuối. Đó là lý do tại sao có rất nhiều lo ngại về việc sự kiện này sẽ diễn ra như thế nào”.

Tờ Bloomberg cho biết, so với cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển Đài Loan vào những năm 1990, Bắc Kinh hiện đã mạnh hơn, nhưng vẫn còn lâu mới có thể ra lệnh cho Hoa Kỳ. Không giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tập Cận Bình không muốn kích hoạt một cuộc xung đột quân sự có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát – đặc biệt nếu không có gì bảo đảm thành công.

Tờ Bloomberg dẫn lời ông Bilahari Kausikan, Cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: “Tiến hành các hoạt động đổ bộ nằm ngoài khả năng và kinh nghiệm của Trung Quốc. Họ chưa bao giờ làm bất cứ điều gì như thế này, và đó là hoạt động quân sự khó khăn nhất”.

Hãng thông tấn Al Jazeera đưa tin ông Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore cho biết các máy bay giám sát tân tiến của Mỹ và Đài Loan sẽ coi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là cơ hội để thăm dò hệ thống quân sự và thông tin liên lạc của Trung Quốc, điều này có thể làm tăng rủi ro nếu máy bay Trung Quốc đáp trả.

RELATED ARTICLES

Tin mới