Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam không chọn bên, Việt Nam chọn chính nghĩa và lẽ...

Việt Nam không chọn bên, Việt Nam chọn chính nghĩa và lẽ phải trong giải quyết vấn đề Biển Đông

Ngày 28/3/2022, trang mạng của Viện nghiên cứu biển Hoa Nam của Trung Quốc, đã đăng bài viết của ông Ngô Sĩ Tồn – Viện trưởng viện này với tựa đề: “Chính sách Biển Đông mới của Mỹ khiến các nước láng giềng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Nội dung và giọng điệu giống như các bài viết trước đây, tiếp tục chỉ trích, lên án sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và bài xích Việt Nam; cho rằng, chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, chính sách đối với Biển Đông của Mỹ nói riêng trong thời gian tới sẽ chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng. Do đó, một số nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei… sẽ điều chỉnh chính sách Biển Đông, dẫn tới gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN, tạo thêm các biến số trên vùng biển này, tác động đến việc tái cấu trúc trật tự an ninh khu vực. Theo ông Ngô lập luận:

(1) Kể từ cuối những năm 1960, chính sách Biển Đông của Mỹ đã trải qua một số giai đoạn phát triển khác nhau. Từ thời điểm xảy ra tranh chấp Biển Đông đến giữa những năm 1990, Mỹ duy trì thái độ tương đối trung lập và có chọn lọc đối với các tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Malaysia về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán đối với một số đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Philippines nhiều lần yêu cầu Mỹ đưa vấn đề Biển Đông vào Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Phi, nhưng Mỹ đều từ chối “một cách khéo léo”. Cho đến khi xảy ra “sự cố đá Vành Khăn” giữa Trung Quốc và Philippines (1995), Chính phủ Mỹ mới đưa ra tuyên bố đầu tiên về vấn đề Biển Đông và cũng là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố rõ ràng về lợi ích tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên, các đời tổng thống Mỹ, từ Clinton đến Bush (con) đều hạn chế can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 7/2010, sau khi Tổng thống B.Obama lên nắm quyền, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ có những quan ngại và lợi ích lớn ở Biển Đông. Từ năm 2014, Mỹ tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông trên các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, luật pháp và dư luận. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 13/7/2020 đã cho thấy hai đặc trưng rõ ràng trong chính sách Biển Đông của Mỹ, đó là “can dự toàn diện” và “chọn bên”.

(2) Nhiệm vụ của Chính quyền Biden hiện nay là khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trong đó có việc duy trì và củng cố quyền bá chủ của Mỹ ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường triển khai lực lượng chiến lược tuyến đầu, tái thiết quan hệ với các đồng minh và đối tác, xây dựng khuôn khổ an ninh đa phương hẹp bao gồm các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chính quyền Biden sẽ tuân theo các mục tiêu và đường lối đã vạch ra trong chính sách mới, đồng thời thông qua nhiều cách thức và thủ đoạn đa dạng hơn để thực hiện các mục tiêu và lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.

Ông Ngô cho rằng: “Sự can dự về ngoại giao, quân sự của Mỹ đã và sẽ làm phong phú thêm sự lựa chọn trong chính sách Biển Đông của các nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này… Tuy nhiên, xuất phát từ những tính toán lợi ích của mỗi nước nên trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông ngày càng gay gắt, các nước ngày càng khó có thể duy trì chính sách cân bằng hoặc không chọn bên trong quan hệ với các nước lớn, do đó khuynh hướng chọn bên sẽ ngày càng rõ nét hơn”.

Đối với Philippines, ông Ngô khẳng định: “…chính sách Biển Đông của nước này sẽ dần nghiêng về phía ủng hộ Mỹ, thể hiện ở việc Philippines muốn triển khai sức mạnh đối với Trung Quốc và liên tục có các hành động khiêu khích đơn phương… không loại trừ khả năng trong tương lai, Philippines sẽ cung cấp thêm căn cứ quân sự cho Mỹ, tham gia tích cực hơn vào các cuộc tập trận với Quân đội Mỹ ở Biển Đông, cũng như phối hợp với lực lượng cảnh sát biển và hải quân của Mỹ để thực hiện những hành động khiêu khích đối với cảnh sát biển, dân quân trên biển và tàu cá của Trung Quốc ở vùng biển này. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các công ty dầu khí và cơ quan ngoại giao của Mỹ và các nước phương Tây, Philippines có thể sẽ đơn phương triển khai hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…”.

Còn đối với Việt Nam, tuy không nói thẳng ra nhưng với cách dùng câu chữ lập lờ trong bài viết của mình, ông Ngô ám chỉ rằng Việt Nam cũng sẽ “chọn Mỹ” để cùng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Ông ta nói nguyên văn như sau: “…Từ các cuộc trao đổi cấp cao, các chuyến thăm cảng của tàu sân bay trong các đợt chuyển giao vũ khí và những lần chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến Biển Đông, Mỹ và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác an ninh toàn diện ở mức gần như là đồng minh để đối phó với Trung Quốc ở khu vực này. Việt Nam đã tranh thủ thời cơ và tận dụng lợi thế để triển khai các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương tại các khu vực tranh chấp; thực hiện hành động chiếm đóng trái phép các đảo và bãi đá ngầm, mở rộng và triển khai các cơ sở tại đây. Trong tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phối hợp chính sách với chính quyền Biden ở Biển Đông, tận dụng sức mạnh và sự ủng hộ của các nước bên ngoài khu vực như Mỹ để đẩy mạnh hoạt động đơn phương khai thác dầu khí tại lô 05-1 bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa và mỏ khí Cá Voi Xanh nằm trên đường đứt đoạn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai các cơ sở quân sự tại các bãi đá ngầm như đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, cũng như thông qua việc tăng cường số lượng cán bộ nhân viên và trang thiết bị quân sự để kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông…”.

Đương nhiên, bài viết của ông Ngô còn bàn nhiều nội dung khác nữa nhưng ở nội dung vừa trích ra trên đây cho thấy giọng điệu của ông Ngô vừa có vẻ như “hậm hực bực mình” vì quan hệ Việt – Mỹ đang tiến triển tốt đẹp, vừa như có vẻ cay cú nữa. Không khó để người đọc nhận ra là, ông Ngô đang muốn nói rằng, Việt Nam đã và đang “chọn Mỹ” để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Đây rõ ràng là luận điệu của những kẻ tuyên truyền để tranh thủ dư luận, chứ không phải tiếng nói của một nhà khoa học chân chính, thực thụ. Vì thế, người Việt chúng ta lại cần thiết phải giảng giải cho vị Viện trưởng một viện khoa học của Trung Quốc mấy điều rất khách quan về đường lối phát triển độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trước đây và hiện nay.

Trước hết, từ góc độ lịch sử đã cho thấy rằng, sự phát triển và đi lên của dân tộc Việt Nam kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, có những giai đoạn, thời điểm, nhất là khi đất nước gặp khó khăn, khủng hoảng về kinh tế – xã hội thì việc lựa chọn con đường đi của dân tộc Việt Nam cũng chịu nhiều sức ép rất lớn của các thế lực thù địch, chống đối cả từ bên trong và bên ngoài. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam không sáng suốt, kiên định thì rất dễ rơi vào ách đô hộ hoặc sự phụ thuộc vào ngoại bang.

Nhớ lại những năm đầu của thế kỷ XX, do không cam chịu ách thống trị và đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến và bọn tay sai, nên cả dân tộc Việt Nam đã vùng lên đấu tranh. Tuy nhiên, mặc dù phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam, từ yêu nước theo lập trường Cần Vương (phong kiến), đến yêu nước theo lập trường tư sản, tiểu tư sản nổ ra rất mạnh mẽ, song đều bị thất bại. Nguyên nhân cơ bản là do khủng hoảng về đường lối cách mạng, cụ thể hơn là khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời thì sự khủng hoảng đó mới chấm dứt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam liên tục giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Giành chính quyền về tay nhân dân khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới 15 tuổi (1945); đánh thắng hai đế quốc to và đầu sỏ nhất thế giới là Pháp và Mỹ, và “dạy” cho một số kẻ khác những bài học đích đáng, điều này thì chắc ông Ngô đã rõ. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất đó chính là thắng lợi của sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của đất nước, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam, sự lựa chọn đó đã được khẳng định dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Song, con đường đi lên của dân tộc Việt Nam không phải là bằng phẳng. Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Việt Nam rơi vào đáy của khủng hoảng kinh tế – xã hội. Trong khi đó, hệ thống CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu từng bước sụp đổ hoàn toàn. Các thế lực phản động cho rằng, Việt Nam cũng sẽ sụp đổ vì lựa chọn chế độ XHCN là sai lầm lịch sử đối với con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Theo chúng, Việt Nam nên chọn con đường TBCN và dựa hẳn vào các nước tư bản, đế quốc thì mới phát triển được. Thế nhưng, Việt Nam chẳng những không sụp đổ, ngược lại còn đứng vững và liên tục phát triển theo con đường XHCN đã lựa chọn, thông qua công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đến nay “chưa bao giờ đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nói vậy để học giả Ngô Sĩ Tồn thấy rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ trước tới nay là thắng lợi của đường lối độc lập, tự chủ, tự vươn lên bằng chính sức mạnh dân tộc Việt Nam, kết hợp với sức mạnh của thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, từ góc độ hiện tại cho thấy, hiện nay có không ít quốc gia trên thế giới chọn cách dựa vào bên ngoài để phát triển và đã có những sự trả giá rất đắt. Nhưng cũng có không ít quốc gia đang lựa chọn giữa độc lập và phụ thuộc để phát triển. Với Việt Nam, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ độc lập để phát triển và từ bản chất văn hóa của dân tộc, bản chất của chế độ nên giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và đã cạnh tranh thì cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau. ông Ngô cần phải biết rằng: Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và có nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà lựa chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.

Thứ ba, trong quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế. Chính vì lẽ đó, trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông – một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam đã chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mê Công, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Việt Nam đã chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong phát huy vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021). Việt Nam đã trực tiếp tham gia, đóng góp quân nhân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ tháng 6/2014 đến nay.

Là một quốc gia đã trải qua và hiểu được những mất mát to lớn của nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, nên Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia. Việt Nam đã từng là địa điểm để tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần 2. Trong vấn đề Ucraina hiện nay, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững.

Thứ tư, bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân loại, song thế giới đang đứng trước thời điểm có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Toàn cầu hoá, liên kết kinh tế quốc tế, kinh tế thế giới đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là với những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và các chuyển dịch địa – chính trị, địa – kinh tế và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Chỉ cách đây một vài năm, ít ai có thể ngờ rằng, trên 6 triệu người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19 và cũng ít ai có thể hình dung ra xung đột xảy ra ngay giữa lòng châu Âu, gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết các vấn đề đặt ra trên thế giới hiện nay, điều có vai trò đặc biệt quan trọng đó chính là sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm. Chính vì thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy cũng là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia, cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Vì vậy, quan điểm của Việt Nam là cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tuỳ theo khả năng của mình. Việt Nam đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia. Quan điểm về sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế của Việt Nam đã được hiện thực hóa bằng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nó rõ ràng chứng minh rằng Việt Nam không chọn bên, mà ngược lại, Việt Nam đã và đang chọn chính nghĩa, chọn sự công bằng, công lý và lẽ phải. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Nhưng Việt Nam lại có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Cả hai mối quan hệ đó đều cần thiết và có lợi cho Việt Nam. Vậy hà cớ gì Việt Nam phải “chọn Mỹ” để chống Trung Quốc ở Biển Đông? Cái cách nhìn và nói như của ông Ngô Sĩ Tồn thì thật quả là quá phiến diện và hồ đồ lắm thay.

                                                                    Bảo Khê

RELATED ARTICLES

Tin mới