Hai tuần sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu đầu tiên về tình hình ở eo biển Đài Loan, chỉ trích về các hành động khiêu khích trong khu vực; sau đó ĐCSTQ tuyên bố rằng họ sẽ tham gia vào cuộc tập trận của quân đội Nga. Phân tích cho thấy Nga và Trung Quốc đang hết sức cảnh giác, lợi dụng lẫn nhau và sẽ không hỗ trợ đáng kể cho nhau.
Phát biểu của ông Putin về tình hình eo biển Đài Loan, ĐCSTQ tham gia cuộc tập trận của quân đội Nga
Hôm 16/7, khi chủ trì Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 10, ông Putin đã có phát biểu đầu tiên về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và tình hình eo biển Đài Loan.
Đồng quan điểm với Bắc Kinh, ông Putin cáo buộc chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là một “hành động khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận”. Ông nói: “Đây không chỉ là một chuyến đi của một chính trị gia vô trách nhiệm, mà còn là một nỗ lực có mục đích và có ý thức của Hoa Kỳ nhằm gây mất ổn định khu vực và thế giới”.
Ông cũng nói rằng các nước phương Tây đang tìm cách xây dựng một hệ thống giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Putin nói: “Tình hình ở Ukraine cho thấy Mỹ đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột này. Họ hoạt động theo cách giống hệt nhau, làm tăng khả năng xảy ra xung đột ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”.
Hôm 17/8, Bộ Quốc phòng Đảng Cộng sản Trung Quốc phát đi thông báo cho biết, theo kế hoạch hợp tác hàng năm giữa quân đội Trung Quốc và Nga với sự nhất trí của hai bên, một số binh sĩ sẽ được cử đến Nga để tham gia cuộc tập trận “Đông Phương-2022” trong thời gian sắp tới. Ấn Độ, Belarus, Tajikistan, Mông Cổ và các nước khác cũng sẽ tham gia.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm (Li Lin) đã phân tích với tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ đã tuyên bố rằng họ sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự “Đông Phương-2022” của Nga, và hàm ý của điều này là khá rõ ràng. Vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc, sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với các cuộc tập trận quân sự của Nga tương đương với việc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nga xâm lược Ukraine, vì vậy ông Putin đã “lên án” chuyến thăm của bà Pelosi. Sự phức tạp của quan hệ Nga-Trung cũng thể hiện rõ.
Tuy nhiên, ông Lý Lâm nói rằng vấn đề là việc ĐCSTQ tham gia các cuộc tập trận trong chiến tranh Nga-Ukraine sẽ khiến phương Tây cảm thấy rằng ĐCSTQ là một mối đe dọa nghiêm trọng và có cảm giác không tin tưởng vào ĐCSTQ. Những lợi ích và mất mát ở đây có thể mất một thời gian mới thể hiện, nhưng chúng không nhất thiết có lợi cho Bắc Kinh.
ĐCSTQ không cung cấp hỗ trợ đáng kể cho Nga: Nga và Trung Quốc hết sức cảnh giác
Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vào ngày 2-3 tháng 8 đã vấp phải phản ứng dữ dội từ ĐCSTQ. ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào ngày 4 tháng 8 và bắn 11 tên lửa trong ngày đầu tiên, 5 trong số đó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. ĐCSTQ cũng nói rằng các cuộc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan là “bình thường hóa”, và việc máy bay quân sự và tàu chiến của ĐCSTQ thỉnh thoảng đi qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan, làm leo thang căng thẳng.
Đối với phát biểu muộn màng của ông Putin về tình hình ở eo biển Đài Loan, nhà bình luận về các vấn đề thời sự Vương Hách (Wang He) phân tích với tờ Epoch Times rằng, “Đây là một bức chân dung về mối quan hệ Nga-Trung. Mặc dù hai bên nắm tay nhau tỏ ra thân thiết nhưng trên thực tế, họ rất cảnh giác với nhau; Ngoài miệng thì nói ủng hộ nhau, nhưng thực tế là án binh bất động, ngồi xem tình hình”.
Ông nói, “Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, ĐCSTQ đã không cung cấp hỗ trợ đáng kể trên quy mô lớn cho Nga; Về phía eo biển Đài Loan, làm thế nào Nga có thể hỗ trợ ĐCSTQ một cách thực chất? Trung Quốc và Nga chỉ gia tăng các hành động của họ trên quan điểm cùng đe dọa Nhật Bản, chẳng hạn như các cuộc tuần tra chiến lược chung của máy bay chiến đấu và hải quân đi vòng quanh Nhật Bản, nhưng không có hành động chung nào chống lại quân đội Hoa Kỳ và cả hai bên đang giữ thế cân bằng của mình”.
Vào ngày 24 tháng 2 năm nay, Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, và các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Ông Tập Cận Bình và ông Putin đã ra tuyên bố chung trước chiến tranh, nói rằng “hợp tác không có giới hạn”, và cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa công khai chỉ trích Nga.
Ngày 15/8 Liên hợp quốc cáo buộc Nga vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, điều này không phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản và các quốc gia khác đã áp đặt các làn sóng trừng phạt đối với Nga.
Ông Vương Hách nói, “Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, Nga nghiêng về ĐCSTQ hơn, nhưng con bài mặc cả cuối cùng của Nga – công nghệ quân sự tiên tiến và các sản phẩm quân sự – không được cung cấp cho ĐCSTQ, mà chỉ để kích thích sự ham muốn của ĐCSTQ. Đồng thời, Nga cũng đang cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ”.
“Xét về sức mạnh của các biện pháp trừng phạt, ĐCSTQ không dám trợ giúp quy mô lớn cho Nga, và sức cám dỗ kinh tế của ĐCSTQ giảm đi đáng kể. Cho nên, Trung Quốc và Nga đang lợi dụng lẫn nhau, chỉ là đang diễn kịch”, ông Vương Hách nói.