Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga-Trung muốn “bình thường hóa” vấn đề Triều Tiên

Nga-Trung muốn “bình thường hóa” vấn đề Triều Tiên

Trước sức ép từ Mỹ thời gian qua, Nga và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với Triều Tiên và có thể tiến tới bình thường hóa vấn đề Triều Tiên khác với trước đây. Khi đó, Mỹ sẽ lại có thêm một nhân tố gây đau đầu nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp gỡ Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Vladivostok, Nga.

Quan hệ tăng cường giữa Nga với Triều Tiên trong bối cảnh xung đột Ukraine

Mới đây, vào dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của bán đảo Triều Tiên (15/8), Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi thư với Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un. KCNA tuyên bố cả hai nước đã nhất trí “mở rộng quan hệ song phương toàn diện và xây dựng với những nỗ lực chung”.

Diễn biến mới này cho thấy Tổng thống Nga Putin đang tìm kiếm các đối tác mới ngoài phương Tây. Trước đó có tin tức cho hay các công nhân Triều Tiên ở nước ngoài sẽ trợ giúp hoạt động tái thiết ở những vùng lãnh thổ của các nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk vừa được quân Nga giành từ tay Ukraine. Triều Tiên mới đây đã công nhận ngoại giao đối với 2 nước cộng hòa tự xưng này.

Ngoài ra, động thái này của ông Putin cũng là chỉ dấu cho thấy thế giới đã thay đổi đáng kể. Chỉ cách đây vài năm, Nga và Trung Quốc có chút sẵn lòng khi hợp tác với Mỹ để áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nhằm hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này.

Tình thế đó giờ không còn nữa. Xung đột Ukraine nổ ra cộng với Mỹ cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa chúng ta đang sống trong một môi trường quốc tế đa cực, nơi nhiều trung tâm nước lớn cạnh tranh với nhau về mức độ gây ảnh hưởng.

Thực tế này tạo không gian cho hợp tác về các vấn đề chung nhưng cũng làm gia tăng nhu cầu tư duy chiến lược giữa các đối thủ cạnh tranh. Trong mắt Moscow, điều này khiến tính toán của họ liên quan đến Triều Tiên trở nên quan trọng hơn trước đây và vạch ra những điểm tương đồng với thời Chiến tranh Lạnh.

Chính Liên Xô giúp tạo ra Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (DPRK). Ngay sau những ngày cuối cùng của Thế chiến II là một cuộc đấu chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Đông Á liên quan đến các lãnh thổ cũ do Đế chế Nhật Bản kiểm soát. Khi Hồng quân Liên Xô tiến xuống phía Nam, các bên đạt được một thỏa thuận về phân chia bán đảo Triều Tiên dọc theo vĩ tuyến 38.

Thỏa thuận ban đầu nêu rằng sự chia tách này chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, các căng thẳng địa chính trị đã mau chóng biến sự chia cắt đó thành lâu dài và sự hình thành của hai nước Triều Tiên/Hàn Quốc khác biệt nhau. Hàn Quốc ở miền Nam (được Mỹ chống lưng) và Triều Tiên ở miền Bắc được Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn. Triều Tiên do cựu đại úy Hồng quân và thủ lĩnh du kích Kim Nhật Thành lãnh đạo.

Triều Tiên có thể củng cố khối Nga – Trung Quốc đối đầu với phương Tây

Các nước lớn luôn coi bán đảo Triều Tiên như một quân cờ trong nỗ lực thống trị Đông Bắc Á. Điều này dẫn tới một cuộc giằng co trong nhiều thế kỷ với sự tham gia của các triều đại Thanh và Minh, Đế chế Nga, Đế chế Nhật Bản và Mỹ, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và Liên Xô.

Nhưng trong 3 thập kỷ qua, kể từ khi Chiến tranh Lạnh gốc chấm dứt, Triều Tiên lại ngày càng bị cô lập, trong khi Trung Quốc và Nga đều tìm kiếm quan hệ với phương Tây cũng như với Hàn Quốc.

Tính đơn cực của Mỹ đã khiến cả Nga và Trung Quốc đều ít quan tâm đến việc phản đối mong muốn của Mỹ muốn hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên – được coi là phương tiện bảo đảm sự sống còn của chế độ này.

Nhưng nay tình hình mới đã xuất hiện. Trong mắt Nga và Trung Quốc, Triều Tiên chính là vật cản không thể thiếu về mặt chiến lược trước sức mạnh và tầm ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên chính lãnh thổ của Nga, đặc biệt là trước các nước láng giềng được Mỹ hậu thuẫn như là Nhật Bản.

Trong một môi trường như thế, Nga không còn thấy ích lợi nào trong việc hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Giờ đây, sự hiện diện của một nước Triều Tiên sở hữu cả bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa chính là cái gai đâm vào mạng sườn Mỹ. Nếu cái gai này được dỡ bỏ, sức mạnh Mỹ sẽ lại mở rộng.

Không phải ngẫu nhiên, khi Mỹ yêu cầu có thêm một nghị quyết các lệnh trừng phạt mới áp lên Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đó vào năm 2022, cả Nga và Trung Quốc đã lần đầu trong 15 năm phủ quyết đề xuất này.

Bắt đầu từ đây, Nga có khả năng làm sâu sắc thêm quan hệ quân sự và kinh tế với Triều Tiên, chủ yếu vì giá trị về chiến lược và chính trị của quốc gia này.

Lịch sử đã hoàn thành một vòng tròn khép kín. “Chính trị chia khối” lại xuất hiện khi Mỹ củng cố các đồng minh của mình để đối đầu với Nga và Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới