Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Cân bằng cứng” và “cân bằng mềm”

“Cân bằng cứng” và “cân bằng mềm”

Thuật ngữ này gần đây được các nhà nghiên cứu quân sự đề cập. Nó được nhắc tới cùng với những khái niệm khác như “trò chơi tổng bằng 0”, “Ngoại giao chiến lang”, “Ngoại giao cây tre”…

Vậy “cân bằng cứng” và “cân bằng mềm được sử dụng trong hoàn cảnh, điều kiện nào?

Xin hãy quan tâm hoàn cảnh hiện tại. Mấy tháng nay tình hình Biển Đông và tình hình eo biển Đài Loan luôn nóng bỏng. Các cuộc tập trận của Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Úc… liên tục diễn ra. Đặc biệt căng thẳng là các cuộc tập trận dày đặc của Trung Quốc, tấn công eo biển Đài Loan, sau khi bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan.

Các cuộc tập trận sát tình huống chiến đấu vây hãm đảo của quân đội Trung Quốc thể hiện sự giận dữ đối với Washington; thể hiện sự răn đe với Đài Bắc. Không những thế, nó còn ngầm gửi đến các nước trong khu vực thái độ, lập trường kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh.

Trong tình hình đó, Việt Nam tỏ thái độ như thế nào? Có ý kiến cho rằng, khi lửa còn cháy đằng xa thì việc gì phải “báo động giả”, phải “chạy lăng xăng”? Cụ thể, Hà Nội việc gì phải rối lên khi liên tục giao Bộ ngoại giao phát đi tuyên bố lên án, phản đối tập trận. Sự tỏ thái độ rõ ràng như thế được lòng bên này thì lại mất lòng bên kia (!)

Đương nhiên, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là rất chung chung. Đại loại: Việt Nam cũng như nhiều nước trong vùng, mong các bên hết sức kiềm chế. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao cuộc tập trận để có thể hiểu thêm về năng lực quân sự, quyết tâm của Trung Quốc, cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Cần phải thấy rằng cuộc tập trận trong tháng 7-8 vừa qua của quân đội Trung Quốc không có gì mới hơn, hiện đại hơn về vũ khí, trang bị. Phải chăng đây chỉ là phép thử cho một kịch bản: Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Nếu chiến tranh xảy ra, một số vùng tập trận nằm án ngữ ngay trên những con đường hàng hải huyết mạch của Đài Loan, đó là những khu vực cảng biển, sân bay, các căn cứ quân sự lớn, sẽ là rất nguy hiểm cho hòn đảo này. Đáng ngại nhất là, có một khu vực tập trận ở phía đông Đài Loan chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Không nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một kịch bản bao vây Đài Loan.

Nhật Bản có khu vực chồng lấn như thế, còn Việt Nam thì sao? Cần thấy rằng, trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Đài Loan nằm trong vòng tròn lợi ích cốt lõi mà Đại lục không thể nào nhượng bộ. Do không thể nhượng bộ nên họ tìm cách nhóm lửa, đẩy mức độ căng thẳng lên cao và chờ phản ứng của Đài Loan và Mỹ.

Đó là ở eo biển Đài Loan, còn ở Biển Đông thì tình hình khác nhiều. Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tập trận lớn ở Biển Đông, nhưng quy mô lớn là khó. Các cuộc tập trận có thể chỉ nhằm phản ứng hành vi của một quốc gia nào đó khi Trung Quốc cảm thấy lợi ích của họ bị chi phối, đe dọa.

Cụ thể, trong mấy năm trở lại đây, năm nào nước này cũng tiến hành tập trận, nhưng đều thông báo trước, ở quy mô nhỏ, thường tập trung vào khu vực Hoàng Sa trở ngược lên phía bắc, tức là khu vực bắc Biển Đông. Đối với các khu vực tranh chấp phức tạp như quần đảo Trường Sa (Việt Nam) thì Trung Quốc hầu như không tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang sử dụng những giải pháp khác ít gây căng thẳng nhưng vẫn có sức nặng khiến các quốc gia phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với mong muốn của Trung Quốc. Trong trường hợp mâu thuẫn lên cao vẫn có những cách để giảm căng thẳng, thông qua con đường ngoại giao.

Nói như vậy không có nghĩa rằng Việt Nam cứ lặng im mà “múa tay trong bị” khi thấy lửa còn xa nhà mình. Nếu xảy ra một cuộc tập trận lớn thì tình hình khu vực, nhất là mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực đó sẽ vô cùng căng thẳng, diễn biến khó lường. Bởi vậy, Hà Nội cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản có thể xảy ra. Xin lưu ý, kịch bản xấu nhất là, một cuộc xung đột vũ trang đánh chiếm đảo, như năm 1988 Trung Quốc đã liều lĩnh tấn công, thôn tính đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Muốn chiến thắng thì phải chuẩn bị tốt nhất nếu chiến tranh xảy ra. Việt Nam xác định có hai cách để tự vệ trước một đối thủ luôn muốn thu hết Biển Đông về nhà mình. Hai cách đó là “cân bằng cứng” và “cân bằng mềm”.

“Cân bằng cứng” là tăng cường năng lực quốc phòng, hiện đại hóa hải quân, cảnh sát biển. “Cân bằng mềm” là cách thông qua ASEAN, thông qua việc tăng cường quan hệ, nâng tầm đối tác với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ…

Từ chiến lược “ngoại giao cây tre” đến các sách lược cụ thể trên Biển Đông, Hà Nội đang chứng tỏ rằng, họ không đơn độc, không “lép vế” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không những thế còn thể hiện rõ trách nhiệm, góp phần tích cực vào xu thế hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới