Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiHàn Quốc lọt Top 10 các quốc gia xuất khẩu vũ khí

Hàn Quốc lọt Top 10 các quốc gia xuất khẩu vũ khí

Từ một quốc gia nhập khẩu vũ khí, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

T-50 được nhiều quốc gia săn đón.


Thành công này được đánh giá là nhờ vào một chiến lược toàn diện, trong đó tập trung khuyến khích phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, tăng cường giới thiệu các công nghệ mới kết hợp với mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong phát triển vũ khí.

Những con số biết nói

Theo thống kê từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) về chuyển giao vũ khí toàn cầu, Hàn Quốc đã vươn lên xếp thứ 9 trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới trong giai đoạn 2016-2020, chỉ xếp ngay sau Israel và trên nhiều quốc gia khác như Italia, Hà Lan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của quốc gia này trong giai đoạn 2016-2020 tăng 210% so với giai đoạn 5 năm trước đó, chiếm 2,7% tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng lớn nhất trong số 20 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của quốc gia Đông Á này cũng đã tăng lên mạnh mẽ từ 250 triệu USD trong năm 2006 lên khoảng 3,2 tỷ USD trong năm 2017.

Đặc biệt hơn, riêng năm 2020, Hàn Quốc chiếm vị trí thứ 6 trong Top các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, tăng 25 bậc so với năm 2000. Các thống kê chỉ ra, hơn ½ (55%) số mặt hàng xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Seoul trong giai đoạn 2016-2020 được xuất sang các thị trường châu Á và Châu Đại Dương; 23% xuất sang châu Âu; và 14% sang quốc gia Trung Đông.

Xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của Hàn Quốc thời gian qua chiếm ưu thế nhờ các mặt hàng như xe bọc thép, xe tăng, máy bay chiến đấu, bom chùm và bệ phóng tên lửa và dự kiến sẽ tăng đột biến khi quốc gia này đang tập trung nguồn lực phát triển các loại máy bay trực thăng và máy bay không người lái thế hệ mới.

Một ví dụ cụ thể là sản phẩm máy bay huấn luyện quân sự T-50, một đứa con tinh thần của Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ. Các thống kê cho thấy, nhu cầu của các quốc gia trên thế giới đối với loại máy bay này là rất lớn.

Các sản phẩm máy bay khác của KAI như máy bay huấn luyện KT-1, máy bay huấn luyện/chiến đấu hạng nhẹ TA-50 và máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 cũng đã trở thành mặt hàng được săn đón ở nhiều quốc gia. Mới đây, công ty này đã đưa ra thông báo sẽ bàn giao thêm 2 chiếc máy bay siêu thanh T-50 cho Thái Lan vào tháng 11-2023.

Trước đó, Thái Lan đã nhận 12 chiếc T-50. Cùng với Thái Lan, Indonesia cũng là một khách hàng lớn khác khi đã mua 22 chiếc T-50, trong đó 16 chiếc đã được bàn giao và 6 chiếc nữa sẽ đến Jakarta trong thời gian sớm nhất, góp phần tăng cường tiềm lực không quân quốc gia Đông Nam Á này.

Những con số trên cho thấy sự vươn lên nhanh chóng của Hàn Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Sự phát triển mạnh mẽ của Seoul được xem là một bài học cho các quốc gia muốn đáp ứng nhu cầu quân sự của mình, thậm chí khi họ đang tìm cách để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu.

Đặt cược lớn vào KF-21

Hàn Quốc đang đầu tư “khủng” (7,8 tỷ USD) để phát triển máy bay chiến đấu nội địa có tên KF-21 “Boramae” (Hawk). Máy bay chiến đấu KF-21 được đánh giá sẽ là trụ cột của Không quân Hàn Quốc và kỳ vọng sẽ làm thay đổi tương lai ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia này khi nó được sản xuất hàng loạt và được giới thiệu trên thị trường.

Dự án phát triển KF-21 là dự án hợp tác giữa Hàn Quốc và Indonesia, trong đó Seoul nắm giữ 80% và Jarkata giữ 20% cổ phần. Nguyên mẫu của KF-21 đã được công bố vào tháng 4 vừa qua và chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành vào năm 2022.

Sau khi hoàn tất các bước thử nghiệm, loại máy bay phản lực này sẽ được dùng để thay thế cho máy bay chiến đấu F-4 và F-5 của Hàn Quốc và có khả năng sẽ thay thế cả loại máy bay thế hệ thứ tư của không quân nước này như F-16 và F-15K. Với 20% cổ phần của mình trong dự án, Indonesia sẽ nhận được 50 chiếc KF-21 và cũng được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ.

Với trọng tải tối đa lên tới 7.700 kg, KF-21 là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 với 10 khoang chứa tên lửa không đối không và các loại vũ khí khác. KAI cho biết, KF-21 được thiết kế có thể đạt tốc độ 2.200 km/h. Vận tốc này thậm chí còn nhanh hơn cả F-35, dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do Lockheed Martin phát triển.

Dù không sở hữu những yếu tố tàng hình như dòng máy bay thế hệ thứ 5, nhưng KF-21 có tiềm năng xuất khẩu lớn vì giá cả thấp hơn nhiều so với F-35 và luôn sẵn hàng. Đặc biệt hơn, mối quan hệ khăng khí với Mỹ trong lĩnh vực quân sự được cho là sẽ giúp Hàn Quốc tối ưu hóa tiềm năng xuất khẩu loại máy bay chiến đấu này.

Hợp tác để phát triển

Bắt tay với các đối tác quốc tế trong các dự án lớn là bước đi then chốt của Hàn Quốc trong tăng cường khả năng quốc phòng và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vũ khí. Tháng 3 vừa qua, quốc gia này đã tiến hành đàm phán với Vương quốc Anh về hợp tác phát triển công nghệ tàu sân bay.

Dự án tàu sân bay hạng nhẹ thế hệ mới trong tương lai của Hải quân Hàn Quốc (RoKN) dự kiến sẽ chính thức bắt đầu vào năm tới và hoàn thành vào năm 2033. Vào tháng 9, Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai (HHI) cũng đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn công nghiệp Babcock International của Anh để thiết kế và xây dựng tàu sân bay hạng nhẹ với tên gọi CVX.

Theo HHI, sự hợp tác này là để tập hợp các công nghệ cốt lõi của cả 2 công ty nhằm thiết kế và xây dựng một tàu sân bay hạng nhẹ. Năm ngoái, HHI và Babcock International đã thống nhất về ý tưởng thiết kế, bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa dự án.

Ngoài ra, KAI cũng đang cân nhắc hợp tác với các nhà sản xuất máy bay nước ngoài như Embraer của Brazil, Antonov của Ukraine hoặc Tập đoàn Quốc phòng và Không gian Airbus (Airbus Defence and Space) để phát triển máy bay vận tải quân sự.

Tháng 5 vừa qua, KAI đã đăng một đoạn video quảng cáo về thiết kế một chiếc máy bay đa nhiệm để vận chuyển hàng hóa, mang tên lửa, phóng tên lửa vào không gian và tiếp nhiên liệu cho các máy bay khác. Theo các quan chức của công ty, nhu cầu trong nước và nước ngoài đối với loại máy bay này là rất cao. Dự án với vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng 7 năm.

Không dừng lại ở đó, tháng 4 vừa qua, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc cũng công bố mong muốn phát triển một máy bay trực thăng tấn công nội địa cho lực lượng Thủy quân lục chiến dự kiến hoàn tất vào năm 2031. Máy bay này sẽ được phát triển dựa trên máy bay trực thăng MUH-1 Marineon – một biến thể của trực thăng KUH-1 Surion của nước này. Có nhiều khả năng, loại máy bay này sẽ được quảng bá rầm rộ trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, sự thống trị của các doanh nghiệp quốc phòng phương Tây được xem là trở ngại lớn nhất đối với Hàn Quốc trong nỗ lực tăng thứ hạng của mình trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp quốc phòng của Seoul đang ở thời kỳ đỉnh cao và khi có một chiến lược toàn diện, các nhà phân tích kỳ vọng tỷ trọng nhập khẩu vũ khí toàn cầu từ quốc gia này sẽ tăng trong thời gian tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới