Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHồng Kông từ lãnh thổ tự trị đến vệ tinh của chính...

Hồng Kông từ lãnh thổ tự trị đến vệ tinh của chính quyền TQ

Hồng Kông là một thuộc địa cũ của Anh được tuyên bố là lãnh thổ tự trị từ năm 1997. Bối cảnh này đã cho phép nó phát triển và trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Thế nhưng chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây đã không còn tôn trọng các thỏa thuận “không can thiệp” mà ngày càng thâm nhập sâu vào các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của hòn đảo này. Kết quả là, Hồng Kông đã đánh mất vị thế uy tín trên trường quốc tế của mình và Phương Tây không còn coi nó như là một trong những đồng minh chiến lược của mình ở châu Á nữa

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thâm nhập và nắm quyền kiểm soát Hồng Kông trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi vào tháng 6 năm 2020, chính quyền Trung Quốc mới thực sự can thiệp vào bộ máy quan chức thành phố.

Kể từ đó, nó đã không ngừng nỗ lực hòng kiểm soát và đàn áp báo chí độc lập, những người bất đồng chính kiến và tất cả các nhân tố thúc đẩy tự do và chống lại chế độ cộng sản.

Một quốc gia, hai chế độ

Sau nhiều năm đàm phán, vào năm 1997, Anh và chính quyền Trung Quốc đã đi đến thống nhất về tương lai của Hồng Kông. Người Anh đã trao trả lại thành phố đảo thịnh vượng này cho chính quyền cộng sản theo “Tuyên bố chung Trung-Anh”, dựa trên nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Như vậy, sau 156 năm là thuộc địa của Anh, Hồng Kông đã trở thành một phần quỹ đạo cộng sản Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Bắc Kinh sẽ xử lý các vấn đề quốc phòng và ngoại giao, còn “người Hồng Kông” sẽ quản lý các vấn đề nội bộ của họ với “mức độ tự trị cao” trong ít nhất 50 năm sau đó.

Thỏa thuận quy định rằng Hồng Kông sẽ giữ nguyên hệ thống kinh tế tư bản và tiền tệ của mình, đồng đô-la Hồng Kông (HKD). Điều tương tự cũng sẽ áp dụng với hệ thống luật pháp, hệ thống lập pháp, nhân quyền và các quyền tự do mà công dân Hồng Kông được hưởng.

Ngay từ khi bắt đầu chuyển giao quyền lực, một số nhà phê bình đã lên án rằng bất chấp những lời hứa hẹn với cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ đã liên tục không tuân thủ các thỏa thuận rõ ràng và ngầm hiểu về cách Trung Quốc sẽ quản lý Hồng Kông và những quyền công dân mà người dân Hồng Kông được hưởng như được thiết lập trong “Tuyên bố chung Trung-Anh”.

Cùng với việc Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên nắm quyền vào năm 2017, các cơ quan trung ương của chính quyền Trung Quốc đã siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát đối với đặc khu.

Kết quả là, Trung Quốc đã trấn áp thành công những bất đồng chính kiến, làm xói mòn hệ thống luật pháp kế thừa từ thông luật và xóa bỏ các quyền công dân được hưởng.

Các phong trào chống chế độ và đòi độc lập của Hồng Kông đã phát triển trong suốt 20 năm qua, dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực, chủ yếu là của những người trẻ tuổi không chịu khuất phục trước các quy tắc áp đặt đầy tính cưỡng chế của ĐCSTQ.

Bắc Kinh đã đáp trả không khoan nhượng rằng vấn đề luật pháp và trật tự ở Hồng Kông có thể làm suy yếu an ninh của toàn quốc. Với lập luận đó, nó đã áp đặt hàng loạt điều luật khắc nghiệt, chấm dứt mọi hy vọng về “mức độ tự trị cao” kéo dài đến năm 2047 như thỏa thuận ban đầu.

Sự tăng trưởng và phát triển của Hồng Kông với tư cách cường quốc tài chính toàn cầu

Sau Thế chiến thứ hai, Hồng Kông trở thành một cầu nối quan trọng giữa chính quyền cộng sản Trung Quốc và các nền kinh tế lớn của phương Tây. Điều này cho phép thành phố phát triển ổn định thành một cường quốc kinh tế thực sự.

Trong khi Hồng Kông tiến hành phát triển nhanh chóng nhờ ngành công nghiệp dệt maydwaj trên nền kinh tế thị trường tự do sau năm 1950, các cường quốc phương Tây như Anh và Hoa Kỳ đã thông qua thành phố này để kết nối với chính quyền cộng sản Trung Quốc. Vào thời điểm đó, họ đã phát triển kinh doanh sâu rộng với Trung Quốc mặc dù về mặt chính trị và ý thức hệ vẫn coi nó là kẻ thù như Xô Viết.

Đến năm 1997, Hồng Kông không đơn thuần chỉ là một lãnh thổ công nghiệp dệt may phát triển nữa. Thay vào đó, nó đã tự chuyển mình thành một trong những trung tâm thương mại, tài chính và kinh doanh hàng đầu thế giới chỉ trong vòng vài thập niên.

Mặc dù dân số tương đối ít, khoảng 7,39 triệu người, ít hơn Thụy Sĩ một chút, và diện tích 1.095 km vuông, chỉ lớn hơn khoảng 1/3 thành phố New York, Hồng Kông đã vươn lên thành một cường quốc kinh tế, với GDP tương đương 155 tỷ USD và tài sản ngân hàng trị giá hơn 1.000 tỷ USD vào năm 1996, theo dữ liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp.

Những thành tựu này diễn ra trong bối cảnh các chính sách kinh tế ổn định và sự can thiệp của chính phủ là tối thiểu. Thông thường, các nhà chức trách sẽ cung cấp khuôn khổ pháp lý và hành chính cùng một phần cơ sở hạ tầng vật chất. Còn khu vực tư nhân sẽ quyết định cách thức phân bổ nguồn lực theo các tín hiệu rõ ràng của một thị trường tự do và minh bạch.

Cuộc biểu tình của sinh viên

Trong khoảng những năm 2000 đến những năm 2010, các cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp quá mức của chính quyền cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông ngày càng nhiều đi kèm với mức độ bạo lực gia tăng. Nhưng phải đến khi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga lên nắm quyền vào năm 2017, các cuộc biểu tình mới thực sự trở nên rầm rộ, được quốc tế biết đến rộng rãi và ủng hộ mạnh mẽ.

Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động ngày càng ác liệt, các cảnh sát đàn áp đã bắn đạn chì vào người biểu tình, còn người biểu tình tấn công lại và ném các chai bom xăng (cocktail Molotov) vào lực lượng cảnh sát.

Theo BBC đưa tin vào thời điểm đó, người dân đang phản đối gay gắt các dự luật mà chính quyền cộng sản Trung Quốc cố gắng áp đặt thông qua các nhà cầm quyền của Hồng Kông để “hợp pháp hóa” việc nó can thiệp vào các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến quyền tự do của người dân xứ cảng thơm.

Dự luật dẫn độ được chính phủ Hồng Kông đề xuất vào tháng 2 năm 2019 cho phép dẫn độ công dân Hồng Kông sang Trung Quốc Đại lục để truy tố. Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải những phản đối gay gắt vì châm ngòi cho nguy cơ người dân Hồng Kông sẽ phải đối mặt với các phiên tòa bất công và bị đối xử bạo lực. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật.

Ngày 1 tháng 10 năm 2019, trong khi Đại lục đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, thì Hồng Koong đã phải trải qua những ngày “hỗ loạn và bạo lực nhất” trong lịch sử

Khi mà ở Trung Quốc Đại lục, ĐCSTQ đang cố gắng dựng lên một hình ảnh giả tạo về đại đoàn kết dân tộc qua cuộc duyệt binh của hơn 15.000 quân nhân, huy động toàn bộ bộ máy tuyên truyền của nhà nước cho sự kiện, thì những người biểu tình ở Hồng Kông đã phải xuống đường để bảo vệ các quyền cơ bản của mình và phải hứng chịu làn đạn chì từ lực lượng cảnh sát.

Nhà lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã tuyên bố chống lại chủ nghĩa ly khai và cảnh báo rằngbất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ Trung Quốc sẽ hứng chịu kết cục “thịt nát xương tan”.

Các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài và lên đến đỉnh điểm cho tới ngày 30 tháng 6 năm 2020, khi chính quyền Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông gây tranh cãi, qua đó ĐCSTQ đã đạt được tham vọng hợp pháp hóa sự can thiệp của mình vào hàng loạt các vấn đề nội bộ của Hồng Kông. 

Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông

Cơ quan lập pháp của chính quyền Trung Quốc đã thông qua cái gọi là “Luật an ninh quốc gia” cho Hồng Kông vào tháng 6 năm 2020. Đạo luật cho phép chính quyền trung ương ở Bắc Kinh thành lập một văn phòng an ninh quốc gia ở Hồng Kông, có nhiệm vụ giải quyết các hành vi “lật đổ chính quyền trung ương, khủng bố, hành động ly khai và thông đồng với các thế lực nước ngoài”.

Phạm vi của những nhiệm vụ này quá trừu tượng nên cuối cùng các cơ quan có thẩm quyền được tự ý xác định những hành vi nào là không tuân thủ các quy định này. Đây là biện pháp được họ sử dụng trong suốt những tháng qua để chụp mũ bất kỳ sự bất đồng chính kiến ​​nào là bất hợp pháp và bịt miệng phe đối lập.

Biện pháp này đã giúp chính quyền cộng sản Trung Quốc can thiệp “hợp pháp” vào vấn đề nội bộ của thành phố để kiểm soát theo quỹ đạo của nó tất cả các bất đồng chính trị trên toàn lãnh thổ.

Luật an ninh quốc gia hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông. Nó cho phép chính quyền bắt giữ các nghi phạm trong đặc khu hành chính này và xét xử họ ở Trung Quốc Đại lục, nơi đầy những tai tiếng về việc tước đoạt các quyền tối thiểu của các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến.

Luật này cũng quy định việc thành lập một lực lượng cảnh sát bí mật, hoạt động trực tiếp theo lệnh của ĐCSTQ, đặt xứ cảng thơm dưới các quy tắc độc đoán giống như ở Trung Quốc Đại lục.

Theo BBC đưa tin, ngày 30 tháng 6 năm 2020, vượt mặt Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, Bắc Kinh cuối cùng đã thông qua Luật An ninh Quốc gia với 66 điều khoản được giữ bí mật cho đến khi được thông qua.

Kể từ thời điểm đó, quyền lực của ĐCSTQ đối với thành phố Hồng Kông dường như không còn chịu ràng buộc nào nữa. Các tội danh “ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với thế lực nước ngoài” sẽ bị phạt tù chung thân. Việc định nghĩa những hành vi nào là vi phạm những điều trên hoàn toàn nằm trong tay các thành viên của chính quyền Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực cao hơn bất kỳ luật nào của Hồng Kông, vì vậy không có luật địa phương nào có thể bảo vệ công dân Hồng Kông trước sự lạm dụng luật pháp mà chính quyền Trung Quốc áp đặt.

“Rõ ràng là luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận, nếu không muốn nói là an toàn cá nhân, của người Hồng Kông”, Giáo sư Johannes Chan, một luật sư tại Đại học Hồng Kông, chia sẻ với BBC trước khi Luật An ninh Quốc gia được thông qua.

Ông nói thêm: “Họ đang áp đặt hệ thống tội phạm của CHND Trung Hoa (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) vào hệ thống thông luật của Hồng Kông, để họ toàn quyền quyết định xem đối tượng sẽ thuộc hệ thống nào”.

Chính quyền Trung Quốc đàn áp truyền thông

Có thể lường trước được việc chính quyền Trung Quốc sử dụng Luật An ninh Quốc gia như một công cụ pháp lý để đàn áp và loại bỏ các hãng truyền thông đối lập cũng như các nhà báo độc lập dám chỉ trích các chính sách áp chế của ĐCSTQ và phe cánh của nó ở Hồng Kông.

Chính quyền cộng sản đã hành động không nao núng để loại bỏ ngay cả hãng truyền thông đối lập hàng đầu.

Ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người sáng lập tờ báo chống cộng Apple Daily, một nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ, đã bị bỏ tù cùng với các nhà hoạt động nhân quyền và các quản lý khác của tờ báo trong năm 2021.

Sau vụ việc một số lãnh đạo của tờ báo bị bắt giữ, Ban biên tập của Apple Daily đã thông báo vào ngày 24 tháng 6 năm 2021 rằng họ sẽ ngừng xuất bản cả ấn bản in và kỹ thuật số của tờ báo này trong một thông cáo chính thức của công ty.

Trong 26 năm qua, tờ báo Hồng Kông này đã tiến hành các cuộc điều tra về ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trên hòn đảo, đưa ra các bài xã luận mạnh dạn ủng hộ các cải cách dân chủ ở Hồng Kông và lên án những hành động tàn bạo và tham nhũng của các nhà lãnh đạo chính quyền cộng sản, điều này đã kích động sự phẫn nộ của ĐCSTQ.

Các nhà chức trách của chính quyền giải trình về cuộc đàn áp đối với Apple Daily, cáo buộc rằng các bài báo của nó là phản động và các nội dung được viết trong năm ngoái đã ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Trung Quốc, mà theo Luật an ninh quốc gia mới, đây chính là hành vi phạm pháp.

Theo Daily Caller đưa tin, trước khi bỏ tù các lãnh đạo của tờ báo, chính quyền đã đóng băng các tài khoản ngân hàng và các nguồn tài chính của nó. Trước tình hình đó, độc giả đã cố gắng ủng hộ bằng cách quyên góp tiền và mua quảng cáo. Tuy nhiên, tình hình không ổn định đã buộc tòa soạn phải quyết định đóng cửa.

Còn theo tin tức trên tờ Reuters, vào tháng 12 năm 2021, một trong số ít các kênh truyền thông ủng hộ dân chủ còn lại đang hoạt động, Stand News, cũng đã phải đóng cửa và hủy các ấn phẩm của mình sau khi hơn 200 cảnh sát đột kích văn phòng tòa soạn, đồng thời đóng băng tài sản của nó và bỏ tù các giám đốc của tờ báo với cáo buộc “xuất bản ấn phẩm phản động”.

Chỉ vài giờ sau cuộc đột kích, Stand News đã phải đưa ra thông báo ngừng hoạt động. Hiện tại, trang web của tờ báo không thể truy cập được và các tài khoản Facebook, Instagram và Twitter, thậm chí tất cả các video từ kênh YouTube của nó đều đã bị xóa sạch. 

Phần lớn cộng đồng quốc tế đã bày tỏ thái độ phản đối các biện pháp độc tài của chính quyền, dù rằng họ chẳng thể giúp được gì nhiều.

Liên hợp quốc (LHQ) cho biết họ sửng sốt trước “việc đóng cửa vô cùng nhanh chóng không gian dân sự và các tòa soạn nơi mà công dân Hồng Kông có thể tự do phát biểu và thể hiện bản thân”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông trả tự do ngay lập tức cho các nhân viên truyền thông đã bị bắt trong các cuộc đột kích.

Trong một tuyên bố chính thức, ông Blinken nói: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông ngừng nhắm mục tiêu vào các kênh truyền thông tự do và độc lập của Hồng Kông và ngay lập tức trả tự do cho các nhà báo và giám đốc điều hành kênh truyền thông đã bị giam giữ và buộc tội vô cớ”.

Nhờ áp dụng Luật An ninh Quốc gia, sự kiểm duyệt của ĐCSTQ đã tăng lên theo cấp số nhân. Bên cạnh việc đóng cửa thành công các tờ báo ủng hộ dân chủ hàng đầu, nó cũng đã bịt miệng được rất nhiều nhà báo độc lập, những người có ảnh hưởng và các chuyên gia từng chỉ trích chính quyền.

Theo AP news đưa tin, ĐCSTQ cũng thắt chặt việc kiểm duyệt các sản phẩm phim, thông qua luật cấm chiếu những bộ phim bị coi là “trái với an ninh quốc gia” để hạn chế danh sách phim được phép phân phối và phát sóng tại Hồng Kông.

Cải cách bầu cử hay đánh cắp bầu cử?

Luật cơ bản Hồng Kông, được ký năm 1997 như một phần của Tuyên bố chung Trung -Anh, đã thiết lập sự đảm bảo cho người dân Hồng Kông được hưởng các cuộc bầu cử tự do và dân chủ để bầu ra các đại diện chính trị của mình trong nghị viện.

Đối với các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, những người luôn dốc sức hòng xóa bỏ mọi đảm bảo về dân chủ minh bạch, thì điều này quả là cái gai trong mắt.

Do đó, đầu năm 2021, Quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết áp đảo cho một dự luật gây tranh cãi nhằm tăng cường kiểm soát của Bắc Kinh đối với hệ thống bầu cử yếu ớt của Hồng Kông. Bằng cách này, chính quyền Trung Quốc có thể yên tâm rằng những người chống đối chính quyền Hồng Kông và những người muốn rũ bỏ sự kìm kẹp của ĐCSTQ sẽ bị hạn chế tuyệt đối về khả năng tham gia chính trị.

Cải cách bầu cử đã làm xói mòn sự hiện diện của dân chủ ở Hồng Kông và đưa ra một cơ chế mà qua đó ĐCSTQ có thể kiểm tra “lòng trung thành của các chính trị gia” đối với chính quyền Trung Quốc. ĐCSTQ cố gắng đảm bảo rằng chỉ những người được cho là “yêu nước” mới có thể điều hành Hồng Kông. Như vậy, bằng việc áp đặt luật pháp, ĐCSTQ đã có thể loại bỏ mọi hình thức chống đối chính quyền Trung Quốc, Fox News đưa tin.

Trước đó, 35 trong số 70 ghế trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) được bầu trực tiếp bởi các cử tri. 35 ghế còn lại sẽ được chọn thông qua các nghiệp đoàn và các nhóm lợi ích đặc biệt như giới kinh doanh và thương mại với đa phần là thân Bắc Kinh.

Thông qua cải cách bầu cử, Bắc Kinh đã tăng quy mô của cơ quan lập pháp lên 90 ghế. Chỉ 20 trong số 90 ghế này là được bầu trực tiếp, còn 40 ghế do Ủy ban Bầu cử thân Bắc Kinh lựa chọn và 30 ghế được chọn bởi các nhóm lợi ích đặc biệt, cũng là giới thân cộng. Cải cách đã làm giảm đáng kể tỷ lệ các nghị sĩ đủ tư cách.

Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp đầu tiên sau cải cách của Hồng Kông diễn ra vào Chủ nhật, ngày 19 tháng 12 năm 2021. Nhưng với việc các nhà lãnh đạo đối lập quan trọng nhất đã phải ngồi tù và cải cách luật bầu cử, kết quả rõ ràng có thể biết trước được.

Tờ The Guardian dẫn lời cựu nghị sĩ Hồng Kông Hứa Chí Phong (Ted Hui), hiện đang lưu vong tại nước ngoài: “Người dân Hồng Kông bây giờ không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận các cuộc bầu cử bất hợp pháp. Hội đồng Lập pháp đang trở thành con dấu cao su(*) của Bắc Kinh còn cuộc bầu cử thì chẳng có yếu tố dân chủ nào cả”.

Con số ít ỏi 30,2% cử tri tham gia bỏ phiếu đã phản ánh sự thất vọng tràn lan trong cộng đồng người Hồng Kông và thái độ phản đối các biện pháp mà chính quyền thực hiện trong những tháng gần đó, đồng thời bộc lộ sự bất tín của người dân vào các cuộc bầu cử do chính quyền Trung Quốc tổ chức.

Theo CNBC đưa tin, số cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử gần đây của Hồng Kông là thấp nhất trong lịch sử kể từ năm 1997.

Di cư hàng loạt: Hậu quả của sự đàn áp từ ĐCSTQ

Người dân Hồng Kông đang trải qua một cuộc di cư lịch sử. Các thống kê công khai gần đây chỉ ra rằng dân số Hồng Kông đã giảm 1,2% trong năm 2021. Việc kiểm soát, đàn áp và hạn chế các quyền tự do mà chính quyền Trung Quốc áp đặt kể từ khi ban hành Luật an ninh quốc gia vào năm 2020 là nguyên nhân hàng đầu khiến hàng loạt cư dân phải rời xứ cảng thơm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, sau nhiều năm đạt được tốc độ tăng trưởng cao và kinh tế phát triển, cùng với phúc lợi tốt cho người dân và sự gia tăng dân số hợp lý, Hồng Kông giờ đây, dưới sự đàn áp của chế độ chính trị, đã phải chứng kiến dân số của mình sụt giảm đáng kể do hàng nghìn người trẻ và toàn bộ gia đình họ buộc phải di cư ra nước ngoài.

Dân số Hồng Kông hiện chỉ còn 7,39 triệu người, giảm 1,2% so với lần điều tra trước đó. Đây là lần sụt giảm lớn nhất kể từ khi có những dấu hiệu đầu tiên về xu hướng dân số giảm ở Hồng Kông vào giữa năm 2020, với tỷ lệ khi đó là khoảng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước khi có sự sụt giảm này, ít nhất là từ năm 2003 trở đi, dân số Hồng Kông đã tăng lên hàng năm với tốc độ dao động trong khoảng 0,2% đến 1,1%.

Các chuyên gia về nhân khẩu học, chẳng hạn như Paul Yip Siu-fai, một giáo sư nổi tiếng tại Đại học Hồng Kông, cho rằng xu hướng này là “đáng báo động” và nói rằng một phần của sự suy giảm là do di cư thuần gia tăng mạnh và tỷ suất sinh cực thấp.

Giáo sư Yip cảnh báo về những vấn đề mà cuộc di cư nhân lực ồ ạt ra khỏi Hồng Kông có thể tạo ra trong ngắn hạn.

“Nếu bạn đến sân bay, bạn sẽ thấy các gia đình trẻ và trung niên đã chuẩn bị sẵn sàng để rời đi”, ông tiếp tục, “Khi họ rời Hồng Kông, họ sẽ mang theo kỹ năng và vốn liếng của mình ra khỏi Hồng Kông… sự già đi của dân số [Hồng Kông] sẽ trầm trọng hơn bao giờ hết”.

Các quốc gia như Anh, Canada và Hoa Kỳ đã công bố những cách thức mới để tạo điều kiện cư trú cho công dân Hồng Kông thoát khỏi chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Vương quốc Anh đã giới thiệu một chương trình thị thực mới, mở ra một con đường trở thành công dân Anh cho tối đa 3 triệu cư dân Hồng Kông có hoặc đủ điều kiện để có hộ chiếu quốc tịch Anh.

Kết luận và triển vọng

Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã thành công mỹ mãn trong kế hoạch chiến lược với Hồng Kông. Trong những năm đầu tiên sau khi người Anh trao trả lại Hồng Kông, Trung Quốc đã duy trì một mức độ độc lập nhất định trên hòn đảo này. Nó đã lợi dụng tối đa vị thế cầu nối của Hồng Kông để thâm nhập vào phương Tây, từ đó đạt được sự tăng trưởng và phát triển kinh tế to lớn.

Giờ đây, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên tốp đầu trên toàn thế giới, tạo ra sự phụ thuộc tuyệt đối trong chuỗi cung ứng của hầu hết các quốc gia, chính quyền Trung Quốc đã không ngần ngại tiến hành mọi biện pháp để trấn áp bất đồng chính trị và xã hội trên toàn lãnh thổ của mình, bao gồm cả Hồng Kông.

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực nhất định nhằm lên án và bác bỏ các hành động của chính quyền cộng sản ở Hồng Kông, nhưng tác động chưa đủ mạnh để tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào.

Mặc dù không có nhiều tín hiệu lạc quan về triển vọng tự do cho người dân Hồng Kông và hệ thống dân chủ tại nơi đây, song có lẽ một hành động chung dứt khoát của các cường quốc phương Tây sẽ gây ra áp lực đủ lớn để thay đổi hiện trạng. Tuy vậy, thật không may cho người dân Hồng Kông, tính đến nay vẫn chưa có động thái nào như vậy…

RELATED ARTICLES

Tin mới