Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập đi Trung Á làm gì?

Ông Tập đi Trung Á làm gì?

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây hơn 2 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến các quốc gia thuộc khu vực Trung Á gồm có Kazakhstan và Uzbekistan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kyrgystan Almazbek Atambayev.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan và có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Nga Putin tại đây.

Diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng nhiệt trên mọi lĩnh vực, đồng thời ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc, chuyến công du các nước Trung Á của ông Tập Cận Bình đang gửi đi rất nhiều thông điệp.

Thời điểm diễn ra chuyến thăm

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây cũng có thể coi là chuyến thăm “phá lệ” khi lãnh đạo Trung Quốc ra nước ngoài ngay trước thềm Đại hội Đảng diễn ra vào giữa tháng 10 tới tại Bắc Kinh, điều hiếm gặp từ trước tới nay.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị, mới có nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì từng ra nước ngoài và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, nhân vật quan trọng thứ 3 của nước này, vừa kết thúc chuyến công du đến Nga mới đây. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là cơ hội để Bắc Kinh tuyên bố với thế giới về việc chính thức nối lại quan hệ ngoại giao nguyên thủ trước thềm Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong chuyến công du đầu tiên sau đại dịch, lãnh đạo Trung Quốc đã chọn tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thăm cấp nhà nước 2 quốc gia Trung Á là Kazakhstan và Uzbekistan. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với hai nước này, do vậy đây là thời điểm lý tưởng để tăng cường và thúc đấy quan hệ song phương.

Hơn nữa, năm 2023 sẽ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong đó Kazakhstan là nơi đầu tiên ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này. Do vậy, giới quan sát cho rằng, việc chọn điểm đến là các nước thân thiện với Trung Quốc ở khu vực Trung Á sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực.

Tính toán của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra 3 sáng kiến quan trọng, gồm Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Ở Trung Quốc, các sáng kiến này được gọi là chiến lược ngoại giao Tập Cận Bình. Trung Á là nơi đi đầu trong việc thực hiện các dự án BRI.

Theo Tân Hoa xã, tính đến nay, hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã ký kết các văn kiện hợp tác BRI với Trung Quốc. Xét về dân số, tổng số dân của các quốc gia này đã chiếm tới 2/3 dân số thế giới. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó là các quốc gia đang phát triển và không ít là những nước kém phát triển.

Trung Quốc hiện đang là chủ nợ chính của nhiều đối tác BRI, đặc biệt là chủ nợ chính thức song phương lớn nhất của Pakistan, Angola, Kenya, Ethiopia, Myanmar… Đến nay, Trung Quốc đã hoãn trả nợ khoảng 2,1 tỷ USD theo sáng kiến BRI. Trong một tuyên bố hồi tháng 8/2022, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh sẽ xóa 23 khoản vay không tính lãi đáo hạn vào cuối năm 2021 cho 17 quốc gia châu Phi.

Hiện Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm quy mô của Sáng kiến BRI bằng cách ưu tiên các dự án quy mô nhỏ hơn, tập trung vào tính bền vững tài chính và cắt giảm tổn thất đối với các dự án phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có kế hoạch giúp các đối tác giải quyết việc trả nợ và hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức phát triển đa phương, đặc biệt là trong việc xây dựng các tiêu chuẩn chung về môi trường và xã hội để đánh giá về các dự án.

Các quốc gia Trung Á là nơi có hàng trăm dự án BRI, do vậy cuộc họp thượng đỉnh của SCO tới đây sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc giải quyết những vấn đề này.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong khi Mỹ thúc đẩy G7 khởi động dự án Đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, Liên minh Châu Âu khởi động sáng kiến Cổng toàn cầu tập trung vào Châu Phi, Trung Quốc cần đẩy nhanh hơn nữa các thay đổi trong Sáng kiến BRI để giành được lợi thế cạnh tranh. Và chuyến đi của ông Tập Cận Bình được đánh giá là bước khởi đầu cho những nỗ lực này của Trung Quốc sau 2 năm gián đoạn do đại dịch.

Thế khó tại Trung Á

Trước tiên, phải khẳng định rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ở vào thời kỳ hết sức nồng ấm. Nói như lời Đại sứ sắp mãn nhiệm của Nga tại Bắc Kinh Andrey Denisov trong buổi tiếp của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 12/9, thì quan hệ giữa hai bên đã “đạt mức cao nhất trong lịch sử và bước sang kỷ nguyên mới”.

Trước trật tự thế giới và các cuộc cạnh tranh địa chiến lược hiện nay, Bắc Kinh và Moscow đang rất có nhu cầu xích lại gần nhau và trên thực tế hai bên đang kề vai sát cánh khi quan hệ cùng căng thẳng với Mỹ – siêu cường số 1 hiện nay – trên nhiều lĩnh vực.

Theo các chuyên gia, để hiểu được bản chất của cuộc cạnh tranh Trung – Nga ở Trung Á, điều cốt yếu là phải nhìn vào trật tự thế giới đang phát triển và những gì các cường quốc đang tìm cách đạt được. Một trong những đặc thù của trật tự hậu tự do là sự khu vực hóa cực độ các khu vực địa chính trị nhạy cảm.

Nga và Trung Quốc có thể cạnh tranh, nhưng họ khó có thể trở thành đối thủ của nhau, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Nga và Trung Quốc cùng bắt tay để giảm sự hiện diện của Mỹ và phương Tây tại khu vực Trung Á. Không loại trừ một trật tự mới có thể sẽ được tạo ra với sự hiện diện chính của Nga và Trung Quốc trong một chiến lược chặt chẽ để can dự về chính trị, an ninh và kinh tế ở khu vực Trung Á.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới