Monday, January 27, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhu kinh tế ngàn tỉ... bỏ không

Khu kinh tế ngàn tỉ… bỏ không

Được đầu tư hơn 1.013 tỉ đồng, nhưng 10 năm qua Khu kinh tế Năm Căn có diện tích 10.801 ha, thuộc địa bàn TT.Năm Căn và 3 xã Hàm Rồng, Hàng Vịnh và Đất Mới (H.Năm Căn, Cà Mau) vẫn không có một công ty, đơn vị nào hoạt động.

Khu kinh tế Năm Căn hiện chỉ có nhà thi đấu đa năng đang thi công dở dang

Khu kinh tế (KKT) Năm Căn được thành lập theo Quyết định số 66/2010/QĐ-TTg ngày 17.12.2010 của Thủ tướng, và được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2456/QĐ-TTg ngày 17.12.2013.

Mục tiêu xây dựng KKT Năm Căn phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển của tỉnh Cà Mau, đặc biệt về kinh tế biển. Đây sẽ là hạt nhân của TT.Năm Căn, đô thị loại 3 vào năm 2025.

Đã chi hơn 1.013 tỉ đồng từ ngân sách
Theo quy hoạch, trong KKT Năm Căn, đất xây dựng trung tâm KKT 80 – 160 ha; đất xây dựng đô thị 1.120 – 1.300 ha; đất xây dựng các khu chức năng 3.600 – 5.400 ha; đất xây dựng điểm dân cư nông thôn 200 – 300 ha; đất tự nhiên 3.690 – 5.800 ha.

Ghi nhận thực tế, PV Thanh Niên không khỏi bất ngờ trước sự vắng lặng, đìu hiu tại KKT Năm Căn. Đáng buồn hơn, KKT Năm Căn không có bất kỳ một nhà đầu tư nào, chỉ duy nhất công trình nhà thi đấu đa năng của H.Năm Căn đang thi công dang dở. Đi trong KKT này, thỉnh thoảng mới thấy bóng người.

Tôi thật sự không thể nào tin nổi, KKT thành lập hơn 10 năm rồi mà không có một doanh nghiệp nào. Đến khi qua cầu Cái Nai, tôi lại sốc nặng khi xuống dốc cầu khoảng 500 m là rừng đước, đường cụt, không còn đường nào để đi tiếp.

Ông Dương Hoài Nam, Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau, cho biết KKT Năm Căn là 1 trong 18 KKT ven biển của cả nước. Đây là KKT tổng hợp, đa ngành, gồm khu phi thuế quan (công nghiệp – thương mại – dịch vụ) và khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng); là đầu mối giao thương phía nam của tỉnh Cà Mau và ĐBSCL.

Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận: “Thời gian qua và hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến xem rồi đi, không quay lại. Hiện chỉ có Nhà máy đóng tàu Năm Căn (xã Hàng Vịnh) của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), nhưng cũng đã bỏ hoang mấy năm nay và cảng Năm Căn. Ngoài ra, chưa có nhà đầu tư nào khác. Hiện đang có 4 nhà đầu tư đề xuất dự án, tỉnh đang xem xét”.

Đến thời điểm này, KKT Năm Căn đã có 4 danh mục được xây dựng với tổng vốn hơn 1.013 tỉ đồng, gồm: dự án đầu tư xây dựng đường trục chính (giai đoạn 1, dài 4,5 km, rộng 12 m) 386 tỉ đồng; dự án xây dựng đường trục chính bắc – nam (giai đoạn 1, dài 4,2 km, rộng 9 m) hơn 174 tỉ đồng; dự án xây dựng cầu qua sông Cái Nai 182 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư KKT Năm Căn hơn 217 tỉ đồng.

Cầu Cái Nai dẫn vào rừng cụt là rừng đước

Xây cầu 182 tỉ đồng đi vào đường cụt
Khi mới thành lập, KKT Năm Căn được xem là điểm sáng đầy hứa hẹn trong bức tranh kinh tế vùng cực nam của đất nước. Đặc biệt, khi người đi đường chứng kiến cây cầu bắc qua sông Cái Nai được xây dựng. Nhưng trớ trêu thay, một phía cầu lại là đường cụt, dẫn vào… rừng đước.

Cần thêm khoảng 2.859 tỉ đồng đầu tư 5 dự án hạ tầng
Trong chuyến làm việc với tỉnh Cà Mau vào đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách T.Ư ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Năm Căn giai đoạn 2021 – 2025 cho 5 dự án, với vốn đầu tư dự kiến 2.859 tỉ đồng.

Cụ thể: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối dài trục chính đến khu hành chính H.Năm Căn, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư khoảng 252 tỉ đồng; dự án đầu tư tuyến đường kết nối khu phi thuế quan đến khu đô thị Năm Căn, dự kiến khoảng 319 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước thải tập trung cho khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, dự kiến khoảng 238 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối trục chính KKT đến cảng Năm Căn, dự kiến 550 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối trục chính đến khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao về thủy sản, khu căn cứ Hải quân Vùng 5 – QL1, dự kiến khoảng 1.500 tỉ đồng.

Cầu Cái Nai được thi công năm 2018, hoàn thành năm 2021 với kinh phí đầu tư 182 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Cầu bắc qua sông Cái Nai, nối liền KKT Năm Căn với đường Hồ Chí Minh thông qua đường trục chính đông – tây, là một trong những dự án quan trọng không chỉ cho diện mạo đô thị, mà còn là trục đường xương sống của KKT Năm Căn. Nhưng khi cầu xây dựng hoàn thành, mọi người mới tá hỏa vì cầu dẫn vào rừng đước.

“Nghe quy mô khủng của KKT Năm Căn nên tháng 4 vừa rồi tôi đến đó tham quan cơ sở hạ tầng, cũng như xem các doanh nghiệp vào đó hoạt động như thế nào. Thế nhưng, tôi thật sự không thể nào tin nổi, KKT thành lập hơn 10 năm rồi mà không có một doanh nghiệp nào. Đến khi qua cầu Cái Nai, tôi lại sốc nặng khi xuống dốc cầu khoảng 500 m là rừng đước, đường cụt, không còn đường nào để đi tiếp”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ một doanh nghiệp ở TP.Cà Mau, nói.

Về trớ trêu này, ông Dương Hoài Nam lý giải: “Cầu Cái Nai bắc qua sông Cái Nai là đường độc đạo, nhưng xuống dốc cầu 500 m là đường cùng. Với lại, cũng không có vốn để triển khai tiếp các hạng mục tiếp theo. KKT Năm Căn đã được hình thành như hiện nay rồi nhưng kế hoạch trung hạn để đầu tư tiếp cơ sở hạ tầng thì chưa được bố trí vốn”.

Vì sao nhà đầu tư đến rồi đi ?
Ông Dương Hoài Nam lý giải việc “nhà đầu tư đến rồi đi” là vì giao thông chưa thuận lợi, chỉ có đường độc đạo QL1. Thủ tục liên quan giải phóng mặt bằng kéo dài thời gian khiến nhà đầu tư e ngại. Mặt bằng KKT Năm Căn quá thấp, để san lấp đảm bảo cốt nền mới có thể xây dựng được, thì nhà đầu tư phải bỏ chi phí cao hơn nơi khác.

“Nhà đầu tư không ngại chi phí giải phóng mặt bằng vì chi phí giải phóng mặt bằng chỉ 230.000 đồng/m2. Nhưng do mặt bằng trũng, nhà đầu tư phải san lấp với khối lượng 1,5 m3 cát/m2 diện tích đất nền, thì đội chi phí thêm hơn 500.000 đồng. Cộng chi phí giải phóng mặt bằng, để có 1 m2 diện tích đất nền để xây dựng, nhà đầu tư phải chi phí khoảng 700.000 – 800.000 đồng. Nói chi phí vào KKT Năm Căn thấp, nhưng tính ra cao hơn nơi khác nên nhà đầu tư đến rồi họ lại đi”, ông Nam nói.

Đặt vấn đề có lãng phí không khi KKT Năm Căn được thành lập trên 10 năm, ngân sách đã chi số tiền hơn 1.013 tỉ đồng đầu tư các hạng mục hạ tầng, nhưng đến nay chưa kêu gọi được nhà đầu tư nào vào hoạt động…, ông Nam nói: “Đã đầu tư hơn 1.000 tỉ xây dựng các hạng mục của KKT Năm Căn nhưng đến nay KKT này chưa cho kết quả như kỳ vọng, chưa có dự án động lực nào hoạt động, đúng là điều đáng tiếc. Nhưng hiện tại, nguồn vốn để tạo đất sạch (đã giải phóng mặt bằng để sẵn sàng bố trí cho nhà đầu tư) cho KKT chưa có, thì rất khó kêu gọi nhà đầu tư”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới