Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp của Nhật Bản?

Thông điệp của Nhật Bản?

Tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan đã là “chuyện thường ngày”. Tàu chiến các đồng minh phương Tây nghênh ngang tại đây cũng thế. Lần này, tới Nhật Bản với nhóm 8 tàu hải cảnh “trú bão”tại đây một cách khả nghi.

Tàu hải cảnh Nhật Bản vào eo biển Đài Loan.

Các đồng minh hưởng ứng nhiệt tình cổ vũ của Washington đưa tàu tới eo biển Đài Loan là Anh, Pháp, Canada. Thực hiện sứ mệnh riêng đã đành, có lần, như giữa tháng 10 năm 2021, Mỹ và Canada còn rủ rê nhau, cho cặp đôi tàu khu trục USS Dewey lớp Arleigh Burke (của Mỹ) và tàu hộ vệ HMCS Winnipeg lớp Halifax (của Hải quân Hoàng gia Canada) dung dăng giữa eo biển hẹp giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục như trêu ngươi bất chấp sự hậm hực và những lời cáo buộc mà Bắc Kinh tung ra.

Phàm ở đời, cái gì nhiều quá, thành quen. Đe nẹt, dọa dẫm mãi cũng chẳng được, Bắc Kinh đành phải chịu đựng tình trạng “bình thường mới” tại eo biển này, ít nhất với Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Nhưng hành động mới đây của Nhật Bản thì, trong con mắt của Bắc Kinh – Tokyo đích thị là kẻ không biết điều.

Nhật đã làm gì? Nhật đã cho cả đàn tới 8 tàu hải cảnh đi vào eo biển Đài Loan vừa nóng ran lên với những cuộc tập trận liên tiếp mô phỏng đánh chiếm đảo mà Trung Quốc triển khai nhằm phản ứng chuyến ghé thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ là bà Pelosi đầu tháng 8.

Thông tin trên được báo Tin tức của Đài Loan đưa vào ngày 5/9. Trước đó, trang Fanpage của Hải quân Đài Loan dường như đã công nhận điều này một cách gián tiếp khi đưa lại thông tin của một người được cho là “có chuyên môn về quân sự”, cho biết rõ: trong số 8 tàu Nhật bản, có 2 tàu tải trọng tới 4000 tấn và 2 tàu trên 1000 tấn.

Cho dù, thông tin cũng nêu chưa có bằng chứng các tàu Nhật Bản có động thái giám sát các tàu chiến của Trung Quốc tại eo biển này, nhiều khả năng, chỉ là “tránh bão” đang đến, nhưng không ít chuyên gia quốc tế cho rằng: đây là sự việc “trên mức bình thường”.

Suy đoán đó không hẳn dựa vào quy mô “đàn” tới 8 tàu hiện đại, mà dựa vào thời điểm.

Chuyến ghé thăm Đài Loan của người đàn bà quyền lực thứ ba nước Mỹ thì đã xa cả tháng rưỡi, nên không thể tính.

Năm bảy cuộc đổ bộ của các đoàn nghị sĩ Mỹ và các nước phương Tây tới Đài Loan, nói cho cùng, cũng là cấp thấp, đâu cần làm om sòm.

Sự “bơm vào” của truyền thông, Trung Quốc thừa khôn để mà tránh bẫy kích động…

Thế nên, cái chính, cần quan tâm là 8 tàu Nhật hiện diện tại một nơi đầy nhạy cảm trong bối cảnh Trung Quốc và Nga vừa phối hợp diễn tập tiêu diệt một “tàu ngầm thù địch” (?) trong cuộc tập trận chung ở biển Nhật Bản – một phần của cuộc tập trận mang tên Vostok 2022 kéo dài một tuần trên một số bãi tập ở vùng Viễn Đông của Nga và ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này, với sự tham gia của 50.000 quân từ hơn chục quốc gia trong khu vực.

Ăn ý, cả Nga và Trung Quốc đồng thời cố tình làm ồn ào trên truyền thông về khả năng “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” của lực lượng hai quốc gia đối với “tàu ngầm địch” nêu trên.

Trung Quốc, Nga hể hả bao nhiêu thì Nhật Bản khó chịu bấy nhiêu. Sự khó chịu càng tăng thêm khi cộng với việc trước đó, ngày 28/8, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã phát hiện một tàu giám sát điện tử Type 815A của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako vào ngày 28/8, trên đường đến phía tây Thái Bình Dương.
Chẳng thể là một sự tình cờ. Ngược lại, Tokyo cho rằng: đây là những hành động có tính toán của Trung Quốc và Nga – hai cường quốc đang ngày một thêm mặn mà từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ.

Thế nên, việc 8 tàu hải cảnh Nhật Bản thình lình xuất hiện tại eo biển Đài Loan chẳng thể đơn giản cho là tạm trú để tránh bão, cho dù năm 2019, điều đó từng xảy ra với 9 tàu Nhật Bản. Nhiều khả năng, động thái đó nhằm trả đũa cuộc tập trận của Nga và Trung Quốc, bắn đi một thông điệp cứng rắn: Trung Quốc và Nga đã làm căng, thì Nhật Bản cũng sẵn sàng chứ không chịu thúc thủ lép vế.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới