Luôn nuôi ý chí độc lập, quyết không phụ thuộc và Trung Quốc Đại lục, từ khi bà Thái Anh Văn cầm quyền (2016) đến nay, Đài Bắc càng tỏ ra kiên quyết phản đối chính sách “Một Trung Quốc”. Lý do là, từ năm 1949, chưa bao giờ Bắc Kinh lãnh đạo trực tiếp chính quyền Đài Bắc.
Năm 1949, khi Trung Quốc giành độc lập, thành lập nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì Đài Loan đàng hoàng là Trung Hoa dân quốc. Như vậy, Đài Loan cùng tồn tại song song với CHND Trung Hoa, tách khỏi quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Đã hơn 70 năm tồn tại như một đảo quốc độc lập, Đài Loan tỏ ra ngày càng vững vàng hơn khi được nhiều cường quốc trên thế giới lập quan hệ ngoại giao không chính thức, đối xử với hòn đảo này như một quốc gia độc lập. Đặc biệt là Mỹ cũng ngày càng “ôm sát” cái eo lưng Đài Loan, hợp tác về nhiều mặt, nhất là về kinh tế, quân sự. Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại nhất của Mỹ được bán cho Đài Loan với số lượng lớn, như một thách thức chính quyền Bắc Kinh.
Mới đây, chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan là một phép thử đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội trước, trong và sau chuyến thăm của “người đàn bà thép”. Nhưng sự phản ứng đó chả khác gì gió thổi qua cánh đồng trống trơn. Đài Loan không hề run sợ. Mỹ lại càng không. Thậm chí sau khi Quân đội Trung Quốc kết thúc hai đợt tập trận liên tiếp, với ý đồ dùng các cuộc tập trận để thử sức quân đội cho một cuộc xâm lăng, đổ bộ, Quân đội Đài Loan cũng ngay lập tức tổ chức tập trận.
Và không chỉ có tập trận để phản đòn Đại lục, các hoạt động phản đối chính quyền Bắc Kinh cũng diễn ra dưới nhiều hình thức. Hôm 10/8, theo BBC News, một cuộc điều tra dư luận cho hay phần lớn người Đài Loan phản đối việc thống nhất với Trung Quốc. Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nền dân chủ tiến bộ, truyền thông cởi mở, tự do, Đài Loan được sự ủng hộ quốc tế ngày càng nhiều.
Thế là cuộc tập trận quy mô lớn cùng những lời đe nẹt của Thiên triều Bắc Kinh đã mang lại con số 0 tròn trĩnh. Diễn tập quân sự của PLA nhằm đe dọa Đài Loan, đồng thời đe dọa cả Mỹ đã chẳng mảy may khiến cho hòn đảo và Washington chùn bước. Trang Geopolitical Futures, hôm 9/8, dẫn lời một học giả:
“Sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi dư luận mới vỡ lẽ là Trung Quốc không hề có một công cụ nào để gây sức ép với Mỹ”.
Làm sao PLA dạo nổi quân đội Mỹ khi mà cả về quân sự, và thương mại, Mỹ luôn “nắm đằng chuôi”. Một khi cuộc chiến kinh tế, hay quân sự có thủy bộ phối hợp nhằm vào Đài Loan, thì tỉ lệ thắng – thua là 50-50. Một nước lớn đánh một nước nhỏ nếu không chắc thắng thì chớ có động binh, nhất là khi “nước” ấy chỉ là một hòn đảo chưa được quốc tế công nhận quốc gia độc lập.
Vì điều này mà một điều tra dư luận cho hay, chỉ có 7% người Đài Loan tin rằng sẽ có xung đột quân sự với Trung Quốc, còn 64% không tin điều đó.
Bắc Kinh thường đe dọa, một cuộc tấn công bằng vũ lực sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Đó sẽ là một cuộc tấn công đổ bộ với quy mô chưa từng có nhằm vào Đài Loan. Nhưng các nhà quân sự Trung Nam Hải đủ tỉnh táo để nhận rõ những rủi ro địa-chính trị của một cuộc xâm lược, nhất là khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện với Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng trả lời dứt khoát trong một cuộc họp báo khi được hỏi: Mỹ có sẵn sàng can dự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Lời đáp thay mặt giới cầm quyền Nhà Trắng: Có!
Thái độ của Bắc Kinh ra sao? Trả lời câu hỏi của một phóng viên Hong Kong, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: Đây là “một vấn đề rất nhạy cảm”, nguyên tắc một Trung Quốc là “không thể vượt qua lằn ranh đỏ”. Ông Vương cũng phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội thường niên đang diễn ra: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp. Chúng tôi yêu cầu chính quyền mới của Mỹ hiểu đầy đủ về tính nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan và phải thay đổi hoàn toàn các động thái nguy hiểm của chính quyền trước đây khi vượt qua lằn ranh và đùa với lửa”.
Không biết ai đang đùa với lửa?
Nếu xảy ra chiến tranh, xét về mặt kinh tế, thì kinh tế Trung Quốc và cả thế giới sẽ lao đao. Đến hiện tại, Công ty TSMC ở Đài Loan là nguồn cung cấp lớn nhất thế giới, bán 92% các thứ chip nhỏ hơn 10 na nô mét (nanometer, một phần tỷ của một mét).
Nếu xảy ra chiến tranh, các công ty Apple, Qualcomm, Nvidia, Samsung không thể hoạt động vì thiếu chíp. Năm 2021, Đài Loan bán $155 tỷ mỹ kim chất bán dẫn cho Trung Quốc, chỉ mua $21 tỷ các loại chíp thô sơ. TSMC và Samsung là hai công ty duy nhất trên thế giới chế tạo các loại chíp nhỏ 5 na nô mét.
Nếu Trung Quốc đánh Đài Loan, chỉ cần vài máy bay Boeing là có thể đưa hết các kỹ sư và giới quản đốc công ty TSMC ra nước ngoài. Và các máy móc, thiết bị sẽ bị phá hủy. Người dân Đài Loan cảnh giác cao nhưng vẫn kê cao gối ngủ, bởi họ đã nghe đến nhàm tai những đe dọa suốt mấy thập niên vừa qua. Chủ trương “Kiến quái bất quái” (thấy quỷ không hoảng) được người xứ Đài thuộc nằm lòng.
H.Đ