Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đến Uzbekistan để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước, trong bối cảnh hai bên chuẩn bị triển khai một dự án lớn.
Hành lang đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, gọi tắt là CKU, dự kiến khởi động vào năm 2023, sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi trong năm nay. Dự án được manh nha từ năm 1997 nhưng “ngủ im” trong nhiều năm. Trong bối cảnh có những dịch chuyển về các chuỗi cung ứng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, CKU đang được hồi sinh.
Cả ba nước tham gia dự án đều thể hiện quan tâm đến việc triển khai dự án. CKU được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại và kết nối không chỉ giữa 3 nước, mà với cả khu vực.
Tuyến đường sắt này sẽ dài 523km, gồm 213km ở Trung Quốc, 260km ở Kyrgyzstan, bao gồm 90 đường hầm, và 50km ở Uzbekistan. CKU sẽ vượt qua 900km từ Trung Quốc đến châu Âu và Trung Đông, giảm bớt thời gian vận chuyển 7-8 ngày.
Tuyến đường này sẽ bắt đầu từ ga Kashgar ở Tân Cương (Trung Quốc) đến thành phố Andijan của Uzbekistan, đi qua 2 vùng Naryn và Osh của Kyrgystan. Chi phí xây dựng dự kiến là 4,5 tỷ USD, được đồng chi trả giữa các thành viên hoặc tổ chức quốc tế và khu vực.
CKU sẽ trở thành tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu, kết nối Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan với Trung và Đông Âu qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Uzbekistan, CKU có thể kết nối với đường sắt Uzbekistan-Turkmenistan đến cảng Turkmenbashi bên bờ biển Caspi.
Tại cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, nó có thể chia đôi để kết nối với ga Baku của Azerbaijan rồi vào các thị trường Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU giáp Biển Đen như Bulgaria và Romania, hoặc có thể đi xuống phía nam đến các cảng của Iran bên bờ biển Caspi như Anzali hoặc Chabahar. Từ đó sẽ có các tuyến kết nối với Trung Đông, Đông Phi và Nam Á.
Dự kiến hoạt động thương mại sẽ tăng đáng kể sau khi có tuyến đường sắt mới, Kyrgyzstan lên kế hoạch xây dựng một trung tâm sản xuất và chế biến để bán hàng khắp Trung Á. Nền tảng thương mại trực tuyến Wildberries của Nga đã bắt đầu mở rộng hoạt động sang quốc gia này.
Cả Trung Quốc và Uzbekistan đều muốn có tuyến đường ngắn nhất xuyên qua địa hình đồi núi của Kyrgyzstan, nhưng Kyrgyzstan muốn CKU chạy qua các khu vực đông dân để phát huy hiệu ứng lan tỏa, như tạo ra cơ hội việc làm và xuất khẩu sản phẩm địa phương. Phí quá cảnh từ tuyến đường sắt này sẽ đóng góp đáng kể giúp Kyrgyzstan phục hồi kinh tế.
Sau khi hoàn thành, CKU có thể kết nối với các tuyến đường bộ, đường sắt và đường không hiện có đến Kazakhstan. Uzbekistan hiện là thành viên quan sát để chuẩn bị gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Liên minh này bao gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus và Armenia, đã ký thỏa thuận tự do thương mại với một số quốc gia.
CKU cũng có thể kết nối với các thành viên của Thỏa thuận kinh tế và trung chuyển bốn bên (gồm: Trung Quốc, Pakistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan). Uzbekistan đang muốn tham gia khuôn khổ này.
CKU được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh tế và chiến lược cho Trung Quốc, Uzbekistan và Kyrgyzstan, cũng như của các quốc gia và tổ chức khu vực liên quan. Thông qua hành lang này, Trung Quốc có cơ hội đa dạng hóa các tuyến thương mại và thúc đẩy trao đổi với châu Âu. Những cơ hội làm ăn mới ở Kyrgyzstan và Uzbekistan có thể mang lại sự thịnh vượng và đẩy lùi nguy cơ bất ổn. Điều này sẽ giúp Bắc Kinh ổn định phần biên giới phía tây.
CKU cũng sẽ giúp tăng cường Hành lang Trung Đông, sau khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên Vành đai phía bắc đi qua Nga.
T.P