Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến điên rồ và hệ lụy khôn lường

Cuộc chiến điên rồ và hệ lụy khôn lường

Gần 7 tháng, hơn 200 ngày là con số rất buồn đối với người dân cả hai nước Nga và Ukraine. Cuộc tiến công xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu từ cuối tháng 2, và tháng 4 chuyển sang giai đoạn hai, đã gây nên bao nỗi đau khổ cho hai đất nước.

Đến hiện tại, cán cân trên chiến trường đang nghiêng về phía bị xâm lược. Thế thắng thuộc về Kiev, khi họ giành lại nhiều khu dân cư và buộc Nga phải rút lượng lớn binh sĩ khỏi tỉnh Kharkiv ở phía Đông bắc trong những ngày gần đây.Thế nhưng, chưa phải là điều đáng ăn mừng. Moscow tuyên bố sẽ giáng những đòn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, buộc Kiev phải chấp nhận những yêu sách của mình.

Thật ra đây không phải là cuộc chiến giữa hai nước mà là cuộc chiến giữa Nga-Trung Quốc với Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, Bắc Kinh không muốn lộ mặt. Còn Mỹ, phương Tây và NATO thì có cả một chiến lược, một kế hoạch bài bản để đuổi hết mọi người lính Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở khu vực Đông bắc nước này đánh dấu một cuộc phản kích táo bạo, một bước ngoặt trong cuộc chiến khiến Nga choáng váng và buộc phải thay đổi những tính toán trước đây. Theo tuyên bố của quân đội Ukraine, các lực lượng chiến đấu đã buộc binh sỹ Nga phải rút khỏi khu vực Kharkiv ở Đông Bắc. Trước tình thế đó, Nga phải điều chỉnh chiến lược, dốc sức phòng thủ ở phía Đông và phía Nam.

Đến nay Ukraine đã giành quyền kiểm soát hơn 3.000km2. Trong bản đánh giá tình hình chiến sự ngày 12/9, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận “Ukraine đã giành lại vùng lãnh thổ gần gấp đôi diện tích của vùng đô thị London (Great London)”. Các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến sâu hơn vào vùng lãnh thổ do quân đội Nga kiểm soát trước đó. Những diễn biến mới này là một bước ngoặt trong cuộc chiến. Kiev đang chứng minh rằng họ có thể giành thế chủ động và giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Nga đang nắm giữ trong những ngày tới.

Thành phố chiến lược Izyum, nơi từng là bàn đạp cho nỗ lực tiến công của Nga ở Donbass từ phía Bắc cũng đã được Ukraine giành lại. Mất Izyum Nga sẽ khó có thể kiểm soát hoàn toàn Donbass. Theo các nhà phân tích, Nga tập trung quá nhiều nguồn lực cho khu vực Donbass, khiến đà tiến công của họ tại các khu vực khác bị chững lại trong nhiều tháng qua.

Khi Ukraine tiến đánh miền Nam, Moscow buộc phải tìm cách củng cố hàng phòng thủ, dẫn tới thiếu nhân lực, một phần do giao tranh kéo dài, một phần do Tổng thống Putin chưa ban bố tình trạng tổng động viên.

Nói một cách khái quát, cuộc phản công của Ukraine đã đạt được tiến triển tốt ở khu vực phía Bắc, nhưng ở phía Nam thì còn hạn chế, nhất là ở Kherson, nơi Nga đang dồn sự tập trung với việc điều thêm quân tiếp viện và vũ khí.

Tuy tiến triển tốt nhưng mới chỉ là cơ hội hiện thời. Ukraine đang dần thoát khỏi tình thế bất lợi, nhưng cuộc phản công hiện tại chưa đủ sức mạnh tổng lực để chấm dứt xung đột. Lúc này Nga vẫn kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Putin sẽ không lùi bước trước cuộc phản công của Ukraine. Phát biểu với báo chí, Người Phát ngôn của Điện Kremlin tuyên bố: “Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi nào Nga đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra”.

Trong khi đó, Kiev cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Binh sỹ Ukraine gần như đã kiệt sức sau hơn 200 ngày giao tranh. Về cơ sở vật chất cũng gặp nhiều khó khăn. Các thành phố mà quân đội nước này giành quyền kiểm soát từ Nga đang mất nguồn cung điện, nước và liên tục hứng chịu các đợt pháo kích.

Tổng thống Zelensky khi trả lời phóng viên kênh CNN hôm 11/9 không giấu những lo lắng: “Tôi biết ơn Tổng thống Joe Biden và Nhà Trắng, cũng như sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Nếu thiếu sự hỗ trợ này, chúng tôi sẽ không thể giành lại đất đai của mình. Tôi muốn tin rằng lưỡng đảng sẽ vẫn ủng hộ mạnh mẽ và kiên định. Đối với chúng tôi, điều đó cực kỳ quan trọng”.

Nếu đảng Cộng hòa, Mỹ, giành chiến thắng trong bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới thì Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine ít hơn. Trong trường hợp phương Tây ngừng gửi vũ khí và tiền cho Ukraine, thì chiến thắng có thể tuột khỏi tay Ukraine.

Tổng thống Zelensky nói, sẽ sẵn sàng đưa ra lập luận với người dân Mỹ về các khoản viện trợ nhận được, vì người đóng thuế Mỹ cần biết tiền của họ sẽ bảo vệ các giá trị phương Tây. Đến nay, Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 30 tỷ USD cho Ukraine. Số đạn dược và vũ khí gần đây nhất được công bố vào tuần trước trị giá 675 triệu USD. Thật là một son số khổng lồ

Ngoài vũ khí, đạn dược và tiền để đưa vào ngân sách của Ukraine, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh cũng đang phối hợp với phía Ukraine liên quan tới cuộc xung đột. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Mark Warner, nói với CNN ngày 11/9 : “Kiểu hợp tác này cho thấy sức mạnh thông tin tình báo quân sự tổng hợp của chúng ta”.

Trước đó, ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm thủ đô Kiev. Đây là chuyến thăm Kiev lần thứ hai của Ngoại trưởng Blinken kể từ khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Chuyến thăm diễn ra sau khi Mỹ công bố khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá gần 2,7 tỷ USD cho các nước châu Âu gồm Ukraine và 18 quốc gia láng giềng, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như các đối tác an ninh khu vực khác.

Vậy là để cứu nguy cho Ukraine, Mỹ và phương Tây đã bỏ ra cả núi tiền để ủng hộ. Từ vũ khí, khí tài, cho đến quân trang, quân dụng, thuốc men… đều do đồng minh hỗ trợ. Trong khi đó con đường đàm phán để chấm dứt xung đột vẫn rơi vào ngõ cụt. Các lập luận và kiến nghị cả hai bên đưa ra đều vì lợi ích của mình.

Trong khi đó cả Nga và Ukraine đều kiệt sức. Mọi hậu quả chiến tranh đều giáng xuống đầu dân lành và sẽ gây hậu quả nặng nề hàng chục năm sau. Thật là một cuộc chiến điên rồ, châm ngòi cho cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine ngày càng trở nên trầm trọng, nhiều chuyên gia đã chỉ ra hậu quả khôn lường. Nếu cuộc chiến lan ra ngoài biên giới Ukraine với sự tham gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ trở thành một cuộc chiến lớn giữa các lực lượng vũ trang hạt nhân.

Đó sẽ là một cái kết đau xót mà loài người phải cảnh giác và kiên quyết lên án, ngăn chặn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới