Trên khắp Châu Âu, hạn hán đang khiến các con sông chính từng cuồn cuộn chảy giờ trông như những con suối. Hạn hán 500 năm có một này dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với các ngành sản xuất, vận tải hàng hóa, năng lượng, sản xuất lương thực.
Hạn hán 500 năm có một
Sông Loire, con sông dài nhất của Pháp, giờ đây có thể băng qua ở nhiều đoạn chỉ bằng cách… đi bộ. Nước sông Rhine ở Đức đang ở mức thấp đến độ không đủ an toàn cho các sà lan chở hàng. Ở Ý, con sông Po thấp hơn bình thường 2m. Còn tại Serbia, người ta đang cố gắng nạo vét sông Danube để dòng chảy thêm mạnh.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Châu Âu đã trải qua một mùa đông và mùa xuân khô hạn bất thường, sau đó là cái nóng kỷ lục trong mùa hè và các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại. Những tác động của tự nhiên đã khiến các tuyến đường thủy huyết mạch của châu Âu ngày càng trở nên chật hẹp hoặc không thể sử dụng vì mực nước thấp.
Không có lượng mưa đáng kể nào được ghi nhận trong gần 2 tháng qua trên khắp tây, trung và nam châu Âu. Chính phủ Anh hôm 12-8 đã chính thức tuyên bố hạn hán trên cả xứ England sau nhiều tháng chứng kiến lượng mưa thấp kỷ lục và nhiệt độ cao chưa từng có. Nhà chức trách giải thích việc tuyên bố tình trạng hạn hán dựa trên đánh giá các yếu tố như lượng mưa, dòng chảy của sông, mực nước ngầm và hồ chứa cũng như tác động của chúng đối với nguồn cung cấp nước công cộng.
Nông dân luôn là những người chịu tác động đầu tiên của hạn hán. Tại Pháp, những đợt nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè này đã đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của nho dùng để ủ rượu vang. Điều đó có nghĩa việc thu hoạch phải bắt đầu sớm hơn từ một đến ba tuần so với bình thường, thậm chí có nơi đã thu hoạch từ cuối tháng 7 rồi. Việc thu hoạch sớm ảnh hưởng đến chất lượng nho và kế đó là chất lượng rượu vang.
Khi khan hiếm nước, cây nho sẽ tự bảo vệ mình bằng cách rụng lá và không còn cung cấp chất dinh dưỡng cho nho làm chất lượng quả giảm rõ rệt. Chỉ 10% các khu đất trồng nho của Pháp sử dụng hệ thống tưới tiêu nhân tạo do kỹ thuật phức tạp hoặc quá đắt đỏ để lắp đặt.
“Không có sự kiện nào trong 500 năm qua tương tự như hạn hán năm 2018. Nhưng năm nay, tôi nghĩ còn tồi tệ hơn”, ông Andrea Toreti, Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp của Ủy ban châu Âu nói với Guardian.
Kinh tế Châu Âu nguy cấp
Chất lượng nho và rượu vang chỉ là một trong nhiều ví dụ ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế người dân và nền kinh tế của một vùng, một quốc gia. Sông Rhine là một ví dụ cho thấy tác động của hạn hán ở quy mô xuyên quốc gia. Con sông dài hơn 1.200km từ lâu đã là một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực tây bắc châu Âu suốt nhiều thế kỷ, khi chảy từ Thụy Sĩ qua trung tâm công nghiệp của Đức trước khi đổ ra biển Bắc.
Nước sông Rhine không chỉ sử dụng cho vận chuyển hàng hóa mà còn cho tưới tiêu, sản xuất hàng hóa, sản xuất điện và cả nước uống. Theo Viện Thủy văn liên bang Đức (BfG), mực nước sông Rhine sẽ tiếp tục giảm trong tuần này làm dấy lên lo ngại con tàu kinh tế số 1 châu Âu là Đức có thể “mắc cạn”.
Hôm 12-8, mực nước tại trạm đo Kaub trên sông Rhine (cách Mainz 50km về phía hạ lưu) cho thấy nước đã thấp hơn 40cm so với bình thường. Trạm này phục vụ việc đo lường mực nước để bảo đảm di chuyển an toàn của tàu bè trên sông. BfG cho biết nó có thể giảm xuống gần 30cm trong vài ngày tới.
Giới kinh doanh tính toán rất kỹ đến từng yếu tố nhỏ nhất, không chỉ dừng lại ở lợi nhuận hay con người mà còn cả yếu tố tự nhiên. Theo Guardian, với mực nước thấp như vậy, nhiều hãng tàu có thể sẽ ngừng hoặc giảm vận chuyển trên sông Rhine vì không có lợi ích kinh tế trong bối cảnh giá nhiên liệu vẫn đang cao.
Thực tế trên đã diễn ra từ mấy tuần trước khi nhiều sà lan chở than cho các nhà máy điện và nguyên liệu thô quan trọng cho các công ty công nghiệp khổng lồ như nhà sản xuất thép Thyssen và Tập đoàn hóa chất BASF, đang chở hàng hóa chỉ bằng 25% công suất thiết kế. Việc này là để giảm lượng choán nước của tàu, tránh bị mắc cạn do nước đã rút xuống thấp hơn trước. Tuy nhiên, vô hình trung điều này lại làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần do hàng hóa chở thì ít nhưng quãng đường di chuyển như trước.
Cho đến thời điểm hiện tại, Đức vẫn chưa áp lệnh hạn chế giao thông trên sông Rhine. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính nếu điều đó xảy ra thì thiệt hại có thể lên tới hàng tỉ euro và làm giảm tăng trưởng kinh tế của nước này. Vào năm 2018, khi Đức đình chỉ giao thông trên sông Rhine khoảng 6 tháng, nước này đã chịu thiệt hại hơn 5 tỉ euro.
Đức hiện đang nỗ lực chuyển hướng vận chuyển hàng hóa sang đường sắt và đường bộ, nhưng điều này có thể đi ngược lại định hướng phát triển xanh của Liên minh châu Âu. Theo tính toán, cần phải có từ 40 đến 100 xe tải mới có thể chở được lượng hàng hóa và nguyên liệu thô tương đương một sà lan tiêu chuẩn.
Không dừng lại, các con sông của Pháp có thể không phải là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng như sông Rhine ở Đức nhưng tác động với nền kinh tế khi chúng cạn đi cũng không hề kém cạnh.
Những con sông này cung cấp nguồn nước để làm mát cho các nhà máy điện hạt nhân vốn chiếm khoảng 70% nguồn cung năng lượng quốc gia. Thiếu nước sẽ buộc các nhà máy này phải giảm công suất, từ đó đẩy giá điện lên mức cao hơn nữa và tác động đến hàng loạt mặt khác của ngành sản xuất.
T.P