Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia, hệ luỵ tới...

TQ xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia, hệ luỵ tới Biển Đông và toàn khu vực

Ngày 08/6/2022, Trung Quốc khởi công dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanou kville, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Dự án sẽ kéo dài trong hai năm với khoản đầu tư từ Trung Quốc, trong đó cảng mới sẽ được đào sâu để cho phép các tàu quân sự lớn hơn cập cảng. 

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cùng Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên tham dự lễ động thổ này.  Động thái hợp tác mới giữa Trung Quốc và Campuchia cho thấy quyết tâm chiến lược của Trung Quốc tại khu vực khi mà nước này đang nỗ lực tìm cách đối phó với chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Trước đó, trong những ngày đầu tháng 6, các hãng truyền thông quốc tế đã đưa nhiều tin tức về việc Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia. Ngày 06/6, nhật báo Mỹ “The Washington Post”, trích dẫn một số quan chức phương Tây và Trung Quốc giấu tên, đã tiết lộ rằng chính quyền Campuchia dự trù cho quân đội Trung Quốc sử dụng một phần của căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp xong. Một quan chức phương Tây đã cho tờ báo Mỹ biết rằng các kế hoạch mở rộng căn cứ được đưa ra từ năm 2020 đã cho quân đội Trung Quốc “độc quyền sử dụng phần phía Bắc của căn cứ và sự hiện diện của lực lượng này sẽ được che giấu”. Theo tờ “The Washington Post”, một quan chức Trung Quốc đã xác nhận việc quân đội Trung Quốc sẽ dùng “một phần” căn cứ Ream, nhưng phủ nhận việc Bắc Kinh được độc quyền sử dụng. Quan chức này cho biết Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên phần Campuchia của căn cứ.

Phát biểu tại buổi lễ động thổ hôm 08/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh bác bỏ thông tin về việc Trung Quốc được độc quyền sử dụng căn cứ quân sự sau khi cải tạo. Ông Tea Banh đưa ra lập luận, căn cứ Ream “rất nhỏ” nên “sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu”. Cùng với quan điểm đó, Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên cho rằng “dự án (cải tạo căn cứ Ream) không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào”; đồng thời, ca ngợi mối quan hệ sắt son với Campuchia: “Là một trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác bền chặt  như sắt đá, hợp tác quân sự Trung Quốc-Campuchia là vì lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lời xác nhận của quan chức Trung Quốc đã mặc nhiên bác bỏ tất cả những lời phủ nhận mà cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh liên tục đưa ra về ý đồ của Trung Quốc, lợi dụng việc Campuchia rơi hẳn vào quỹ đạo của mình để thiết lập một căn cứ hải quân tại Ream nhìn ra vịnh Thái Lan. Chuyên gia Sam Roggeveen, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy của Australia cho rằng lời xác nhận rõ ràng của một quan chức Trung Quốc là bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh quả thực đang xúc tiến việc lập căn cứ hải quân tại Campuchia; nhận định, căn cứ đặt tại Ream “sẽ cho phép Trung Quốc triển khai chiến hạm và tàu tuần duyên xung quanh khu vực một cách dễ dàng hơn, vì hiện diện ngay tại chỗ thay vì cần phải đi một quãng đường rất xa như trước đây”.

Mỹ từng nêu “quan ngại nghiêm trọng” về sự can dự của Trung Quốc đối với căn cứ Ream của Campuchia và cho rằng nó làm suy yếu an ninh khu vực. Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Campuchia không minh bạch về vai trò của Trung Quốc trong việc nâng cấp cơ sở này. Trước những tin tức dồn dập về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia trong những ngày đầu tháng 6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 06/6 đã nói rằng những cáo buộc về việc Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự tại căn cứ Ream là “phù hợp với báo cáo đáng tin cậy mà chúng tôi đã có về việc Trung Quốc đang tham gia vào một dự án xây dựng quan trọng ở Căn cứ Hải quân Ream”. Ông Price nhấn mạnh: “Như chúng tôi đã nói, sự hiện diện quân sự độc quyền của Trung Quốc tại Ream có thể đe dọa quyền tự chủ của Campuchia và phá hoại an ninh khu vực”.

Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc động thổ dự án cải tạo căn cứ Ream bên bờ vịnh Thái Lan là bước đi mới triển khai một thỏa thuận bí mật được ký giữa Bắc Kinh và Phnom Penh vào năm 2019 cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ tại Ream. Mặc dù ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia đã nhiều lần phủ nhận mạnh mẽ việc Campuchia cho phép Trung Quốc thiết lập một tiền đồn quân sự tại Ream, nhưng trên thực tế đã có nhiều công việc liên quan được triển khai như Trung Quốc đã tiến hành nạo vét bến cảng để cho phép các tàu lớn hơn cập cảng (được phát hiện tháng 01/2022) và đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới để thay thế một sở chỉ huy tác chiến hải quân do Mỹ xây dựng (đã bị Campuchia phá hủy năm 2020).

Giới phân tích nhấn mạnh, diễn biến liên quan đến căn cứ Ream khiến cho “khu vực trở nên quân sự hóa hơn”. Mục tiêu của giới cầm quyền Bắc Kinh là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á, thậm chí trở thành cường quốc thống trị ở châu Á”. Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo rằng việc Trung Quốc triển khai dự án trong kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân ở Campuchia sẽ càng làm gay gắt thêm cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở khu vực, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường đối với Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương:

Thứ nhất, việc thiết lập căn cứ hải quân tại Campuchia là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng một mạng lưới các cơ sở quân sự trên toàn thế giới để thực thi khát vọng trở thành cường quốc toàn cầu với sự hiện diện quân sự trên khắp thế giới. Trong những năm gần đây, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển trong khuôn khổ “Giấc mộng Trung Hoa” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng, Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn để mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới từ việc thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” để chiếm lĩnh các cảng biển ở những vị trí trọng yếu tới việc dùng các doanh nghiệp để thâm nhập, kiểm soát các tuyến đường hàng hải quốc tế như trường hợp Bắc kinh sử dụng tập đoàn Cosco – do nhà nước Trung Quốc kiểm soát và hiện đứng vị trí thứ tư trong lĩnh vực vận tải biển – để thúc đẩy cái gọi là “trật tự an ninh toàn cầu mới” mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng tới được tờ Nikkei Asia của Nhật đề cập cách đây vài tuần.

Mặt khác, Trung Quốc tìm cách thiết lập cơ sở hạ tầng hậu cần và căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm tăng cường sức mạnh của các lực lượng hải quân, không quân. Năm 2017, Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti (nơi mà cả Mỹ, Pháp, Nhật, và Italy đều có căn cứ quân sự trước đó). Ngoài ra, Trung Quốc đã có tiền đồn quân sự tại Tajikistan, khu vực gần biên giới với Afghanistan; hợp tác xây dựng cảng lưỡng dụng tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và gần đây nhất Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận hợp tác an ninh với quần đảo Solomon. Bắc Kinh còn đang mưu toan thúc ép 10 quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương ký kết hiệp ước an ninh và phát triển với Bắc Kinh, song chưa thực hiện được do sự cảnh giác của các nước này.

Những diễn biến liên quan đến căn cứ Ream được các chuyên gia quân sự coi là “một dạng mô hình thu nhỏ của một xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực, với việc tăng cường sức mạnh quân sự để thực hiện ước vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á, thậm chí trở thành cường quốc thống trị ở châu Á-Thái Bình Dương. Sự xuất hiện căn cứ hải quân ở Campuchia sẽ giúp Trung Quốc duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh đối đầu với khối AUKUS (liên minh giữa Anh, Australia và Mỹ) và một cuộc xung đột có thể xảy ra với Mỹ.

Bằng cách xây dựng cơ sở hải quân ở Campuchia trên bờ vịnh Thái Lan, gần với Eo biển Malacca quan trọng về mặt chiến lược – điếm tiếp nối giữa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ nơi đây hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai tới cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh Mỹ đang cùng các nước Australia, Nhật Bản và Ấn Độ trong Nhóm “Bộ tứ” đang nỗ lực thúc đẩy duy trì nguyên trạng và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, động thái mới này của Bắc Kinh sẽ chỉ càng làm cho cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ càng trở nên khốc liệt hơn, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, với Biển Đông việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia tạo nguy cơ lớn đối với các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. Căn cứ Ream nằm trên bờ biển tỉnh Sihanoukville, quay mặt ra vịnh Thái Lan, tiếp giáp với Biển Đông, nơi Trung Quốc yêu sách đến trên 80% diện tích và ngày càng gia tăng các hành động hung hăng để thúc đẩy mục tiêu độc chiếm Biển Đông, khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải chiến lược này. Mỹ đã chính thức bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp này của Trung Quốc và thường xuyên tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) và các cuộc diễn tập quân sự ở đó để khẳng định rằng đây là vùng biển quốc tế, duy trì trật tự dựa trên pháp luật và tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Từ giữa thập niên thứ 2 của Thế kỷ 21, Trung Quốc đã ráo riết tiến hành nạo vét, bồi đắp, mở rộng các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo rộng hang chục hec ta, xây dựng các cầu cảng, đường băng cỡ lớn và bố trí ở đó các thiết bị quân sự, vũ khí, tên lửa tàu chiến, máy bay chiến đấu … để biến các thực thể này thành các tiền đồn quân sự trên biển. Sau khi cơ bản hoàn thành việc quân sự hóa Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các công trình ở căn cứ quân sự Ream của Campuchia.

Những công trình được Bắc Kinh triển khai lần này ở căn cứ Ream gồm việc nạo vét, xây dựng một cảng nước sâu cùng với các cơ sở dịch vụ đi kèm như trung tâm bảo dưỡng, bờ trượt ụ khô và bến tàu. Căn cứ quân sự này có thể giúp Trung Quốc giải quyết được vấn đề hậu cần để Bắc Kinh mở rộng các hoạt động xâm lấn xuống phía Nam Biển Đông. Các tàu chiến và tàu tuần duyên của Trung Quốc chỉ cần di chuyển quãng đường ngắn và tiện lợi trong việc neo đậu, ngoài ra các cơ sở quân sự tại Campuchia có thể hỗ trợ các hoạt động giám sát, thu thập thông tin tình báo ở các vùng lân cận.

Theo nhận định của giới quan sát, căn cứ đặt tại Ream cho phép Trung Quốc triển khai chiến hạm và tàu tuần duyên xung quanh khu vực một cách dễ dàng hơn, vì hiện diện ngay tại chỗ thay vì cần phải đi một quãng đường rất xa như trước đây (từ căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam đến khu vực này cần quãng đường hàng nghìn hải lý). Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng hải quân ở Campuchia để củng cố vị thế trong một cuộc xung đột giả định với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông, tạo thế “gọng kìm” để hải quân và không quân Trung Quốc có thể triển khai từ cả phía Bắc lẫn phía Nam Biển Đông. Căn cứ quân sự tại Ream trên bờ biển vịnh Thái Lan có thể giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế nếu một khi xung đột quân sự nổ ra ở Biển Đông.

Đối với Việt Nam – nước có nhiều tranh chấp nhất với Trung Quốc ở Biển Đông thì căn cứ quân sự ở Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, tiếp giáp với Việt Nam cả trên biên giới đất liền lẫn trên biển, nhìn thẳng ra đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam (chỉ cách đảo Phú Quốc khoảng 30km) đe dọa trực tiếp an ninh của Việt Nam. Một số học giả ví von việc Bắc Kinh và Phnom Penh (hai nước có quan hệ thân thiết với Hà Nội) “bắt tay đi đêm” xây dựng căn cứ hải quân Ream như “một nhát dao” đâm vào sau lưng Việt Nam.

Hà Nội đã đưa ra phản ứng về các thông tin liên quan đến việc Bắc Kinh thiết lập căn cứ hải quân ở Campuchia. Ngày 09/6/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cơ bản giống như nội dung phát biểu cách đây 1 năm về vấn đề này, theo đó Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia “cần đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng ở khu vực và thế giới”.

Việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia ngay sát nách Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi Việt Nam đang triển khai nhiều dự án hợp tác khai thác dầu khí bởi lẽ hải quân Trung Quốc đồn trú ở Ream có thể nhanh chóng tiếp cận khu vực này.  Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa có phản ứng chính thức về động thái mới này. Việc ASEAN không có phản ứng hoặc phản ứng nhẹ nhàng sẽ khiến Trung Quốc lấn tới mạnh hơn để hợp thức hóa chiến lược ở khu vực. Việc Campuchia là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN là một khó khăn lớn cho các nước ASEAN có thể đưa ra phản ứng mạnh mẽ trên vấn đề này bởi nước Chủ tịch ASEAN sẽ có tiếng nói quyết định trong việc tạo đồng thuận chung trong phản ứng trên các vấn đề liên quan. Còn nhớ cách đây 10 năm, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã ngăn cản việc đưa nội dung phản đối Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, gây thất vọng lớn cho cộng đồng quốc tế. Từ góc độ này có thể thấy không thể hy vọng việc ASEAN tạo được tiếng nói chung về vấn đề Trung Quốc phát triển căn cứ hải quân Ream của Campuchia mặc dù ai cũng biết căn cứ hải quân của Bắc Kinh ở Campuchia sẽ đưa đến những hệ lụy xấu đối với an ninh khu vực, nhất là an ninh, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới