Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắt gà mái gáy (!)

Bắt gà mái gáy (!)

Trong quá trình thảo luận về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) Bắc Kinh lúc nào cũng nói rằng, lấy tôn trọng luật pháp quốc tế làm tiêu chí quan trọng nhất. Nhưng trên thực tế thì Trung Quốc luôn giẵm chân lên luật. Mới nhất là chuyện nước này cho thu hồi hàng chục nghìn tấm bản đồ… không vẽ “đường lưỡi bò”.

Mặc dù vào tháng 7/2016, xét xử vụ kiện của Philippines, Tòa trọng tài quốc tế tại Lahaye đã xổ toẹt cái “lưỡi bò” ấy, nhưng Trung Quốc cố tình lờ tít phán quyết quan trọng này. Tấm bản đồ với một “đường lưỡi bò” nuốt gần trọn Biển Đông khiến các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á và thậm chí cả Ấn Độ hết sức phẫn nộ. Tòa đã xem xét và tuyên bố, đường đó không có giá trị cả về pháp lý và về mặt lịch sử.

Sáu năm trôi qua, trên rất nhiều bộ sách giáo khoa, tài liệu, ấn phẩm giao dịch quốc tế, như bản đồ, hộ chiếu, cho đến chiếc áo phông cho khách du lịch, tấm vé tham quan, các nhà bản đồ Trung Hoa không quên in đậm cái “lưỡi bò” này. Nhiều bộ phim ăn khách có số lượng người xem lớn đều không quên đưa hình ảnh “đường lưỡi bò”. Một cái lưỡi bị cắt mà vẫn sống lâu và còn… dài thêm.

Mới đây, hôm 14/8, Hải quan tại thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc đã tuyên bố thu hồi 23.500 tấm bản đồ bị cho “có vấn đề”, khi chúng chuẩn bị được xuất ra nước ngoài. Thật ra đó là những bản đồ được thiết kế đúng nhất khi không vẽ cái đường đứt khúc 9 đoạn phi lý. Đúng ra, cần phải hoan nghênh các nhà “bản đồ học” đã tôn trọng sự thật, có trách nhiệm với lịch sử mà cha ông mình đã dầy công xây dựng.

Nhưng không, thượng cấp cho rằng, đây là hành động tùy tiện, cẩu thả, thiếu nhạy cảm chính trị. Tới đây sẽ xử phạt nặng đơn vị tổ chức in ấn và phát hành bản đồ để răn đe (!). Thông báo của cấp trên lưu ý thêm: các bản đồ bị thu hồi không chỉ không có “đường lưỡi bò”, mà còn không có chuỗi đảo mà Trung Quốc cho là thuộc quyền của họ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) tại Biển Đông và Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản) tại biển Hoa Đông.

Cha đẻ của những “tấm bản đồ dũng cảm” này là Bộ Tài nguyên Trung Quốc. Nhà chức trách ở bộ này lý giải: Bản đồ không in những vùng lãnh thổ đang có tranh chấp và không có đường chín đoạn là vì trong nhiều năm qua, chúng gây chia rẽ nội bộ, gây bất bình đối với các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán của các nước ASEAN trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Một số nhà chức trách của Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho rằng: Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những tấm bản đồ giữ một vai trò rất quan trọng. Quốc gia nào khi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng cần có một tấm bản đồ riêng về khu vực. Theo đó, khu vực mà tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này vẫn là rộng lớn nhất và được thể hiện bằng 9 đường đứt đoạn, dựa trên những tấm bản đồ bất chấp cơ sở pháp lý và lịch sử mà Quốc dân đảng sử dụng vào năm 1947.

Bằng cách duy trì các đường đứt đoạn, Bắc Kinh cố tình coi lập trường của mình trong các tuyên bố chủ quyền trên biển là có thể hòa giải và để ngỏ cho đàm phán với các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khác.

Mỹ, Philippines và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã kịch liệt phản đối những tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đó là một cách tuyên bố chủ quyền sai trái, không có căn cứ bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Trung Quốc đã phê chuẩn công ước này vào năm 1996.

Tay phải phê chuẩn Công ước, tay trái vẽ bản đồ nhận xằng lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia khác. Chỉ có những bộ óc tham vọng bành trướng quá lớn mới làm như thế. Việc Bắc Kinh xử phạt, cho thu hồi những tấm bản đồ được vẽ đúng, khách quan, tôn trọng lịch sử là trái với quy luật, chẳng khác nào “bắt gà mái gáy” như bình luận của một học giả Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới