Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyện không thể tin được ở TP HCM 

Chuyện không thể tin được ở TP HCM 

Ngày nào Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng phải ký quyết định xin nghỉ việc của nhân viên. Riêng 6 tháng năm 2022, 891 người đã rời bỏ hệ thống y tế công lập của TP này. Bình quân mỗi ngày, Giám đốc Sở ký khoảng 5 đơn nghỉ việc.

Nhân viên y tế TP.HCM đã trải qua 2 năm kiệt sức vì dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Hà.


LTS: Nhân sự khu vực công xin thôi việc, chuyển việc sang khu vực khác nhiều chưa từng có. Nhân sự ngành y tế và TP.HCM là tiêu biểu cho hiện tượng này. Sự dịch chuyển là điều bình thường trong bất cứ ngành nghề, khu vực, lĩnh vực nào nhưng mức độ ồ ạt như thời gian qua cũng như hiện nay lại là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.

Lương không đổi, việc đè nặng

Bác sĩ Thanh vào nghề đã 20 năm. Hiện anh là trưởng khoa tại một bệnh viện đa khoa hạng 2 của TP.HCM. Sau nhiều trăn trở, anh quyết định dứt áo ra đi với lý do “môi trường cũ không còn phù hợp”.

“Không phải vì lương đâu! Lương của bác sĩ xưa nay không đổi, chọn ngành y là chấp nhận điều này. Bác sĩ vừa ra trường có hệ số 2.34 nhân lương cơ bản, 3 năm nâng bậc một lần. Bác sĩ trẻ mới về khoa tôi lương chỉ hơn 4 triệu một chút”.

“Tôi có thêm phụ cấp chức vụ, tổng thu nhập khoảng 11 triệu đồng”, bác sĩ Thanh nói. Ngoài ra, nhân viên còn có thu nhập tăng thêm, phụ thuộc vào nguồn thu của từng bệnh viện.

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, bác sĩ Thanh cho rằng, bác sĩ không thể sống bằng lương nhà nước mà buộc phải làm phòng mạch, mổ thêm bên ngoài. Khi yếu tố như thu nhập không tương xứng, công việc vất vả, áp lực cộng hưởng lại, nhân viên y tế sẽ rời bỏ bệnh viện công.

Điểm đến mới của bác sĩ Thanh là một bệnh viện tư nhân ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Tại đây khung lương cứng của bác sĩ Thanh là 40-50 triệu đồng/tháng, cùng với một loạt đãi ngộ, tiền thưởng khác.

“Ở bệnh viện công, áp lực không chỉ từ chuyên môn mà còn rất nhiều thứ quy chế, quy định… Chúng tôi căng não làm sao để hàng chục anh em trong khoa sống được bằng lương hàng tháng. Vòng tròn ấy kéo dài, lặp lại và không có dấu hiệu thay đổi nên nhiều người thấy nản”.

Tương tự bác sĩ Thanh, nhiều nhân viên từ y tế cơ sở đến khối điều trị cũng đang trong tình trạng… kiệt sức. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, ngày nào ông cũng phải ký đơn nghỉ việc. 6 tháng đầu năm 2022, con số này là 891 người.

Trưởng khoa bật khóc

Để tìm được người mới thay thế (thường chưa có kinh nghiệm) cũng gian khó vô cùng. Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã phải tuyển bác sĩ ở Trà Vinh, Phú Thọ đến làm việc, Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhiều năm không tuyển được bác sĩ cấp cứu, truyền nhiễm và tâm thần… Nguyên nhân chủ yếu vì lương thấp, áp lực cao.

Theo ông Tăng Chí Thượng, khó khăn đang bủa vây các bệnh viện công từ nhân sự đến tài chính. Ông dẫn chứng, ở một bệnh viện hạng 1, hiện thu nhập tăng thêm bằng 0, nhân viên chỉ có lương cơ bản. “Trưởng phó khoa làm việc lâu năm không nỡ nghỉ, họ chỉ biết khóc. Đi không nỡ mà ở lại thì cuộc sống khó khăn, áp lực”.

Bác sĩ L.V.Cường – công tác tại một bệnh viện công ở quận 10, TP.HCM cho biết: “Thu nhập của tôi gồm tiền lương khoảng 6 triệu đồng, cộng với tiền trực đêm khoảng 1,5 triệu đồng và tiền thưởng xếp loại A,B,C khoảng 200 – 300 ngàn đồng, tổng cộng khoảng 8 triệu. Số tiền này mình tôi chật vật mới đủ sống ở TP.HCM chưa nói tới việc lo cho gia đình, con cái”.

Rời bỏ viện công cũng là thực tế xảy ra với một bệnh viện tuyến trung ương, hạng đặc biệt như Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện, năm 2020 có 58 nhân viên nghỉ việc, năm 2021 có 48 người, nhưng 8 tháng của năm 2022, bệnh viện đã có 77 nhân viên nghỉ.

Theo khảo sát của bệnh viện, lý do nhân viên nghỉ việc chia theo tỷ lệ 4,6% chuyển công tác; 5,7% xuất cảnh; 87,4% giải quyết việc gia đình… còn lại là lý do sức khỏe.

“Phần lớn anh em đều chuyển sang bệnh viện tư nhân, kể cả lý do giải quyết chuyện gia đình hay sức khỏe cũng là chuyển sang tư nhân nhưng anh em ngại nói”, lời TS Thức.

Nhìn sang hệ thống y tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, không thể không có chút ngậm ngùi.

Y tế công lập phải thay đổi

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung từng công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, nay là Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW. Bác sĩ Tú Dung cho rằng, giống như mọi nghề khác, nhân viên y tế gắn bó với bệnh viện bằng 3 yếu tố: Thu nhập, cơ hội phát triển và môi trường.

“Thu nhập không phải là tất cả nhưng tối thiểu phải đảm bảo được cuộc sống. Nhưng tiền không phải duy nhất, người ta gắn bó còn vì được học điều mới mẻ, nâng cấp chuyên môn, tiếp cận công nghệ mới… Và môi trường đó phải không bè phái, ganh đua, được phát triển lành mạnh”.

Bác sĩ Tú Dung cho rằng, khoảng hai mươi năm trước, bác sĩ trẻ có thể chấp nhận làm không lương vài năm ở bệnh viện công. Còn hiện nay, họ có nhiều lựa chọn hơn như bệnh viện tư nhân, phòng khám…đang ngày càng nhiều.

“Ở khu vực y tế tư nhân, thu nhập của bác sĩ sòng phẳng và tương xứng với công sức, đánh giá dựa trên sản phẩm. Nhìn chung, mức lương bác sĩ có kinh nghiệm từ 7-10 năm trong hệ thống y tế tư nhân dao động từ 50-100 triệu/tháng”, bác sĩ Tú Dung chia sẻ.

Khu vực y tế công có vấn đề

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM, nhân viên y tế chuyển từ hệ thống công lập sang tư nhân hoặc ngược lại là điều bình thường trong cơ chế thị trường. Dù là công hay tư, mục tiêu của y tế vẫn là phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Ông khẳng định, ở Việt Nam, thu nhập của nhân viên y tế công chưa đảm bảo được cuộc sống cơ bản. Tình trạng nghỉ việc ồ ạt chứng tỏ cơ chế của y tế công lập đang có vấn đề.

“Rõ ràng, chế độ đãi ngộ, con đường phát triển cho nhân viên y tế bệnh viện công chưa thỏa đáng nên người ta phải rời đi. Chúng ta chấp nhận việc chuyển dịch từ công sang tư là bình thường, nhưng y tế công phải tự bảo vệ nhân lực của mình”, ông nói.

Trong buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 25/8, người đứng đầu Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sẽ cố gắng tháo gỡ hết sức những khó khăn, mong các y bác sĩ ở lại với bệnh viện, chăm lo người bệnh.

Ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, xây dựng những thương hiệu bệnh viện công với điều kiện làm việc và thu nhập không thua kém khối bệnh viện tư để giữ chân y bác sĩ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới