Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhi các “Ông lớn” đến Bali

Khi các “Ông lớn” đến Bali

Đã gần hai năm giữ chức Tổng thống Mỹ nhưng chưa khi nào ông Joe Biden gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có chăng chỉ là những cuộc điện đàm mang nặng tính giao đãi khi căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Vì lẽ ấy cho nên cái tin hai vị nguyên thủ của hai cường quốc có thể có thể gặp nhau tại Bali, Indonesia vào tháng 11 tới được dư luận hết sức quan tâm. Gọi là cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhưng người ta chỉ quan tâm đến ba nhân vật: Joe Biden, Putin và Tập Cận Bình.

Tổng thống Nga muối mặt đến Bali sẵn sàng chấp nhận bị “hắt nước” khi cuộc xâm lược Ukraine vẫn sa lầy, chưa đến hồi kết. Còn ông chủ Nhà Trắng và Trung Nam Hải thì vẫn thủ thế khi con bài Đài Loan vẫn chưa mặc cả xong. Washington luôn nói tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” nhưng luôn tìm cách hậu thuẫn về kinh tế, quân sự cho Đài Bắc. Mới nhất là gói bán vũ khí tối tân cho hòn đảo này đã được quyết định, lên tới 1,1 tỷ USD, khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối.

Căng thẳng, muối mặt, nhưng các ngài vẫn tới dự, mong tìm cách “giải thích” lọt lỗ tai thiên hạ.

Trước đó, hồi tháng 8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vui mừng thông báo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận lời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Tập đã không tham dự các hội nghị thượng đỉnh lớn và cắt giảm các chuyến công du nước ngoài. Ông Widodo hoan hỉ là bởi vì nước chủ nhà đón được ba ông lớn đến Bali thì coi như hội nghị đã thành công một nửa.

Vì sao Đông Nam Á được ông Tập và Biden lựa chọn, coi là “thời điểm thích hợp” để gặp nhau? Theo các nhà phân tích, trong thời gian tiếp theo, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Khu vực Đông Nam Á được coi là “vũ đài” mới, là điểm nóng của cuộc chiến Mỹ-Trung.

Mặc dù vậy, Đông Nam Á vốn là vùng đất hiền hòa, người dân yêu chuộng hòa bình. ASEAN vẫn giữ được vị thế trung tâm trong cấu trúc khu vực, bảo đảm hài hòa về lợi ích trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc; luôn luôn tìm cách giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại song phương, và đa phương.

Tuy Mỹ và Trung Quốc có sự cạnh tranh gay gắt nhằm gia tăng ảnh hưởng, tìm cách chi phối Đông Nam Á, nhưng nhu cầu đối thoại, hợp tác giữa các nước này vẫn được thông qua các cơ chế đa phương trong khu vực, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á…

Mặc dù còn những bất đồng, nhưng ASEAN luôn giữ vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, có quan hệ thương mại hài hòa với cả Mỹ và Trung Quốc, được xem là nhân tố kết nối các đối tác với nhau bằng việc tạo ra các diễn đàn và xây dựng tiến trình hợp tác trong khu vực. Nói một cách hình ảnh, nhân tố ASEAN như “gia vị” trong bữa tiệc ngoại giao để trung hòa các mâu thuẫn, khác biệt giữa các cường quốc.

Trải qua các giai đoạn của cuộc đối đầu Mỹ – Trung, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á kiên trì chính sách ngoại giao mềm mỏng, vững về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Điều này được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là đường lối “ngoại giao cây tre”.

Hợp tác với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời các nước sẵn sàng bày tỏ quan điểm “đúng”, “sai” trong các vấn đề liên quan, có tác động đến khu vực. Các nước có thể cạnh tranh nhưng có giới hạn, không được tác động, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Điều này giúp các nước điều tiết trong quan hệ Mỹ – Trung, không bị rơi vào thế phải chọn bên, chọn phe, trong khi vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, lợi ích quốc gia.

Bây giờ chúng ta cùng xem xét một vấn đề nóng bỏng liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai nước: vấn đề Biển Đông. Về mặt ngoại giao, Washington và Bắc Kinh đều chia sẻ quan điểm chung, rằng những xung đột hàng hải cần được giải quyết bằng con đường hòa bình, thông qua đàm phán và tham vấn. Hai nước cũng tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ quá trình đàm phán để có được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Nói thì như đinh đóng cột nhưng làm lại là chuyện khác. Mỹ lên án Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, nhấn mạnh rằng “trò chơi” Đường lưỡi bò cũ rích này không lừa được ai, gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Ngược lại, Bắc Kinh trấn an các nhà lãnh đạo ASEAN, những hoạt động của Trung Quốc là nhằm bảo vệ an ninh, an toàn, không gây nguy hại tới tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển tranh chấp.

Những bất đồng này thật khó hóa giải. Tuy nhiên các nước G20 vẫn hy vọng cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung có thể giúp tháo cởi bất đồng, xây dựng lòng tin chiến lược, giúp giảm căng thẳng tại Biển Đông khi ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để có được COC thông qua vai trò điều phối của Singapore.

Nếu thành công, Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với Mỹ để giải quyết tiếp một số vấn đề khác, như xung đột tại eo biển Đài Loan, cuộc chiến Nga – Ukraine.

Cuộc gặp của hai vị đứng đầu chính quyền hai cường quốc là hoạt động “bên lề” G20, thế nhưng nó trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới. Hi vọng tình hình Biển Đông trong thời gian tới sẽ bớt căng thẳng, để khi các ngài Tập Cận Bình và Biden gặp nhau sẽ dễ ăn dễ nói hơn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới