Các quan chức kinh tế cao cấp từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia vào vòng đám phán chính thức về sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại Mỹ.
Trong 2 ngày 8 và 9/9, các quan chức cấp cao phụ trách thương mại và kinh tế của Mỹ cùng 13 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu vòng đàm phán về sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại thành phố Los Angeles, Mỹ.
Đây là vòng đàm phán cấp bộ trưởng đầu tiên được tổ chức sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ý tưởng về việc thành lập IPEF hồi tháng 5.
Trước đó, vào ngày 23/5 tại Nhật Bản, Mỹ cùng 12 nước đã dự lễ công bố khởi động thảo luận “Khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng IPEF”.
Các nước tham gia ban đầu gồm: Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. Trong cuộc họp vào ngày 8/9, Bộ trưởng Kinh tế Fiji cũng được mời tham dự.
IPEF được xem là một bộ phận quan trọng của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Khuôn khổ này sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính để thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao. Trụ cột đầu tiên là thương mại, trong đó có kinh tế kỹ thuật số. Trụ cột thứ 2 là chuỗi cung ứng; thứ 3 là năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và cơ sở hạ tầng thúc đẩy việc làm lương cao. Trụ cột thứ 4 là thuế và chống tham nhũng.