Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDoanh nghiệp Mỹ tại TQ mất niềm tin

Doanh nghiệp Mỹ tại TQ mất niềm tin

Quyết tâm thực hiện Zero Covid của Bắc Kinh đã làm nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại, thậm chí xuất hiện tình trạng rút vốn khỏi Trung Quốc. Theo báo cáo điều tra mới nhất do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung (USCBC) công bố, niềm tin đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tesla Shanghai Gigafactory vào ngày 29/03/2021 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Tại thời điểm đó, siêu nhà máy Tesla tại Thượng Hải được cho là đang sản xuất xe với tốc độ khoảng 450.000 xe mỗi năm. (Ảnh: Xiaolu Chu / Getty Images)

USCBC là một tổ chức phi lợi nhuận, có hơn 270 thành viên là các công ty do Mỹ đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc. Vào tháng 6 vừa qua, USCBC đã khảo sát môi trường kinh doanh Trung Quốc trong năm nay và công bố báo cáo lên trang web chính thức hôm 29/8. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 117 công ty, hầu hết là các tập đoàn đa quốc gia lớn có trụ sở chính tại Hoa Kỳ với hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư kinh doanh ở Trung Quốc.

Theo bản điều tra này, mặc dù hầu hết các công ty Mỹ ở Trung Quốc vẫn có lãi trong năm 2021, nhưng niềm tin của họ vào triển vọng kinh doanh tương lai của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Zero Covid làm suy yếu nghiêm trọng niềm tin của các doanh nghiệp Mỹ
Nguyên nhân chính là do chính quyền Bắc Kinh kiên quyết thực hiện chính sách “Zero Covid”, việc liên tục phong tỏa buộc các công ty phải tạm ngừng một số hoạt động kinh doanh và tác động tới nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là thách thức hàng đầu đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát, 96% công ty cho biết hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách Zero Covid; hơn 50% doanh nghiệp cho biết các dự án đầu tư của họ đã bị tạm thời đình chỉ, hoãn lại hoặc bị hủy bỏ do chính sách trên.

Ông Craig Allen, Chủ tịch USCBC, cho biết: “Hiện tại chưa có cách nào để xác định xem việc các công ty [Mỹ] tạm hoãn đầu tư chỉ là hiện tượng tạm thời hay sẽ là xu hướng dài hạn. Chúng tôi nhận thấy chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp để tránh tình trạng phong tỏa tương tự ở Thượng Hải, nhưng các chính sách phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 hiện tại của Trung Quốc vẫn tạo ra nhiều bất ổn cho hoạt động của các công ty [Mỹ]”.

Quan hệ Mỹ – Trung vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các công ty Hoa Kỳ
Báo cáo của USCBC cho thấy, một thách thức lớn mà các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải đối mặt là quan hệ Mỹ – Trung xấu đi. Đây là vấn đề được liệt vào danh sách mối quan tâm hàng đầu của các thành viên USCBC trong bốn năm liên tiếp. Ngoài ra, “các chính sách về hàng loạt vấn đề như dữ liệu, thông tin cá nhân, an ninh mạng, mua sắm chính phủ, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” của chính quyền Bắc Kinh cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Craig Allen cho biết: “Những thách thức dài hạn do chính sách công nghiệp của Trung Quốc mang lại vẫn còn tồn tại, các rào cản mới lũ lượt kéo đến, chẳng hạn như: quan ngại về căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung và các chính sách bảo mật dữ liệu, cả hai đều khiến các doanh nghiệp lo ngại về sự tách rời công nghệ của Mỹ – Trung, điều này không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.

Báo cáo cho biết, mối quan hệ song phương căng thẳng khiến các thành viên của USCBC bày tỏ quan ngại chưa từng có. Áp lực địa chính trị đã tràn sang lĩnh vực kinh doanh, khiến các công ty cảm thấy áp lực và thách thức ngày càng lớn.

Ngoài ra, những vấn đề lâu nay mà các công ty Mỹ tại Trung Quốc phải đối mặt vẫn chưa được giải quyết, ví như:

Mặc dù Bắc Kinh hứa rằng các công ty nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng, những vẫn còn nhiều rào cản để thâm nhập thị trường Trung Quốc;
Tiến độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dần chậm lại;
Chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường các chính sách công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc, và ngày càng đòi hỏi các công ty nước ngoài tham gia vào bản địa hóa mua sắm chính phủ;
Các quy định mới trong các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư do Bắc Kinh đưa ra đã làm tăng đáng kể chi phí hoạt động của các công ty đa quốc gia.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới