Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLào và bài học nhận “quà”

Lào và bài học nhận “quà”

Ngày 12/4/2022, việc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka tuyên bố “không thể” trả các khoản nợ nước ngoài do phải để dành nguồn ngoại tệ đang suy kiệt “nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu” đã khiến không ít quốc gia giật mình, trong đó có Lào.

Tàu tốc độ cao Lane Xang chạy tuyến Lào – Trung

Thông tin dồn dập về tình trạng bi đát của Sri Lanka thời điểm đó làm nhiều người cám cảnh. Không cám cảnh sao được, khi nền kinh tế của quốc gia Nam Á 20 triệu dân này rơi vào hỗn loạn, nợ nần chồng chất với khoản nợ nước ngoài lên tới 35 tỷ USD; lạm phát tăng cao; xe cộ tê liệt vì thiếu nhiên liệu. Đêm xuống, ngay cả các thành phố, điện chỉ lập lòe như đom đóm do các máy phát điện không còn đủ dầu để hoạt động.

Khó khăn tích tụ còn làm bùng phát các vấn đề xã hội. Các cuộc biểu tình, kèm theo đó là bạo lực đã khiến tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải tuyên bố từ chức và chạy ra nước ngoài…

Vỡ nợ khiến nhiều người buộc phải tỉnh đòn. Họ cố tìm hiểu xem, tại sao đất nước lâm vào thảm cảnh? Nhiều nguyên nhân – tất nhiên rồi, trong đó có lãnh đạo yếu kém; chương trình đưa Sri Lanka thành nước canh tác nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn thất bại khiến nước có thế mạnh về nông nghiệp này, thay vì xuất khẩu, phải nhập khẩu lương thực nhiều hơn và cần thêm ngoại tệ; các khoản vay nước ngoài không được sử dụng một cách hiệu quả…

Trong câu chuyện vay mượn của Sri Lanka, không thể bỏ qua nợ Trung Quốc. Nói cho công bằng, với tỷ lệ nợ Trung Quốc chiếm 10% tổng nợ nước ngoài (khoảng hơn 3 tỷ USD), không thể đổ nghiến mọi chuyện rắc rối ở Sri Lanka cho cường quốc 1,7 tỷ dân này. Nhưng gì thì gì, những khoản để xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cảng Hambantota vẫn là một nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng.

Và oái ăm thay, trong cơn “giãy giụa như phải đòn” để cố thoát nợ Trung Quốc, Sri Lanka chỉ có thể vay từ chính…Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, thoát nợ Trung Quốc tạm thời, nhưng về lâu dài, ai dám chắc món nợ Trung Quốc của nước này sẽ còn to hơn gấp bội nếu các biện pháp xử lý khủng hoảng không hiệu quả.

“Trông người mà ngẫm đến ta” – Thực tế nhỡn tiền của Sri Lanka khiến nhiều quốc gia giật mình là vì đó.

Mà nào cần chờ lâu. Khi Sri Lanka vẫn trong đường hầm âm u, chưa le lói ánh sáng, thì đã đến Lào là quốc gia tiếp. Những biểu hiện của Lào gần như đồng dạng Sri Lanka. Những dãy dài xe cộ bất động do thiếu xăng; đồng kip – tiền của Lào – mất giá so với đồng USD; dự trữ ngoại hối chỉ tương đương với một vài tháng nhập khẩu; nợ nước ngoài lên tới 10 tỷ USD, bằng 66% GDP của quốc gia 7,5 triệu dân.

Điều đặc biệt, khoản nợ Trung Quốc của Lào chiếm tới 50% trong tổng số nợ nước ngoài, chứ không chỉ 10% như Sri Lanka.

Con số đó nói lên, sự phụ thuộc vào Trung Quốc của “đất nước Triệu voi” lớn đến mức nào.

Cũng phải thôi. Không lộ liễu như Campuchia, nhưng ai chẳng biết, “tình thâm” của Vientiane và Bắc Kinh là sâu sắc và đậm đà. Cho dù, về ngoại giao, Lào tỏ ra khá thành thạo và thành công trong chủ trương “đu dây” giữa Việt Nam – Trung Quốc, và Thái Lan là ba nước “núi liền núi, sông liền sông.

Cái sự mặn mà với cả ba khiến Lào được quan tâm và hưởng lợi đáng kể về kinh tế. Tuy nhiên, dù có cố đến mấy, khoản đầu tư, viện trợ của Thái Lan, Việt Nam cho Lào cũng không thể so đọ được với Trung Quốc – nền kinh tế có quy mô thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, “không có bữa miễn phí” là câu đúc rút cấm có sai.

Viện trợ, ưu ái cho Lào, Trung Quốc nhìn thấy đằng sau đó những cái lợi còn to hơn. Đó là những ưu đãi về thuế, về thuê mặt bằng cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Đó là việc “trúng thầu” các công trình hạ tầng. Riêng dự án đường sắt tốc độ cao Lào – Trung nối Côn Minh (Trung Quốc) với Vientiane, dài tới 1000km, đoạn chạy trên đất Lào dài 414 km, nối Vientiane với thị trấn biên giới Boten, đã có tổng trị giá tới hơn 5,9 tỷ USD, trong đó khoảng 40% là vốn do chính phủ hai nước góp, 60% còn lại vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Chính phủ Lào góp 730 triệu USD, trong đó trích 250 triệu USD từ ngân sách nhà nước, 480 triệu USD còn lại vay từ ngân hàng Trung Quốc…

Trung Quốc còn là nhà đầu tư địa phương hàng đầu, với tổng vốn tích lũy là 16,4 tỷ USD trong 833 dự án tại Lào.

Còn nhớ, việc khai trương tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung vào ngày 3/12/2021 đã thành một sự kiện lớn, đình đám có tầm khu vực.

Lớn tới mức, một chuyên gia Ngân hàng Bangkok (Thái Lan) nhận định rằng: tuyến đường sắt tốc độ cao này có thể là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong lĩnh vực kinh tế.

Vui tới mức “cháy vé” ngày đầu hoạt động cho chặng từ Vientiane đến Vangvieng, Luang Prabang và Boten…Khi các quan chức Lào và Trung Quốc nắm tay nhau cùng nâng ly hể hả, thì người Việt Nam càng thêm cớ để mà so sánh, bức xúc về tiến độ nhanh như …rùa của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Việt Nam. Tuyến đường cũng do một nhà thầu Trung Quốc thi công, dài có 13km mà ì ạch 10 năm mới hoàn thành, lại còn đội vốn, trong khi tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung dài gấp gần 100 lần mà chỉ sau 5 năm tàu đã băng băng lăn bánh với tốc độ 160km/h.

Sự hân hoan lớn tới mức nhiều người quên cả những cảnh báo dự án có thể có thể làm tăng nợ nước ngoài của Lào.

Tới nay, đúng hơn, bắt đầu từ tháng 5, cảnh báo đã thành sự thật. Đất nước Triệu voi lâm vào khủng hoảng. Ngày 15/6, cơ quan Moody’s – tổ chức đã hạ xếp hạng tín nhiệm uy tín đã xếp hạng nợ có chủ quyền của đất nước này xuống mức Caa3, tương đương với “trái phiếu rác”.

Và lúc này, trong hoàn cảnh khốn khó, khó đến mức không chỉ nói khó với Trung Quốc cho vay để trả nợ, mà còn phải nhờ Việt Nam “chia sẻ” kinh nghiệm chính sách tài chính tiền tệ, nhiều người Lào cách đây không lâu trót tụng ca dự án đường sắt Lào – Trung như “món quà” của Chính phủ Trung Quốc, mới sám hối, ân hận cho sự non nớt, hời hợt của mình, cũng như thấm thía hơn bài học đắt giá do ngộ nhận về cái gọi là sự “hào phóng” của Trung Quốc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới