Trong lúc căng thẳng Mỹ -Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, đặc biệt là sau chuyến thăm Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Washington lại có một động thái thêm dầu vào lửa khiến Bắc Kinh giận dữ.
Đó là việc hôm 2/9, Bộ Ngoại gia Mỹ công bố bán một gói vũ khí mới trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan. Lý do nêu ra rất thản nhiên rằng, gói vũ khí này nhằm hỗ trợ Hòn đảo hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh bị Đại lục đe dọa tấn công quân sự.
Cụ thể, Quân đội Trung Quốc đã tổ chức nhiều đợt tập trận bắn đạn thật quanh hòn đảo, đưa thêm các sản phẩm của Đài Loan vào danh sách cấm vận, cũng như cắt đứt một số kênh liên lạc quân sự với Washington.
1,1 tỷ USD là con số quá lớn. Nhưng đáng lo ngại hơn là, lần này Mỹ đã bán hệ thống cảnh báo radar sớm, cùng với loại tên lửa tiên tiến. Đây là sự đánh dấu một bước tiến mới của chính quyền Biden. Mỹ đã từ bỏ chính sách trước đây chỉ bán cái gọi là thiết bị phòng thủ bị động cho Đài Loan.
Nay thì các “gói” bán có đủ loại vũ khí cực kỳ hiện đại, ngang ngửa với vũ khí, khí tài của Đại lục. Lấp lánh sau đó là vấn đề niềm tin giữa Mỹ và Đài Loan ngày càng khăng khít.
Các chuyên gia thông tin cụ thể rằng, gói vũ khí này bao gồm 665 triệu USD cho hệ thống cảnh báo radar sớm. Hệ thống này có thể giúp quân đội Đài Loan theo dõi tên lửa đang tiến đến hòn đảo. Còn lại 355 triệu USD dành mua 60 tên lửa Harpoon hiện đại, có khả năng đánh chìm các loại tàu lớn.
Phía bán chẳng hề giấu diếm. Phía mua cũng nói toạc móng heo. Như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan: gói vũ khí mới là “cần thiết cho an ninh của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó tham gia vào các cuộc đối thoại bình đẳng, chân thành”.
Cái “gói” cực lớn mà Mỹ ưu ái dành cho Đài Loan còn phải chờ sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Song đó chỉ là thủ tục, bởi Đài Loan luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Trước việc Washington bán một số lượng vũ khí lớn về số lượng, hiện đại về chất lượng, Bắc Kinh không thể ngồi im. Trung Quốc ngay lập tức kêu gọi Mỹ “thu hồi thương vụ vũ khí” này. Ông Lưu Bằng, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cảnh báo: “Điều này đang gửi các tín hiệu sai đến các lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập và gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ và ổn định tại eo biển Đài Loan”.
Ông Lưu “dọa”: Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết nếu Mỹ không dừng ngay việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Việc Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan vào dịp này, khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sắp diễn ra không phải là sự ngẫu nhiên. Ít nhất, nó khẳng định chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ là nhất quán. Nó không chỉ đơn giản là thể hiện mối quan hệ quân sự Mỹ-Đài Loan ngày càng gắn kết, mà còn thể hiện nỗ lực thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông chủ Nhà Trắng.
Qua đây Washington muốn cảnh báo, ngăn chặn âm mưu bành trướng quân sự của Trung Quốc. Mỹ muốn đạt mục tiêu này mà không phải chất trên lưng gánh nặng. Thay vào đó, Nhà trắng tìm cách hỗ trợ các nước gần Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự của họ.
Muốn chống chọi một quốc gia lớn, có vũ khí hiện đại thì không thể chỉ thông qua con đường ngoại giao, không thể dùng vũ khí thô sơ đọ với vũ khí tối tân. Các gói bán vũ khí cho những quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ giúp cho họ một vai trò trong việc chống lại ảnh hưởng về mặt quân sự của Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng của Mỹ.
Khi Trung Quốc tìm mọi giải pháp để phát triển khả năng phong tỏa – chống tiếp cận (A2/AD) với mục tiêu ngăn chặn các lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh thì quân đội Mỹ tìm mọi cách tăng cường quan hệ đối tác trong chuỗi đảo thứ nhất.Việc triển khai tên lửa đến các đảo ở phía tây nam của Nhật Bản và các đảo dọc chuỗi đảo thứ nhất nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên biển.
Có thể xem đây là lý do chủ yếu dẫn tới việc Mỹ liên tục bán những lô vũ khí có khả năng tấn công chính xác tầm xa cho Đài Loan, bất chấp sự phản đối, yêu cầu “thu hồi” của Bắc Kinh.
Và ngoài Trung Quốc, trong cái chợ khu vực Đông Nam Á cho đến rộng hơn là cái chợ toàn cầu, chả thấy ai “hắng giọng”. Ai cũng quá rõ lòng tham không đáy của Trung Nam Hải muốn độc chiếm Biển Đông và mở rộng cả “con đường”, “vành đai” ra khắp thế giới.
Cho nên, sau Đài Loan sẽ còn nhiều nước mua vũ khí của Mỹ. Nhân loại chẳng vui vẻ gì khi món hàng giết người lại bán chạy. Nhưng khi cần phòng thủ thì thứ hàng nóng này lại rất cần thiết. Ít nhất là bớt lo ông láng giềng tham lam giở chứng gây rối, tấn công quân sự.
H.Đ