Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam bất ngờ đứng top toàn châu Á về chỉ số...

Việt Nam bất ngờ đứng top toàn châu Á về chỉ số này

Mới đây, Fitch Solutions vừa công bố Báo cáo Rủi ro thương mại và đầu tư, trong đó ghi nhận Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế.

Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế


Theo đó, độ mở kinh tế của Fitch Solutions là thước đo từ độ mở thương mại và độ mở đầu tư, dựa trên giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Theo thước đo về độ mở kinh tế của Fitch Solutions trong Quý II/2022, Việt Nam đạt 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 5 châu Á và đứng thứ 2 Đông Nam Á. Đặc biệt tại châu Á, Việt Nam có điểm số chỉ xếp sau Singapore, Hồng Kông, Macao và Malaysia. Trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 201 thị trường được tổ chức này đánh giá.

Về rủi ro thương mại và đầu tư, Việt Nam được chấm 61,1 điểm, cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới. Với tiêu chí này, điểm số càng thấp, rủi ro càng cao. Việt Nam xếp thứ 9 khu vực và 57 toàn cầu về rủi ro thương mại và đầu tư.

Fitch Solutions đánh giá: “Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế do Chính phủ lãnh đạo. Hơn nữa, Việt Nam còn là quốc gia có vị thế vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế”.

Năm 2022, kinh tế thế giới trải qua thời kỳ biến động, chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Với hệ thống chính trị ổn định, vị trí chiến lược vàng, nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công cạnh tranh, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để thu hút các “ông lớn” nước ngoài dịch chuyển và đầu tư sản xuất.

Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm 2022, các gã khổng lồ điện tử đã tuyên bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam, sau khi Trung Quốc ngừng hoạt động sản xuất vì Covid-19 kéo dài và căng thẳng gia tăng với phương Tây. Nhiều thông tin cho thấy các nhà cung cấp linh kiện cho Apple gồm Luxshare và Foxconn sẽ bắt đầu thử nghiệm sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Trong khi đó, Samsung vừa hoàn thành việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Đặc biệt, Samsung còn triển khai thử nghiệm sản xuất hàng loạt lưới bóng chíp bán dẫn tại nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên vào tháng 7/2023.

Nói về mức độ “ngoại giao kinh tế”, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác nhau. Theo Fitch Solutions đánh giá, điều này giúp hỗ trợ thêm cho các nỗ lực đa dạng hóa kinh tế và thương mại.

Ngoài ra, Fitch Solutions cũng lưu ý rằng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam có thể bị cản trở bởi một số yếu tố. Trước hết, chi phí vận chuyển cao trong bối cảnh năng lực vận chuyển toàn cầu bị suy giảm có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Tình trạng thiếu nguyên vật liệu dẫn đến nguy cơ làm chậm tiến độ các dự án. Tổ chức này cũng không loại trừ rủi ro đến từ dịch bệnh, tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới