Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sự"Tất tần tật" về tiêm kích thế hệ 6

“Tất tần tật” về tiêm kích thế hệ 6

Tiêm kích thế hệ thứ 6 sẽ như thế nào? Theo chuyên gia Nga Roman Skomorokhov, chúng sẽ là 1 cặp máy bay chứ không phải 1 chiếc.

MiG-9 của Liên Xô.

Từ thế hệ 0 tới 5, các tiêm kích khác gì nhau?
Tiêm kích thế hệ 6 hiện vẫn là một khái niệm – vì các cường quốc trên thế giới vẫn đang nỗ lực trong quá trình trang bị tiêm kích thế hệ 5. Để hiểu về nó, có lẽ cần bắt đầu với 6 – chứ không phải 5 – thế hệ trước đó.

Đầu tiên là tiêm kích thế hệ 0 – đó là những máy bay phản lực được chế tạo từ cuối thập niên 1930 tới cuối thập niên 1940 (bao gồm cả những năm Thế chiến 2) như Messerschmitt Me-262, MiG-9, Lockheed F-80, Yak-15, Gloucester Meteor, McDonnell F2H Banshee.

Những tiêm kích cận âm này có cánh thẳng, động cơ phản lực không có đốt sau, không được trang bị radar và không có vũ khí dẫn đường. Hỏa lực của nó bao gồm súng máy, pháo cũng như rocket không điều khiển.

Tiêm kích thế hệ 1 là những tiêm kích phản lực được chế tạo vào cuối thập niên 1940 tới giữa thập niên 1950 bao gồm Yak-25, MiG-15, F-86 “Sabre”, F-3 “Demon”, Dassault “Hurricane”.

Mặc dù đã có một số cải tiến như cánh vát nhưng các máy bay này vẫn chỉ có tốc độ cận âm, không được trang bị radar và vũ khí tương đương “thế hệ số 0”.

Đột phá chỉ được bắt đầu ở các tiêm kích thế hệ 2 – được chế tạo trong giai đoạn từ 1955 đến năm 1965 – với các đại diện là MiG-19, Su-15, Dassault Mirage III, Saab J-29 Tunnan, F-100 Super Sabre.

Các tiêm kích này có cánh tam giác, mặc dù tốc độ bay hành trình vẫn là cận âm nhưng với bộ đốt sau, động cơ có thể giúp máy bay tăng tốc tới Mach 2, được trang bị radar và tên lửa dẫn đường.

Được sản xuất trong giai đoạn 1960 đến 1980 là các tiêm kích thế hệ 3 – chúng được trang bị động cơ mạnh hơn giúp gia tăng tốc độ, radar tốt hơn cùng sự xuất hiện của tên lửa dẫn đường tầm xa và tầm trung.

Các ví dụ có thể kể đến là MiG-21, MiG-23, Su-19, Mirage F1, Tornado, F-4 Phantom II, F-5, Saab Viggen – những cái tên khá quen thuộc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia Nga và Mỹ, “khoảng cách” giữa tiêm kích thế hệ 3 và 2 không quá lớn và chỉ khi tiêm kích thế hệ 4 ra đời những năm 1975 đến 2010 – sự khác biệt thực sự mới xuất hiện.

Với động cơ tuốc bin phản lực hai mạch và hệ thống điện tử hàng không, khả năng cơ động của máy bay đã tốt và biến chúng thành tiêm kích đa năng.

Các khái niệm thế hệ 4, 4+ và 4++ xuất hiện. Thế hệ 4 được hiện đại hóa mang các đặc điểm tiệm cận thế hệ 5 được gọi là 4+. Máy bay đạt các yêu cầu của thế hệ 5 nhưng không có khả năng “tàng hình” được xếp vào 4++.

Danh sách tiêm kích loại này có thể kể đến Su-27, MiG-29, F-14, F-15, Mirage 2000 (4), Su-30, Rafal, Typhoon, J-10 (4+) và Su-35 (4++).

Các đại diện của tiêm kích thế hệ 5 hiện tại là F-22, F-35 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga.

Được phát triển vào cuối thế kỷ 20 cho tới nay, khác biệt chính của chúng so với thế hệ trước là khả năng “tàng hình” – giảm phản xạ radar – thông qua các công nghệ phù hợp và việc đặt vũ khí trong thân máy bay.

Ngoài ra tiêm kích loại này phải có khả năng bay siêu âm mà không cần đốt sau, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và radar mới với AFAR (dải ăng ten theo pha chủ động).

Tiêm kích thế hệ thứ 6 sẽ như thế nào?
Vậy yêu cầu đối với tiêm kích thế hệ 6 là gì?

Ngoài các cải tiến về cảm biến, vũ khí mới – chúng ta sẽ có một số yêu cầu bao gồm khả năng “tàng hình”, khả năng tác chiến hiệu quả ở mọi tốc độ, từ cận âm đến vài Mach, tùy chọn điều khiển – bao gồm hoàn toàn điều khiển từ xa, và khả năng kết nối mạng.

90% chuyên gia trên thế giới đều vẽ ra bức tranh như trên. Nhưng có những người không theo các logic này – ví dụ như người đứng đầu Ban giám đốc các chương trình quân sự của UAS (Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất Nga) Vladimir Mikhailov.

Theo ông Mikhailov, các cuộc chiến tương lai sẽ không theo “phong cách thế kỷ 20”. Cụ thể là trong các cuộc xung đột hiện tại máy bay được sử dụng rất cẩn thận – chủ yếu do mối đe dọa từ các hệ thống phòng không hiện đại.

Chiếc tiêm kích của tương lai phải sở hữu năng lực tối quan trọng là tránh được đòn tấn công từ hệ thống phòng không của đối phương. Để làm được điều đó nó sẽ phải phát hiện trước và tiêu diệt phòng không đối phương, “tàng hình”, khả năng bay siêu âm và siêu cơ động.

Có thể thấy để 1 máy bay “tàng hình” 100% trước radar là không thể – ít nhất là với các công nghệ hiện tại. Bay siêu âm là “con dao 2 lưỡi” khi nó tàn phá lớp phủ giảm phản xạ radar, còn yêu cầu siêu cơ động có vẻ mâu thuẫn với khái niệm “nhìn thấy trước, tiêu diệt trước”.

Đã có rất nhiều tranh cãi và theo quan điểm của tôi (Roman Skomorokhov), Quân đội Nga sẽ phát triển 2 chứ không phải 1 tiêm kích phù hợp với tiêu chuẩn của “Thế hệ 6”. Đầu tiên là một tiêm kích siêu cơ động với khả năng “tàng hình” và thứ hai là các khí tài siêu âm.

Và sau đó thay vì các tiêm kích hạng nhẹ và hạng nặng (MiG-29 và Su-27, F-15 và F-16) không quân các nước sẽ trang bị các cặp máy bay có thuộc tính hơi khác.

Đó là 1 chiếc tiêm kích – đánh chặn, ném bom siêu âm và 1 tiêm kích – ném bom “lén lút”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới