Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 này, trong bối cảnh Trung Quốc đang từng bước xâm nhập và cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực vốn có quan hệ gần gũi lịch sử với Mỹ.
Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 2-9, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Nhà Trắng trong hai ngày 28 và 29-9. Trọng tâm của hội nghị nhằm thúc đẩy “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thông báo có đoạn nêu rõ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo khu vực về biến đổi khí hậu – một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của các đảo quốc này.
An ninh hàng hải và hỗ trợ chống COVID-19 cũng nằm trong các nội dung sẽ được thảo luận, theo Hãng thông tấn AFP.
“Hội nghị là minh chứng cho mối quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương nói riêng và khu vực Thái Bình Dương nói chung, vốn được củng cố bởi nhiều yếu tố lịch sử, các giá trị chung và mối quan hệ giao lưu nhân dân”, Nhà Trắng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã hé lộ kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khi đến Tonga vào tháng 8 nhưng không cho biết ngày chính xác.
Theo AFP, không phải vô cớ mà Mỹ quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Trong nhiều thập kỷ qua, khu vực này luôn nằm ngoài các toan tính địa chính trị của nước lớn và chịu sự ảnh hưởng của Mỹ cùng các đồng minh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Trung Quốc tại khu vực này đã khiến Washington phải thay đổi cách tiếp cận. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon vào tháng 4 và đặt mục tiêu là đạt được một thỏa thuận lớn hơn với các nước trong khu vực.
Mặc dù Bắc Kinh đã thất bại trong việc ký một thỏa thuận lớn hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương, sự hiện diện của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon cũng đã đủ khiến Mỹ và đồng minh Úc đau đầu, theo AFP.
Cả Washington lẫn Canberra đều lo lắng rằng thỏa thuận an ninh này cuối cùng sẽ dẫn tới việc Trung Quốc hiện diện quân sự tại Quần đảo Solomon, bất chấp các lãnh đạo của nước này đã phủ nhận.
Trong nỗ lực củng cố và duy trì ảnh hưởng, Mỹ đã công bố ít nhất 600 triệu USD viện trợ cho các nước, đồng thời lên kế hoạch mở các đại sứ quán mới tại một số nước trong khu vực.