Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐài Loan: sau bà Pelosi là ai?

Đài Loan: sau bà Pelosi là ai?

Thành ngữ “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” hàm ý rằng: may mắn không đến nhiều lần, nhưng một khi đã đen đủi thì rất có thể, tai họa lại ập đến.

Đoàn nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan ngày 15/12/2021.

Đúc kết nên câu thành ngữ gần như đã được “toàn cầu hóa” do tính thực tiễn này là người Trung Quốc. Vậy mà rủi thay, thời điểm này, với những gì diễn ra, nó như vận đúng vào Trung Quốc. Nói cách khác, quê hương của Lưu Hướng – học giả nổi tiếng đời nhà Hán, được coi là tác giả câu thành ngữ trên, chưa qua một đận “hạn”, lại đối mặt với một, hai cái “hạn” mới.

Cái “hạn” xấu chưa qua là gì?

Là chuyến thăm Đài Loan đầu tháng 8 này của bà Nancy Pelosi – Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Sự hiện diện của người đàn bà quyền lực giữ vị trí cao nhất nhánh lập pháp Mỹ tại Đài Loan – nơi mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh lẻ – được/bị coi là mang tính biểu tượng, theo quan điểm của Bắc Kinh. Bắc Kinh hô hoán: việc một chính khách “to vật” như bà Pelosi thân tới gặp bà Thái Anh Văn đã là vi phạm quan điểm “một Trung Quốc”. Và còn hơn thế khi bà Pelosi dành cho bà Thái Anh Văn những lời thắm thiết, lại còn khẳng định, chuyến đi của mình nhằm thể hiện “cam kết không lay chuyển của Mỹ trong ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo”; lúc này, “Tinh thần đoàn kết của Mỹ với 23 triệu người Đài Loan hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết”…

Nói cho cùng, địa vị Trung Quốc sao thể không khùng lên vì sự bướng bỉnh, ngang ngược, bất chấp cảnh báo để vẫn tới Đài Loan của bà Pelosi?

Và Bắc Kinh khùng thật. Khùng tới mức, hơn những lời răn đe có phần đầu lưỡi suông như thông lệ, lần này, họ quyết cho Washington biết độ nóng các tên lửa tối tân của họ là như thế nào; khả năng hiệp đồng tác chiến của quân đội Trung Quốc chất lượng tới đâu, qua cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực xung quanh đường bờ biển Đài Loan trong các ngày 4-7/8. Và họ cũng không hề che giấu mục tiêu tập trận là thử nghiệm việc phong tỏa hoàn toàn Đài Loan trong vài ngày, để rồi sau này “sẽ tính” nếu không thống nhất được Đài Loan bằng các giải pháp mềm.

Trái với sự lo ngại, thậm chí hốt hoảng của dư luận, về bên kia đại dương yên ổn, bà Pelosi mới đáp lại bằng cái…cười nhạt coi thường mọi động thái mà Bắc Kinh đã cố công.

“Hạn” mới là gì?

Là gần như cùng thời điểm bà Pelosi cập Đài Loan, truyền thông quốc tế, trong đó có tờ Guardian, như chọc vào tai các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải bằng thông tin: các nghị sĩ thuộc Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Anh cũng dự định tới thăm Đài Loan vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới nhằm “thể hiện sự ủng hộ của Anh” với hòn đảo. Đương lúc eo biển Đài Loan nóng bỏng, cũng là lúc quan hệ Anh – Trung Quốc ngày một xấu đi, thì thông tin về sự kiện trên không xấu thì là tốt chắc?

Phản ứng thì Trung Quốc đã sẵn bài. Cùng với nhắc lại lời nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình “đùa với lửa sẽ bị bỏng”, đại sứ Trung Quốc tại Anh – ông Trịnh Trạch Quang – cho biết hôm 2/8: “Sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ Trung Quốc – Anh. Chúng tôi kêu gọi Anh tuân thủ cam kết của mình và không đánh giá thấp mức độ vô cùng nhạy cảm của vấn đề Đài Loan, cũng như không theo chân Mỹ”.

Trong khi phía Anh chẳng lấy làm tự ái về việc bị vu “theo chân Mỹ”, bắt chước bà Pelosi phớt lờ cảnh bảo của Bắc Kinh, thì tới ngày 12/8 này, lại thêm một cái “hạn” thứ ba, đồng dạng nhằm vào Trung Quốc, được các cơ quan truyền thông quốc tế tung ra từ từ và nhấm nháp một cách thú vị. Đó là, bà Marie-Pierre Vedrenne, Nghị sỹ Pháp trong Nghị viện châu Âu, vừa cho biết kế hoạch của Ủy ban thương mại thăm Đài Loan vào tháng 12 tới sẽ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng nêu trên. Chưa hết, cùng đó, một nhóm nhà lập pháp Đức tuyên bố họ cũng sẽ thăm Đài Loan vào tháng 10 tới.

Để ý chút cái thâm thúy của bà Marie-Pierre Vedrenne khi thể hiện rằng: chuyến thăm Đài Loan, chẳng phải là đột xuất, mà đã có “kế hoạch”.

Bà nghị sĩ Pháp trong Nghị viện châu Âu định thể hiện gì ở đây, nếu không định hàm ý “bình thường hóa” chuyện đến thăm Đài Loan của các nghị sĩ các nước phương Tây, hay nghị viện châu Âu (như họ đã từng làm) bất chấp sự tức tối và phản đối của Bắc Kinh?

Điều đó cũng có nghĩa rằng: các cuộc tập trận của Trung Quốc sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi xem ra chẳng mấy tác dụng răn đe, cảnh báo được ai.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới