Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCộng đồng quốc tế chặn đứng mưu đồ độc chiếm Biển Đông...

Cộng đồng quốc tế chặn đứng mưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ

Trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Hoa Đan Quốc không mấy quan tâm đến khu vực Biển Đông và cộng đồng quốc tế cũng không thừa nhận Trung Hoa Dân Quốc có chủ quyền ở khu vực này. Tuyên cáo Cairo và Hội nghị Teheran tháng 11 năm 1943 tuyệt nhiên không yêu cầu Nhật Bản trả lại các quần đảo ở giữa Biển Đông cho Trung Quốc, vì họ không có chủ quyền ở đây.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông

Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử chỉ có duy nhất một cách quan tâm là khi tàu thuyền đi xuống phía Nam làm sao tránh được vùng biển đảo nguy hiểm.

Thư tịch và bản đồ cổ Trung Quốc cho đến tận cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX đã chép một cách rất logic và thống nhất rằng lãnh thổ, lãnh hải cực Nam ở nước Trung Hoa không vượt quá cực Nam của đảo Hải Nam.

Các quần đảo giữa Biển Đông vốn thuộc chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam. Năm 1945 cách mạng Việt Nam thành công, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Đầu năm 1946, Uỷ ban Nhân dân cách mạng thành phố Đà Nẵng do ông Chế Viết Tân lãnh đạo đã cử một phái đoàn do kỹ sư Phan Niên dẫn đầu đã ra tiếp quản Hoàng Sa.

Mãi đến cuối năm 1946, đầu năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc mới đưa một hạm thuyền nhỏ đổ bộ vào đảo Phú Lâm. Tháng 12 năm 1946, Vụ Biên giới và Lãnh thổ thuộc Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc ngang nhiên xuất bản bản đồ đường lưỡi bò (hay còn gọi là đường chữ U) gần 11 đoạn bao lấy phần lớn Biển Đông.

Ngày 1 tháng 12 năm 1947, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thông qua một sắc lệnh đặt tên Trung Quốc cho các quần đảo giữa Biển Đông và nhập các quần đảo này vào lãnh thổ của tỉnh Quảng Đông.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Hoa Dân Quốc đã quá rõ ràng, nhưng chưa kịp chuẩn bị lực lượng thì đã bị cách mạng Trung Quốc đánh đuổi, cho đến khi phải bỏ chạy ra Đài Loan thì Trung Hoa Dân Quốc hâu như chưa có một hành động thực tế đáng kể nào chứng tỏ họ đã chiếm hữu thực sự dù chỉ là một phần rất nhỏ của các quần đảo giữa Biển Đông.

Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời vẫn tiếp tục chính sách của Trung Hoa Dân Quốc về đường lưỡi bò 11 đoạn. Nhưng đến năm 1953 thì các bản đồ của họ về khu vực Biển Đông chỉ còn 9 đoạn (xoá đi 2 đoạn ở Vịnh Bắc Bộ).

Ngày 5 tháng 9 năm 1951, trong buổi họp toàn thể Hội nghị San Francisco thảo luận về các vấn đề chấm dứt chiến tranh tại Châu Á – Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến, Thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrei A.Gromyko đề nghị bổ sung vào dự thảo Hiệp ước việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ở “các đảo Paracel và các đảo khác quá về phía Nam”. Đề nghị này đã bị Hội nghị phủ quyết tuyệt đối với 50 nước tham gia bỏ phiếu thì có 46 nước phản đối (chiếm 92%), một nước bỏ phiếu trắng(chiếm 2%), chỉ có 3 nước bỏ phiếu ủng hộ (chiếm 6%).

Như thế rõ ràng cách đây hơn 70 năm cộng đồng quốc tế đã rất khách quan, sáng suốt, chặn đứng mưu đồ quy thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào cho Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới