Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSáng kiến hàng hải mới - vũ khí ngăn chặn TQ bành...

Sáng kiến hàng hải mới – vũ khí ngăn chặn TQ bành trướng ở Biển Đông

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ 2 của Nhóm “Bộ Tứ” diễn ra ở Tokyo hôm 24/5/2022, lãnh đạo 4 nước gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng mới của Úc, ông Anthony Albanese đã công bố một sáng kiến hàng hải mới dưới tiêu đề “Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải ” (IPMDA) nhằm cung cấp bức tranh nhận thức khu vực biển có hiệu quả về kinh tế, tích hợp và gần với thời gian thực, với mục đích chống nạn đánh bắt trái phép và hỗ trợ các hoạt động cứu hộ và các sứ mệnh nhân đạo.

Sáng kiến hàng hải mới này sử dụng công nghệ vệ tinh để lần đầu tiên kết nối các trung tâm giám sát hiện hữu ở Singapore, Ấn Độ và trên Thái Bình Dương với nhau, tạo thành một hệ thống theo dõi nạn đánh bắt “chui” trên cả 3 khu vực Ấn Độ Dương, vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Hệ thống này “bắt” được cả những tàu cá tắt máy phát đáp (được dùng để theo dấu tàu biển). Các dữ liệu của chương trình này được thu thập từ các dịch vụ thương mại. Vì thế, chúng sẽ không bị xếp loại mật và được chia sẻ rộng rãi.

Sáng kiến hàng hải mới này nằm trong khuôn khổ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhóm “Bộ Tứ” với mục tiêu là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực này, nhất là ở Biển Đông thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở bởi lẽ:

Thứ nhất, nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm các nước ven Biển Đông phải đối phó với đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tại Biển Đông và thậm chí cả những vùng biển ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các đội tàu đánh cá lớn của Trung Quốc đã hoạt động dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh Trung Quốc vơ vét các loại hải sản làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển, đẩy lùi tàu cá của các nước ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, khiến cho ngư dân nhiều nước mất kế sinh nhai. Hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của các đội tàu cá Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa đối với ngư dân các nước trong khu vực mà còn gây nguy cơ va chạm, mất ổn định trên biển.

Ông Charles Edel, chuyên gia người Úc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh: “Đội tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc làm cạn kiệt các nguồn cá và ảnh hưởng tới nguồn sinh kế truyền thống của nhiều quốc gia. Do đó, bất cứ bước đi nào có thể theo dõi, nhận dạng và ngăn chặn hoạt động đánh bắt “chui’ đều đem lại lợi ích an ninh và môi trường cho khu vực”.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và các nước châu Âu đã nhiều lần đưa ra lời cảnh báo, thậm chí trừng phạt đối với những hành động đánh bắt hải sản trái phép trên biển, song Trung Quốc cứ phớt lờ. Các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp trên biển không những không giảm mà các đội tàu cá Trung Quốc lại ngày càng lớn về quy mô và phạm vi đánh bắt ngày càng rộng. Một số chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 95% nạn đánh bắt “chui” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo một báo cáo mới đây của Quỹ Công lý Môi trường, các đội tàu cá Trung Quốc thường xuyên vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến hành đánh cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định, sử dụng thiết bị bị cấm, đánh bắt các loài được bảo vệ như rùa và hải cẩu, ngược đãi các đoàn người di cư. Cách hành xử của họ đã bị các ngư dân địa phương và các nhà môi trường học lên án và gây ra những căng thẳng ngoại giao không chỉ với các nước xung quanh Biển Đông mà cả ở Nam Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương thậm chí đến tận những nơi xa xôi như Argentina, Palau và Sierra Leone.

Do vậy, việc Nhóm “Bộ Tứ” đưa ra sáng kiến hàng hải mới tập trung ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép ở khu vực là bước đi cần thiết để duy trì hoạt động nghề cá theo quy định của luật pháp quốc tế.

Thứ hai, Trung Quốc đã sử dụng hoạt động nghề cá như một công cụ để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật tàu cá đi trước để từng bước xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng. Chẳng hạn như từ cuối năm 2019 Trung Quốc cho các đội tàu cá dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước và bước tiếp theo Trung Quốc cho tàu hải cảnh uy hiếp hoạt động dầu khí của Indonesia và điều thăm dò địa chất đến hoạt động trong vùng biển này, biến vùng biển hoàn toàn không liên quan đến tranh chấp Biển Đông thành vùng biển tranh chấp.

Bên cạnh đó, nhiều tàu dân quân biển của Trung Quốc núp dưới danh nghĩa “tàu cá” để hoạt động trái phép trong vùng biển của các nước. Các chuyên gia đã vạch trần mưu đồ của Trung Quốc trong việc sử dụng lực lượng bán quân sự trong chiến thuật “vùng xám” để thôn tính vùng biển của các nước láng giềng ở Biển Đông. Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật này để gia tăng sự hiện diện trên các vùng biển thực hiện tham vọng cường quốc biển.

Thứ ba, Sáng kiến hàng hải mới do được thông qua nằm trong kế hoạch thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden và phù hợp với cam kết của Washington tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hôm 12-13/5 vừa qua là sớm công bố các kế hoạch nhằm chống lại tốt hơn nạn đánh bắt bất hợp pháp ở Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích nhận định Sáng kiến hàng hải mới là cơ sở để Lực lượng Tuần duyên Mỹ triển khai tàu tuần duyên tới khu vực này, giúp đối phó với các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc và xa hơn là chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Với việc đưa ra sáng kiến IPMDA, Mỹ đã dương cao ngọn cờ “hợp tác với các đối tác khu vực để giải quyết vấn đề nhân đạo, thảm họa thiên nhiên và đánh bắt cá trái phép” để tập hợp lực lượng nhắm trực tiếp vào các hoạt động trên biển của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Việc công bố sáng kiến hàng hải mới đồng nghĩa với việc Washington mở một mặt trận mới để quy tụ các nước cùng chí hướng đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực. Đây là một biện pháp để làm suy giảm sức mạnh hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Sáng kiến hang hải mới có thể khiến cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông và trong khu vực càng trở nên gay gắt hơn, thậm chí có thể dẫn tới va chạm trên biển. Tóm lại, bất luận thế nào thì việc Nhóm “Bộ Tứ” thông qua sáng kiến IPMDA là một bước đi mạnh mẽ, đúng hướng nhằm duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông và cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong thời đại công nghiệp 4.0 thì việc áp dụng công nghệ vào quản lý các hoạt động trên biển là một xu thế tất yếu. Trong bối cảnh, hoạt động trên biển ngày càng gia tăng thì việc các quốc gia chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển là điều cần thiết để có thể giảm bớt các rủi ro trên biển. Theo giới phân tích quân sự, trong khuôn khổ sáng kiến IPMDA các nước có thể không chỉ chia sẻ thông tin về các tàu cá, mà còn cả thông tin về tàu hải quân và tàu tuần duyên.

RELATED ARTICLES

Tin mới