Vở kịch này được Trung Quốc và Nga diễn trong mấy năm gần đây vì hai quốc gia thấy rằng phải xích lại gần nhau để chống lại siêu cường Mỹ. Vở kịch thêm hồi gay cấn khi từ tháng 2/2022 Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Ngoại giao giữa hai cường quốc mang tính “kịch” vì rằng nó ẩn chứa nhiều mâu thuẫn; nhiều tuyên bố của các nhà lãnh đạo mang tính biểu tượng mà không đi vào các cam kết, ràng buộc cụ thể. Nếu nói một cách khái quát thì Nga-Trung đang liên kết với nhau để cùng đi qua một chặng đường trơn lầy, chứ không phải là liên minh lâu dài, vì mỗi nước đều có những toan tính riêng. Họ cần tranh thủ nhau, lợi dụng nhau, nhưng hết sức cảnh giác.
Cảnh giác như thế nào? Xin nêu một dẫn chứng: Trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, Trung Quốc ủng hộ Nga gần như tuyệt đối, mặc cho Mỹ và nhiều nước phương Tây lên án, trừng phạt Nga. Thế nhưng con bài mặc cả cuối cùng của Bắc Kinh vẫn không được Moscow thực hiện. Con bài đó là, công nghệ quân sự tiên tiến và các sản phẩm quân sự hiện đại không được phía Nga cung cấp. Công nghệ đó chỉ cốt kích thích sự ham muốn của quân đội Trung Quốc mà thôi.
Còn tranh thủ nhau thường thể hiện qua các quan điểm mà thế giới đang có những ý kiến bất đồng. Kể từ tháng 2/2022 khi Nga mở “cuộc tiến công quân sự đặc biệt”, Moscow và Bắc Kinh mau mắn lên tiếng về sự “hợp tác không có giới hạn”. Từ đó đến nay chưa một lần nào Trung Quốc công khai chỉ trích Nga.
Khi tình hình eo biển Đài Loan đang nóng lên bởi các cuộc tập trận của cả Trung Quốc và Đài Loan, hôm 16/7, tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 10, Tổng thống Nga Putin đã phê phán chuyến thăm “bất hợp pháp” Đài Loan của bà Pelosi-Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Ông Putin cho rằng, chuyến thăm nêu trên là “hành động khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận. Đây không chỉ là một chuyến đi của một chính trị gia vô trách nhiệm, mà còn là một nỗ lực có mục đích và có ý thức của Mỹ nhằm gây mất ổn định khu vực và thế giới”. Theo ông Putin, các nước phương Tây đang tìm cách xây dựng một hệ thống giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một sự hợp tác thể hiện rõ sự ve vuốt nhau của Điện Kremlin và Trung Nam Hải, hôm 17/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tới đây, theo kế hoạch hợp tác hàng năm giữa quân đội Trung Quốc và Nga với sự nhất trí của hai bên, một số binh sĩ sẽ được cử đến Nga để tham gia cuộc tập trận “Đông Phương-2022”. Cuộc tập trận này cũng sẽ có sự tham gia của Ấn Độ, Belarus, Tajikistan, Mông Cổ và một số nước khác.
Theo các nhà phân tích, trong lúc cuộc chiến giữa Nga và Ukraine còn đang căng thẳng, sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các cuộc tập trận quân sự của Nga thể hiện rõ thái độ ủng hộ Nga trừng trị Ukraine.
Tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Khi Bắc Kinh quyết định cho quân đội tham gia các cuộc tập trận với Nga trong lúc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài chỉ khiến cho Phương Tây giận dữ, không hề có lợi cho Trung Quốc. Lúc này Nga và Trung Quốc nắm tay nhau như anh em thân thiết nhưng thực ra họ rất cảnh giác, “dò đá qua sông”, “lặng lẽ chờ thời”.
Nói rằng “hợp tác không có giới hạn” nhưng trong từng việc cụ thể hai bên đều khôn khéo tìm cách… giới hạn. Trung Quốc quyết không trợ giúp quy mô lớn về kinh tế, quân sự cho Nga. Còn Nga lờ tít việc cung cấp cho Trung Quốc các công nghệ quân sự tiên tiến. Chuyện này giống như các ông thầy dạy võ xưa nay không bao giờ dạy miếng võ hiểm cuối cùng cho trò. Thầy giữ để phòng thân và phòng cả cho trò.
H.Đ