Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngCăng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên...

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng huy động lực lượng hạt nhân

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau khi Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng huy động lực lượng hạt nhân.

Hãng Yonhap ngày 28.7 đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh rằng nước này “hoàn toàn sẵn sàng” cho bất cứ sự đối đầu quân sự nào với Mỹ, đồng thời chỉ trích hoạt động tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo nhắc lại khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên và đe dọa sẵn sàng huy động nếu cần. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vào dịp bán đảo Triều Tiên kỷ niệm 69 năm ngày Triều Tiên ký hiệp định đình chiến cùng lực lượng LHQ do Mỹ dẫn đầu và Trung Quốc (27.7.1953).

Căng thẳng leo thang

Nhà lãnh đạo Kim cáo buộc Mỹ đẩy mối quan hệ song phương trở nên mâu thuẫn đến mức không thể đảo ngược. “Tiêu chuẩn kép của Mỹ, dán nhãn một cách sai lầm về những hành động hằng ngày của chúng tôi là sự khiêu khích và đe dọa, trong khi tiến hành tập trận chung quy mô lớn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”, ông chỉ trích.

Trước đó vào ngày 27.7, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố lên án Mỹ và Hàn Quốc là “những kẻ hiếu chiến” vì tiến hành tập trận làm trầm trọng tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Lâu nay, Triều Tiên xem các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là sự chuẩn bị cho việc xâm lược và trong tuyên bố mới nhất Bình Nhưỡng cảnh báo đợt tập trận lần này “có thể lan ra thành Chiến tranh Triều Tiên lần 2”.

Giới chức Hàn Quốc thông báo quân đội Hàn – Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận phối hợp, liên quan hệ thống huấn luyện công nghệ cao, kéo dài 11 ngày, từ ngày 11.7 tại Trung tâm huấn luyện chiến đấu của quân đội Hàn Quốc (KCTC) ở Inje. Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn cho biết sẽ tham gia 11 cuộc tập trận chung với Mỹ, bao gồm cuộc tập trận cấp lữ đoàn, vào mùa hè năm nay.

Giới quan sát cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lắng dịu trong vài năm qua, với nỗ lực của các bên nhằm đạt thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và tiến tới hiệp ước hòa bình lâu dài. Mỹ và Hàn Quốc cũng đã giảm tập trận trong vài năm qua, do đại dịch Covid-19 và nhằm tạo thiện chí với Triều Tiên khi các bên tổ chức nhiều cuộc gặp thượng đỉnh.

Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng trở lại sau khi đối thoại rơi vào bế tắc. Triều Tiên gia tăng thử nghiệm vũ khí với ít nhất 31 cuộc phóng tên lửa trong năm nay, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol quyết định gia tăng tập trận với Mỹ trở lại nhằm tăng cường tính răn đe và tuyên bố sẽ phản ứng kiên quyết nếu Triều Tiên khiêu khích.

Lo ngại về hạt nhân

Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên Chủ tịch Kim chính thức bày tỏ quan điểm về chính quyền Hàn Quốc, kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức hôm 10.5. Theo Reuters, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lấy làm tiếc về phát biểu của Chủ tịch Kim mà Seoul cho là hăm dọa, đồng thời cho biết Hàn Quốc luôn đủ khả năng phản ứng “mạnh mẽ và hiệu quả” đối với bất cứ sự khiêu khích nào. “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên theo con đường đối thoại để giải giới hạt nhân và đạt hòa bình thực chất”, theo phát ngôn viên Kang In-sun của Tổng thống Hàn Quốc.

Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho cuộc thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng “lời đe dọa của ông Kim không phải là mới bởi Triều Tiên tiếp tục leo thang mối đe dọa hạt nhân và tên lửa”. Hãng AP dẫn lời giới phân tích dự báo Triều Tiên có khả năng gia tăng sự đe dọa đối với Mỹ và Hàn Quốc, do 2 nước này chuẩn bị mở rộng tập trận mùa hè. Tuy nhiên, chuyên gia Cheong Seong-chang tại Viện Sejong ở Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể không thử hạt nhân trước sự kiện Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này. Theo ông, Trung Quốc có thể lo ngại việc Triều Tiên thử hạt nhân sẽ khiến Mỹ gia tăng hợp tác an ninh với các đồng minh nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Mỹ tăng cường bảo vệ hệ thống hạt nhân

Reuters hôm qua dẫn lời Đô đốc Charles Richard, Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM), cho rằng Mỹ cần hiện đại hóa hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, nhằm đối phó những mối đe dọa từ nước ngoài. Ông phát biểu khi được hỏi về việc Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra về nguy cơ an ninh quốc gia đến từ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc, giữa lo ngại dữ liệu nhạy cảm có thể bị đánh cắp thông qua các thiết bị của công ty lắp trên các trạm thu phát di động gần những cơ sở tên lửa hạt nhân. Đô đốc Richard tin tưởng vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân hiện tại, nhưng cho biết những mối đe dọa luôn tiến triển nên Mỹ sẽ cần hiện đại hóa hệ thống này để đón đầu các nguy cơ.

RELATED ARTICLES

Tin mới