Kể từ đầu năm 2022, hàng chục người trong hệ thống y tế của ĐCSTQ đã bị ngã ngựa bởi một chiến dịch “chống tham nhũng” trên diện rộng, bao gồm các cơ quan chức năng của chính phủ TQ, các bệnh viện lâm sàng, và các đơn vị khác, liên quan đến nhiều quan chức tham gia trên diện rộng. Đây là một sự việc rất hiếm có trong những năm gần đây, và tại thời điểm này, tội ác của ĐCSTQ trong việc thu hoạch nội tạng từ người còn sống một cách có hệ thống đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Tính đến ngày cuối cùng của tháng 8, có tổng cộng 83 quan chức cấp cao trong hệ thống y tế của TQ đã ngã ngựa từ đầu năm đến nay, vai trò và vị trí của những người này rất khác nhau, và sự phân bố trải dài từ các đơn vị quản lý y tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đến các bệnh viện lâm sàng khác nhau ở cấp cơ sở, và các bộ phận giám sát y tế của chính quyền địa phương.
Có một chuỗi công nghiệp đen khổng lồ về cấy ghép nội tạng trong hệ thống y tế của TQ. Các học viên Pháp Luân Công cáo buộc chính quyền TQ về tội ác thu hoạch và buôn bán nội tạng sống có tính hệ thống tồn tại lâu dài, các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ công khai và bí mật trên khắp Trung Quốc là nạn nhân.
Một báo cáo phân tích trên tạp chí Cambridge Quarterly of Health Ethics xuất bản ngày 28 tháng 7 bởi Nhà xuất bản Đại học Cambridge cho thấy Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng các tiêu chí để xác định chết não, và nội tạng bị thu hoạch có thể đến từ người sống.
Báo cáo có tiêu đề “Các vụ lạm dụng định nghĩa chết não trong thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc” đã xem xét và kiểm tra các ấn phẩm như tạp chí y khoa Trung Quốc mô tả phương pháp thu hoạch nội tạng và kết luận rằng một số người hiến tạng không hề chết não hoặc chết tim khi nội tạng của họ bị lấy đi.
Bài báo cho biết các mô tả về quy trình thu hoạch nội tạng trên các tạp chí y khoa Trung Quốc cho thấy, trước khi các bác sĩ gây ngừng tim để lấy tim, trái tim vẫn đang đập. “Những người hiến tạng với trái tim đang đập chứ không phải người hiến tạng chết não, tim không còn đập”.
Bài báo cũng nêu rõ, “trong những trường hợp này, ‘nội tạng của người hiến tạng’ có thể được lấy từ người sống và ‘người hiến tạng’ bị giết bởi các chuyên gia y tế thông qua cấy ghép nội tạng”.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, dưới thời cầm quyền của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, các học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền TQ đàn áp và bức hại. Sau năm 2000, ĐCSTQ bắt đầu thu hoạch có hệ thống nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ để bán. Trong những năm sau đó, thời gian chờ đợi nội tạng cực kỳ ngắn cho thấy có một lượng lớn người hiến tạng sống ở Trung Quốc.
Ở Mỹ, thời gian chờ đợi để ghép tim từ 180 ngày đến vài năm, trong khi ở Trung Quốc, thời gian chờ chỉ vài tuần, thậm chí vài ngày để hoàn thành việc tìm nội tạng phù hợp và bước vào giai đoạn phẫu thuật.
Ví dụ, vào ngày 8 tháng 4 năm nay, ông Mặc Kiến Cương, một giảng viên tại Đại học Lan Châu, bị nhồi máu cơ tim, sau khi được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, ông phát hiện tim của mình đã bị nhồi máu với diện tích lớn và cần được ghép tim.
Vào ngày 6 tháng 5, ông Mặc Kiến Cương được chuyển đến Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán, bệnh viện cấy ghép nội tạng hàng đầu ở Trung Quốc, đồng thời ông được đưa vào danh sách chờ ghép tim. Bốn ngày sau, ông Mặc Kiến Cương nhận được một trái tim hiến tạng phù hợp và hoàn thành ca cấy ghép.
Không chỉ thời gian chờ đợi nội tạng phù hợp cực ngắn, mà ở Trung Quốc còn có hiện tượng một bệnh nhân có thể nhận nhiều nguồn nội tạng cùng một lúc.
Ngày 12/6/2020, nữ bệnh nhân 24 tuổi Tôn Linh Linh được đưa vào Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán (cùng bệnh viện với bệnh nhân trên), trong vòng 13 ngày, bệnh viện đã tìm được 4 nguồn tim phù hợp để cô lựa chọn.
Trái tim đầu tiên chuyển đến bệnh viện vào ngày 16/6, nhưng các bác sĩ phụ trách ca mổ cho rằng động mạch vành của tim hoạt động kém nên đã loại bỏ.
Trái tim thứ hai đã sẵn sàng vào ngày 19/6, nhưng do bệnh nhân Tôn Linh Linh bị sốt và không đủ sức khỏe để ghép tim nên trái tim này cũng bị loại bỏ.
Ngày 25/6, có hai trái tim phù hợp để lựa chọn cùng lúc, lúc này tình trạng của Tôn Linh Linh đã cải thiện đáng kể, cuối cùng bác sĩ phẫu thuật đã chọn trái tim của người đàn ông 33 tuổi ở cách xa hàng trăm km. Trái tim thay thế còn lại thuộc về một phụ nữ địa phương và các bác sĩ đã loại bỏ nó vì sợ nó không đủ khoẻ mạnh.
Hai trường hợp trên lần đầu tiên được báo chí Trung Quốc đưa tin, nhiều trường hợp khác đã được truyền thông nhà nước TQ đưa tin, hai bệnh nhân nói trên đều là tên thật và danh tính thật của họ.
Trong thời kỳ Giang Trạch Dân cầm quyền, các học viên Pháp Luân Công bị bức hại một cách có hệ thống, và chuỗi công nghiệp cấy ghép nội tạng đen bắt đầu bành trướng một cách dã man, với việc hệ thống y tế của TQ dính líu trực tiếp đến tội ác thu hoạch nội tạng sống, trong đó các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở Trung Quốc là nạn nhân chính. Năm 2012, khi ông Tập Cận Bình, đương kim lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, cuộc đấu đá nội bộ gay gắt đã nổ ra với phe của Giang Trạch Dân, các quan chức trong hệ thống y tế do phe Giang kiểm soát liên tiếp bị ngã ngựa trong những năm gần đây.
Triêu Tiệp, một nhà bình luận Nhật Bản về các vấn đề thời sự, nói với Epoch Times rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại dã man. “Việc thu hoạch nội tạng cơ thể sống đã vượt quá ranh giới cuối cùng về đạo đức của con người, và việc thanh trừng các quan chức trong hệ thống y tế của TQ ngày nay cũng có thể coi là một dạng quả báo”.
T.P