Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBắc Kinh “sợ” người giỏi lịch sử 

Bắc Kinh “sợ” người giỏi lịch sử 

Người ta thường nói: ‘Dưới Mặt Trời không có gì tươi mới’, thời đại khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nhưng ‘nhân tính’ (tính cách con người) là bất biến. Người đọc thông lịch sử sẽ đọc hiểu được nhân tính, từ đó phán đoán được ai hoặc tổ chức nào đó đang suy nghĩ gì…

Dịch Trung Thiên và ‘Phẩm Tam quốc’.

Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 30/8, nhân nói về sự việc ĐCSTQ gỡ các sản phẩm của Quách Cạnh Hùng và Dịch Trung Thiên, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giới thiệu về 2 nhân vật trên, mạn đàm một chút về văn sử, đồng thời giải thích vì sao ĐCSTQ lại sợ người đọc thông lịch sử như vậy.

Đầu tiên Giáo sư Chương giới thiệu những điều mình biết về Quách Cạnh Hùng và Dịch Trung Thiên.

Vài nét về Quách Cạnh Hùng và Dịch Trung Thiên

Ngày 29/8, một người bạn đã đưa cho Giáo sư Chương một tin tức, nói rằng: Theo thông tri của Cục Giáo dục thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) yêu cầu trước 3h30 chiều cùng ngày phải xem xét và gỡ bỏ một vài thư tịch (sách) của các tác giả. Người đứng vị trí đầu tiên là Quách Cạnh Hùng, kế đến là Dịch Trung Thiên. Sách của Quách Cạnh Hùng thì phải gỡ xuống toàn bộ, còn Dịch Trung Thiên thì chỉ gỡ vài cuốn.

Giáo sư Chương đã từng có một cuộc nói chuyện dài với Quách Cạnh Hùng vào năm 2007. Sau đó Quách Cạnh Hùng về Đại lục rồi bị bắt, sau đó anh chạy ra hải ngoại. Tiếp đó, Giáo sư Chương cũng có tiếp xúc và hợp tác với anh Quách để làm một vài dự án.

Trong thời gian bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, anh Quách có vẽ một lượng lớn tranh về chủ đề này, trong đó có bức về ông Trump với câu ‘Never Give Up’ được một số người Việt in trên áo T-shirt trắng (tôi cũng được một chị tặng một cái). Trước đó anh vẽ tranh cổ động cho phong trào ô dù, Phản tống Trung ở Hồng Kông… cho nên nhiều người trong đó có người Việt Nam cũng biết tới anh Quách Cạnh Hùng.

Giáo sư Chương đánh giá, Quách Cạnh Hùng là trong số hiếm người làm nghệ thuật nhưng lại có hiểu biết rộng về nhiều vấn đề xã hội. Giáo sư Chương nói rằng, rất nhiều người làm nghệ thuật họ rất chú trọng đến chuyên môn nghệ thuật như vũ đạo, chơi nhạc cụ, vẽ tranh v.v.

Nhưng Quách Cạnh Hùng là một người khá đặc biệt, Giáo sư Chương nói rằng anh Quách có lý giải sâu sắc đối với vấn đề nhân tính, xã hội, nghệ thuật v.v. Trong một video mà người dẫn chương trình Phương Phi phỏng vấn Quách Cạnh Hùng sẽ thấy rõ được điều này.

Giáo sư Chương nhìn nhận sách của Quách Cạnh Hùng bị gỡ ở Đại lục là chuyện sớm hay muộn mà thôi. Thứ nhất anh Quách là người có ảnh hưởng, những tác phẩm của anh đã có một lượng độc giả nhất định. Thứ hai, anh Quách có tín ngưỡng chân chính, là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Cả hai điều trên khiến tổ chức theo chủ nghĩa cực quyền và phản Thần như ĐCSTQ không thể chịu đựng nổi.

Về Dịch Trung Thiên, thì không chỉ Trung Quốc Đại lục mà cả ở Việt Nam người ta cũng biết đến ông. Ông nổi tiếng với những tác phẩm như ‘Luận anh hùng’, đặc biệt là cuốn ‘Phẩm Tam quốc’ đã làm nên tên tuổi ông ở trong nước Trung Quốc và hải ngoại.

Sách của Dịch Trung Thiên bị gỡ khỏi giá sẽ khiến nhiều người giật mình, nhưng Giáo sư Chương không bất ngờ. Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ’ đăng cách đây gần 1 năm, tức ngày 1/11/2021, Giáo sư Chương đã đưa tiêu đề với nội dung là: ‘Dịch Trung Thiên đóng cửa văn phòng làm việc, ở quốc gia theo chủ nghĩa cực quyền, thì niềm vui không được chính phủ cho phép là một loại tội’.

Khi ấy Giáo sư Chương đã đưa ra một quan điểm là: Chính phủ đánh hạ một người, không phải vì người ấy đối đầu với chính phủ, mà là vì người ấy có sức ảnh hưởng quá lớn trong xã hội. Vì họ có sức ảnh hưởng lớn, họ nói người khác sẽ nghe, cho nên không ai nghe ĐCSTQ, thế thì tổ chức này sẽ không chịu được. Do đó việc sách của Dịch Trung Thiên bị gỡ khỏi giá cũng là việc không quá bất ngờ.

‘Dưới Mặt Trời không có gì tươi mới’

Người đọc thông lịch sử sẽ hiểu rõ nhân tính, biết được âm mưu quỷ kế của ĐCSTQ
Khi Giáo sư Chương đọc một số sách của Dịch Trung Thiên như ‘Phẩm Tam quốc’, ‘Nhân vật phong vân thời Hán’, ‘Dịch Trung Thiên phẩm độc Tiên Tần Chư Tử’ (Dịch Trung Thiên bình giá Chư Tử thời Tiên Tần) đã có một suy nghĩ như thế này: Người thật sự đọc thông lịch sử đều rất thông minh.

Người ta thường nói: ‘Dưới Mặt Trời không có gì tươi mới’, cho nên rất nhiều âm mưu quỷ kế hoặc phương pháp thống trị của ĐCSTQ đều đã được người khác diễn trong lịch sử; chỉ là thời đại khác nhau, người ta dùng từ ngữ khác nhau, hoặc là trình độ phát triển khoa học kỹ thuật khác nhau, nhưng nhân tính là bất biến, chiêu thức cũng không có gì thay đổi. Ví như thời xưa gọi là ‘thí quân’ (弒君: bề tôi giết vua), còn bây giờ gọi là ‘chính biến’ (政變: đảo chính). Do đó chỉ là từ ngữ khác nhau, còn bản chất thì giống nhau.

Nếu người ta có thể đọc thông lịch sử, kỳ thực người ấy có thể hiểu nhân tính. Lúc này người ấy có thể hiểu người lãnh đạo đương quyền đang nghĩ gì.

Giáo sư Chương không có ý dương dương tự đắc, nhưng trên thực tế Giáo sư Chương có nhiều dự đoán chính xác về xu hướng chính trị Trung Quốc. Giáo sư Chương giải thích rằng, nguyên nhân lớn nhất là do phân tích được tâm lý nhân vật hoặc tính cách con người (nhân tính).

Loại phân tích tâm lý này, Giáo sư Chương không chỉ dựa vào phân tích một người như Tập Cận Bình hay Ôn Gia Bảo, mà là trong lịch sử có rất nhiều người và sự việc có thể tham khảo. Khi một sự việc phát sinh, Giáo sư Chương thường có thói quen giảng câu chuyện lịch sử như là: Thời Đông Tấn, sau khi Lưu Dụ bắc phạt thành công thì phế truất người đứng đầu để lập ra nhà Lưu Tống; hoặc là tư tưởng của Pháp gia.

Sở dĩ Giáo sư Chương thường giảng câu chuyện cổ đại, bởi vì trên thực tế rất nhiều sự việc đã từng xảy ra trong lịch sử. Cho nên khi lấy sự việc này so sánh với sự việc hiện tại, chúng ta có thể dự đoán được xu hướng tiếp theo sẽ như thế nào; đây giống như phân tích dữ liệu lớn. Khi có được sự kiện và nhân vật lịch sử càng nhiều, chúng ta sẽ đoán được ai đó sẽ làm gì tiếp theo.

Giáo sư Chương cũng thừa nhận, sự chính xác này là kết quả của việc phân tích logic, là một kỹ năng học tập ‘hậu thiên’. Điều này không giống với khả năng ‘tiên thiên’ (có từ trước), vốn những người có tố chất ấy nhìn người rất chuẩn. Khả năng ‘thiên phú’ này thật sự rất lợi hại.

Dù thế nào, Giáo sư Chương nhìn nhận, người đọc thông lịch sử như Dịch Trung Thiên, nếu người khác muốn lừa ông thì thật sự rất khó.

ĐCSTQ giống Pháp gia, cấm con người suy nghĩ
Dịch Trung Thiên có những tác phẩm như ‘Phẩm Tam quốc’, ‘Dịch Trung Thiên phẩm độc Tiên Tần Chư Tử’, gồm cả một số tác phẩm ‘mỹ học’ (nghiên cứu quy luật vẻ đẹp trong tự nhiên, xã hội và mỹ thuật)… nhưng tác phẩm mà bản thân Dịch Trung Thiên thấy ưng ý nhất chính là ‘Phí thành phong vân’ (費城風雲).

‘Phí thành’ (費城) là phiên âm của Philadelphia, tức nơi tổ chức Hội nghị chế định hiến pháp vào năm 1787. Còn ‘phong vân’ là lấy từ một câu trong Chu Dịch là: “Vân tùng long, phong tùng hổ” (Mây theo rồng, gió theo hổ), tức những chuyện ‘kinh thiên động địa’ giống ‘long tranh hổ đấu’.

Cuốn ‘Phi thành phong vân’ nói về quá trình lập hiến của Quốc phụ Mỹ quốc. Nếu đọc hiểu cuốn sách này, kỳ thực sẽ liễu giải được chính trị của nước Mỹ. Khi liễu giải được chính trị của nước Mỹ, trên thực tế sẽ thấy rõ sự tà ác của ĐCSTQ.

Giáo sư Chương cũng nhận xét, Dịch Trung Thiên là ‘dân văn’, nên dù là giảng sử, triết học hay mỹ học, thì văn tự đều rất ưu mỹ (đẹp đẽ). Nhưng cũng có lúc thấy rườm rà, giống ‘Hán phú’ (thể phú thời Hán), tức là dùng một câu có thể nói rõ, thì Dịch Trung Thiên lại dùng 2 thậm chí 4 câu, ngoài ra còn dùng thủ pháp tu từ, phép đối. Nhưng về cơ bản có những tư tưởng thật sự sâu sắc.

Mà ĐCSTQ lại không muốn con người suy nghĩ. Trong cuốn ‘Trung Hoa văn minh sử’, khi giảng về tư tưởng Pháp gia, Giáo sư Chương đã từng đề cập vấn đề: làm thế nào Pháp gia khống chế xã hội.

Pháp gia khống chế kinh tế, nó hy vọng lão bách tính biến thành bần dân. Khi một người suốt ngày nghĩ đến vấn đề ấm no (ăn no mặc ấm) mà phát sầu, thì tư tưởng của họ chỉ đặt vào ‘hôm nay ăn gì’, chứ không truy cầu tự do, dân chủ, văn học, mỹ học, Thần học v.v. tức những thứ về tầng diện tinh thần. ĐCSTQ muốn thông qua khống chế bát cơm của người ta mà khống chế tư tưởng của họ.

Pháp gia còn khống chế ngôn luận. Lý Tư (một nhân vật của Pháp gia) từng kiến nghị: “Người đàm luận Thi Thư thì xử tử ngoài chợ. Người lấy cổ phế kim thì diệt tộc”, ý tứ là nếu ai đó đàm luận Thi Kinh và sách Thượng Thư, sau đó lấy quan điểm đạo đức cổ đại để bình giá chế độ chính trị hiện nay thì sẽ bị giết toàn bộ gia đình hoặc gia tộc.

Pháp gia khống chế kinh tế hay ngôn luận, thì mục đích cuối cùng của nó khống chế tư tưởng của con người. Hàn Phi Tử nói: “Pháp gian trá, cao nhất là cấm cái tâm, tiếp đến là cấm nói, tiếp đến là cấm làm”. Từ Pháp gia có thể thấy cách khống chế con người, mà ĐCSTQ chính là đang áp dụng những điều này, do đó những người có tư tưởng như Dịch Trung Thiên càng ngày càng dễ bị tổ chức này ‘phong sát’.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới