Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Uông Dương có thể trở thành thủ tướng TQ tiếp theo?

Liệu Uông Dương có thể trở thành thủ tướng TQ tiếp theo?

Nhân vật số 4 của Trung Quốc tuy có tiểu sử phù hợp nhưng không phải là một cái tên quá chính thống.

Nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào khó khăn bất thường.

Tỷ lệ người thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24, nhóm nhân khẩu học có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của đất nước, đã đạt đến một mức cao trong lịch sử – gần 20%. Trong khi đó, thu nhập của công chức, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn, trong một số trường hợp đã giảm đến 30%.

Ai sẽ là người đứng ra với tư cách là thủ tướng tiếp theo, để cứu vãn nền kinh tế đang trong cơn khốn đốn? Một số người trong giới kinh doanh Trung Quốc đang đề cử Uông Dương (Wang Yang), vị chủ tịch 67 tuổi của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp, CPPCC), cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của nước này.

Vương đứng thứ tư trong số bảy thành viên hiện tại của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, Uông đã trở nên ít được chú ý kể từ khi ông tham gia Ủy ban Thường vụ cách đây 5 năm. Ông thường đưa ra những nhận xét thể hiện lòng trung thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 69 tuổi.

Uông được coi là một thành viên của “Đoàn phái”, bao gồm các cựu quan chức xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc với 73 triệu thành viên, vốn từng là tổ chức thanh niên quy mô lớn của đảng, vừa là cửa ngõ giúp thăng tiến vào hàng ngũ lãnh đạo đảng.

Nhưng trên thực tế, liên kết duy nhất của Uông Dương với Đoàn Thanh niên là vị trí Phó Bí thư Đoàn Thanh niên tỉnh An Huy, nơi ông sinh ra, vào nửa đầu thập niên 1980.

Không giống như cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi; Thủ tướng Lý Khắc Cường, 67 tuổi; và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi; Uông không phải là một thành phần ưu tú chính thống được thăng tiến vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Và không giống như ba đồng nghiệp của mình, Uông cũng không có kinh nghiệm giữ chức vụ Bí thư Thứ nhất, vị trí cao nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình đóng vai trò quan trọng trong việc thăng chức cho Uông Dương.

Uông sinh trưởng trong một gia đình nghèo. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, ông đến làm việc tại một nhà máy thực phẩm. Ông trở thành thị trưởng thành phố Đồng Lăng ở An Huy vào khoảng giữa độ tuổi 30, và đã tiến hành cải cách chính quyền địa phương cũng như các công ty thuộc sở hữu nhà nước.

Uông từng viết một bài báo với tiêu đề “Dậy đi! Đồng Lăng” được đăng trên một tờ báo địa phương, giúp ông thu hút sự chú ý ở Bắc Kinh.

Bài báo được xuất bản vào khoảng thời gian Đặng bắt đầu chuyến “Nam tuần” của mình vào tháng 01/1992, để làm sống lại chính sách “cải cách và mở cửa” vốn đã gặp khó khăn sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Đặng đã dừng chân ở An Huy và được cho là đã gặp Uông, người khi đó chỉ mới là một lãnh đạo địa phương trẻ tuổi đang ủng hộ cải cách và mở cửa.

Sau khi được Đặng tiến cử, Uông đã nhanh chóng thăng tiến.

Uông từng giữ các chức vụ Phó Tỉnh trưởng An Huy, Phó Chủ nhiệm cơ quan mà nay là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Phó Tổng thư ký Quốc vụ viện, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Sau đó, ông được thuyên chuyển qua các vị trí lãnh đạo cấp trung ương, đầu tiên là Phó Thủ tướng và sau đó là người đứng đầu Chính Hiệp.

Sở dĩ Uông Dương đang nhận được chú ý là do truyền thông nhà nước đang có nhiều bài viết về cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Tin tức này có lẽ đã phản ánh các cuộc thảo luận tại mật nghị Bắc Đới Hà diễn ra vào mùa hè hàng năm, có sự tham dự của các quan chức đảng đương nhiệm và đã nghỉ hưu.

Sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà, được cho là được tổ chức vào đầu tháng 8, trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo tràn ngập các bài báo liên quan đến chuyến thị sát của Tập tại tỉnh Liêu Ninh.

Điều này cho thấy rằng Tập, người kiêm chức Tổng Bí thư đảng, đang nóng lòng được tái cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, khai mạc vào ngày 16/10.

Trong khi đó, việc báo đài đưa tin về Thủ tướng Lý Khắc Cường sau mật nghị Bắc Đới Hà đã thu hút sự chú ý của giới quan sát Trung Quốc. Trên chương trình thời sự chính vào buổi tối của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành, các video ghi lại cảnh ông Lý tham dự các hội nghị hoặc đến thăm nhiều địa điểm đã xuất hiện vài ngày trước khi các video về ông Tập bắt đầu được đăng tải.

Lý Khắc Cường đã đến Thâm Quyến, thành phố vốn là biểu tượng cho chính sách cải cách và mở cửa.

Chuyến thăm đến Thâm Quyến là một phần trọng tâm của chuyến Nam tuần năm 1992 của Đặng Tiểu Bình. Trong chuyến thị sát thành phố gần đây, Lý đã đặt một vòng hoa dưới chân bức tượng của Đặng tại Công viên Liên Hoa Sơn.

Việc Lý Khắc Cường, không phải Tập Cận Bình, đến thăm Thâm Quyến và đặt vòng hoa tại bức tượng của Đặng, dường như đang phản ánh những kết luận được đưa ra tại Bắc Đới Hà.

Tại sao lại như vậy?

Trong 10 năm qua, Tập đã theo đuổi chiến lược vượt qua Đặng về thành tích, để mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ của ông với tư cách là người đứng đầu đảng. Ông đã cố gắng lật ngược mọi quy tắc mà Đặng đã thiết lập, dù là về chính trị, kinh tế, hay an ninh.

Nhưng khi nền kinh tế đang lao dốc không phanh, việc xuất hiện lo ngại ở Bắc Đới Hà là điều đương nhiên.

Dù không có thông báo chính thức nào, nhưng việc đưa tin trên truyền hình nhà nước gợi ý rằng Lý Khắc Cường đã được lựa chọn là người duy trì ngọn cờ cải cách và mở cửa của Đặng. Quyết định này đã được ngầm thông báo cả trong nước và quốc tế qua chuyến thăm Thâm Quyến của Lý.

Nhưng Lý chắc chắn sẽ từ chức Thủ tướng vào mùa xuân tới, như ông đã tuyên bố hồi tháng 3. Đến lúc đó, người ta sẽ cần một nhân vật khác để thay thế Lý làm người thúc đẩy cải cách và mở cửa.

Bất cứ ai kế thừa trọng trách đó cũng cần sự khéo léo chính trị. Tập Cận Bình thường có xu hướng đi đến những quyết định cực đoan, và mỗi khi ông ta làm như vậy, người kế nhiệm Lý phải có tiếng nói đủ mạnh để có thể thuyết phục Tập kiềm chế.

Hơn nữa, người kế nhiệm Lý phải duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với Tập. Do đó, sự chú ý đang đổ dồn vào Uông Dương.

Trong một bức ảnh chụp tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, vào tháng 03/2019, Tập và Vương đã trò chuyện với nhau một cách thân mật ngay trên sân khấu.

Tập và Lý, hai người vốn có mối quan hệ khá căng thẳng, hiếm khi được nhìn thấy trò chuyện với nhau vui vẻ như vậy.

Với tư cách là Thủ tướng, Lý là người đứng đầu Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc. Nhưng Tập đã tước bỏ nhiều quyền lực của Lý, chẳng hạn bằng cách củng cố Ban Kinh tế – Tài chính Trung ương Đảng.

Một lý do khiến Tập giữ khoảng cách với Lý là để cho thế giới thấy rằng hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc thuộc về hai đẳng cấp khác nhau. Nhưng với Uông, Tập chẳng có lý do gì để phải hành động như vậy.

Sự trở lại của chính sách cải cách và mở cửa có liên quan đến chính sách kinh tế “thịnh vượng chung” mang dấu ấn riêng của Tập. Kể từ khi chính sách này được công bố vào mùa hè năm 2021, Trung Quốc đã rơi vào suy thoái kinh tế do thị trường bất động sản lao dốc và chính sách zero-Covid hà khắc.

Giờ đây, Tập không còn thường xuyên nói về “thịnh vượng chung”, dù ông đã nhắc đến nó hai lần khi ở Liêu Ninh.

Việc từ bỏ hoàn toàn “thịnh vượng chung” sẽ khiến Tập mất mặt. Nhưng nếu nó vẫn là chính sách kinh tế chủ đạo, Trung Quốc có thể gặp rắc rối.

Đây là một lý do khác khiến người ta ngày càng kỳ vọng vào Uông Dương, người kế thừa trực tiếp chính sách kinh tế của Đặng Tiểu Bình và là người coi trọng cơ chế thị trường.

Có một quy tắc sắt đá luôn được tuân thủ khi lựa chọn Thủ tướng Trung Quốc: người kế nhiệm sẽ nằm trong số những người đã từng giữ chức Phó Thủ tướng.

Kể từ khi Chu Ân Lai, phụ tá và thủ tướng trung thành của Mao Trạch Đông, qua đời vào năm 1976, chức vụ Thủ tướng luôn được kế thừa bởi các cựu Phó Thủ tướng, mà không có ngoại lệ nào khác.

Logic ở đây là chỉ có những người thông thạo thực tiễn quản lý kinh tế và tài chính của Trung Quốc mới có thể trở thành Thủ tướng. Uông từng là Phó Thủ tướng từ năm 2013 đến năm 2018, chuyên trách quan hệ kinh tế đối ngoại.

Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đồng thời là phụ tá thân cận của Tập, cũng được cho là ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Nhưng chính trị gia 63 tuổi này lại không có kinh nghiệm ở Bắc Kinh.

Nếu ông chuyển đến Bắc Kinh trong những tuần tới và trở thành Phó Thủ tướng, Lý Cường sẽ có cơ hội được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào mùa xuân năm sau. Nhưng danh tiếng của ông đã bị hoen ố sau cuộc phong tỏa covid của Thượng Hải vào đầu năm nay.

Nếu dùng tiêu chí từng làm Phó Thủ tướng, thì Phó Thủ tướng thứ nhất Hàn Chính, 68 tuổi, cũng đủ tiêu chuẩn để trở thành Thủ tướng tiếp theo. Nhưng việc thăng chức cho ông sẽ vi phạm một quy tắc ngầm của đảng, theo đó yêu cầu các nhà lãnh đạo đến tuổi 68 phải nghỉ hưu và không đảm nhận thêm bất kỳ chức vụ mới nào.

Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cũng có thể là một ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Nhưng Hồ chính là người kế vị chính thức của Đoàn phái. Ông cũng trẻ hơn Tập đến 10 tuổi. Bởi vì Tập muốn tiếp tục nắm quyền lâu dài, ông không thể không cảnh giác với Hồ.

Việc Uông Dương không nằm trong nhóm cốt cán của Đoàn phái có thể là một lợi thế. Tập có thể nghĩ rằng mình có thể xây dựng quan hệ đối tác tốt đẹp với Uông vì vị chủ tịch dày dạn kinh nghiệm của Chính Hiệp không phải là một mối đe dọa đến địa vị quyền lực của Tập.

Trong một diễn biến khác, Hồ Tích Tiến, một blogger nổi tiếng của Trung Quốc và là cựu tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, đã viết trong một bài đăng vào giữa tháng 8 rằng hai công chức ở một khu vực nọ đã nói với ông rằng lương của họ đã bắt đầu giảm vào cuối năm ngoái và sẽ giảm đến gần một phần ba trong năm nay.

Cuối năm ngoái, tại tỉnh Chiết Giang và nhiều nơi khác, những người được cho là công chức đã tiết lộ trên mạng xã hội rằng lương thưởng của họ đã bị cắt giảm khoảng 25%, nhưng bài đăng của họ đã nhanh chóng bị xóa.

Tám tháng sau, sự thật rằng các nền kinh tế địa phương đã suy thoái rất nhiều cuối cùng cũng đến được với công chúng.

Tình hình hiện tại rất khắc nghiệt, một nhà kinh tế Trung Quốc dự đoán rằng 5 năm tới sẽ là thời điểm khó khăn nhất kể từ khi cải cách và mở cửa diễn ra cách đây hơn bốn thập niên.

Một vấn đề mà Uông Dương gặp phải là tuổi tác. Vì đã 67 tuổi, ông có lẽ chỉ có thể phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm với tư cách là Thủ tướng.

Tuy nhiên, ông vẫn có thể học tập cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người đã thúc đẩy cải cách hành chính và cải tổ các công ty nhà nước dù chỉ đảm đương chức vụ trong một nhiệm kỳ, bắt đầu vào năm 1998.

Chu Dung Cơ đã mở đường cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Cũng chính Chu là người vào năm 1999 đã đề bạt Uông lên làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ở Bắc Kinh. Đối với Uông, Chu giống như một người cố vấn.

Khi đảm nhận chức vụ Thủ tướng, Chu Dung Cơ đã 69 tuổi.

Một vấn đề khác là cho dù Thủ tướng tiếp theo có năng lực đến đâu, thì những sai lầm tương tự như thập niên trước đó vẫn sẽ lặp lại, trừ phi ông được trao đủ quyền lực để chứng tỏ khả năng của mình.

Liệu Uông Dương có phải là người sẽ cứu nền kinh tế Trung Quốc? Câu trả lời còn tùy thuộc vào Tập Cận Bình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới