Vừa có thêm một động thái nhằm lật đổ vị trí thống trị của đồng USD trên các thị trường dầu mỏ và khí đốt.
Theo trang oilprice.com, tuần trước, hai tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đồng ý chuyển thanh toán tiền khí đốt sang đồng ruble và đồng nhân dân tệ thay vì USD.
Trong giai đoạn đầu của hệ thống thanh toán mới, quá trình chuyển đổi sẽ áp dụng với khí đốt mà Nga bán cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống phía đông “Power of Siberia” với tổng lượng khí đốt tối thiểu là 38 tỷ mét khối mỗi năm. Sau đó, kế hoạch thanh toán mới sẽ được mở rộng.
Điều đáng chú ý là ở thời điểm này, mặc dù các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga là yếu tố thúc đẩy thay đổi quan trọng về phương thức thanh toán, nhưng đây đã là một chiến lược cốt lõi của Trung Quốc từ ít nhất là năm 2010 để thách thức vị thế thống trị của đồng USD.
Trung Quốc từ lâu đã coi vị trí của đồng nhân dân tệ chính là điều phản ánh tầm quan trọng địa chính trị và kinh tế của nước này trên trường thế giới. Dấu hiệu ban đầu cho thấy tham vọng của Trung Quốc đối với đồng nhân dân tệ đã thể hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở London vào tháng 4/2010.
Khi đó, ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lúc bấy giờ, lưu ý quan điểm rằng Trung Quốc muốn có một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới để thay thế đồng USD vào một thời điểm nào đó. Ông nói thêm rằng việc đưa nhân dân tệ vào hỗn hợp tài sản dự trữ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF sẽ là bước đệm quan trọng trong bối cảnh này.
Sau đó, tháng 10/2016, đồng nhân dân tệ được đưa vào SDR. Tính đến năm 2022, tỷ trọng của nhân dân tệ trong SDR đã tăng lên 12,28%. Đây là con số mà Trung Quốc vẫn coi là không thực sự phù hợp với vị thế siêu cường đang nổi trên thế giới.
Từ lâu, Trung Quốc cũng đã nhận thức sâu sắc rằng dù là nhà nhập khẩu dầu thô hàng năm lớn nhất trên thế giới kể từ năm 2017, nhưng Trung Quốc phụ thuộc vào những thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ thông qua cơ chế định giá dầu của đồng USD.
Quan điểm rằng đồng USD là một vũ khí càng được củng cố mạnh mẽ kể từ xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đi kèm. Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, cựu Phó chủ tịch điều hành của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Zhang Yanling cho biết trong một bài phát biểu rằng các lệnh trừng phạt Nga sẽ khiến Mỹ mất uy tín và làm suy yếu quyền bá chủ của đồng USD về lâu dài. Bà cũng cho rằng Trung Quốc nên giúp thế giới thoát khỏi quyền bá chủ của đồng USD càng sớm càng tốt.
Bản thân Nga từ lâu đã có cùng quan điểm. Một dấu hiệu cho thấy ý định này của Nga đã xuất hiện ngay sau khi Mỹ áp dụng lại các lệnh trừng phạt vào năm 2018 đối với đối tác Trung Đông quan trọng của họ là Iran. Khi đó, Nga đã thảo luận với Ấn Độ và Trung Quốc về việc thay đổi giao dịch lấy đồng USD làm trung tâm.
Cùng lúc đó, Trung Quốc đã khai trương Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đang rất thành công với các hợp đồng dầu được tính bằng đồng nhân dân tệ. Chiến lược như vậy cũng đã được thử nghiệm ban đầu trên quy mô lớn vào năm 2014 khi Gazpromneft (chi nhánh của Gazprom) thử giao dịch dầu thô bằng đồng nhân dân tệ và ruble với Trung Quốc và châu Âu.
Ý tưởng này lại nổi lên sau các lệnh trừng phạt quốc tế mới nhất áp đặt lên Nga.
Gần như ngay sau khi phương Tây áp đặt trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu người mua khí đốt của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) phải thanh toán bằng đồng ruble, nếu không sẽ không được mua khí đốt của Nga.
Các nước EU mua khí đốt của Nga vội vã tìm cách đáp ứng yêu cầu của ông Putin mà không vi phạm lệnh trừng phạt.
Mở rộng thanh toán bằng các loại tiền tệ khác để lật đổ USD cũng phụ thuộc vào việc sử dụng loại tiền tệ đó tại các nước khác nữa, chứ không chỉ là tại những nước đang bị Mỹ trừng phạt.
May mắn với Trung Quốc là đã có Saudi Arabia. Do phần lớn các khoản vay của chính phủ Saudi Arabia được tính bằng USD nên chuyển khỏi nguồn vốn USD sẽ giúp nước này linh hoạt hơn trong cơ cấu tài chính tổng thể.
Trước đó, ngày 18/8, Tạp chí Forbes trích dẫn số liệu thống kê từ Hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT cho hay trong tháng 7, Nga đứng thứ ba trong số các quốc gia sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán quốc tế.
Theo kết quả tháng 7, đồng nhân dân tệ vẫn giữ vị trí trong số 5 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, chiếm khoảng 2,2% tổng thương mại quốc tế. Ngày 18/8, theo dữ liệu của Sở giao dịch Moskva, lần đầu tiên khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ vượt quá khối lượng giao dịch bằng đồng USD.
T.P