Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐức sẽ cảnh giác khi giao thương với TQ

Đức sẽ cảnh giác khi giao thương với TQ

Quan chức cấp cao của Đức cho biết nước này sẽ áp dụng chính sách thương mại mới với Trung Quốc, và Berlin sẽ hết ngây thơ khi giao thương với Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với các bộ trưởng thương mại G7 hôm 15/9, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay, nước này sẽ áp dụng chính sách thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc.

“Đức sẽ hết ngây thơ trong quan hệ với Trung Quốc. Thời kỳ mà chúng tôi theo đuổi chính sách thương mại bất chấp tiêu chuẩn đã không còn nữa”, ông Habeck tuyên bố.

“Chúng tôi sẽ tung ra chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc ở châu Âu”, quan chức Đức nói, nhấn mạnh Berlin sẽ đáp trả các biện pháp bảo hộ của Trung Quốc như với các đối tác nước ngoài khác.

Theo AFP, phương Tây dường như đang có xu hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại. Các nước này đang tìm cách kiểm soát công nghệ chủ chốt, như pin và chất bán dẫn – vốn đã phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc trong nhiều năm qua.

“Đa dạng hóa thương mại đã yếu tố quan trọng để đảm bảo một chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả”, thông báo chung của các bộ trưởng thương mại G7 cho hay.

Cuối năm ngoái, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng nước này ban đầu có thể “quá ngây thơ” khi hợp tác với Trung Quốc.

“Chúng tôi ban đầu có thể đã quá ngây thơ trong cách tiếp cận với một số vấn đề hợp tác (với Trung Quốc). Giờ đây chúng tôi xem xét mọi thứ kỹ lưỡng hơn”, bà nói.

Trong 16 năm cầm quyền của bà Merkel, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức và chính sách của chính quyền bà cũng đã định hình lập trường của châu Âu với Bắc Kinh, trong bối cảnh xuất hiện những mối quan ngại về việc Trung Quốc có thể cạnh tranh không công bằng và có hành động gián điệp kinh tế.

Tuy nhiên, bà Merkel cho rằng Đức và Liên minh châu Âu vẫn nên hợp tác với Trung Quốc.

“Theo quan điểm của tôi, cắt đứt hoàn toàn sẽ là không đúng đắn, nó có thể gây ra thiệt hại cho chúng ta”, bà Merkel nói.

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức từ năm 2016 và sự phát triển nhanh chóng của quốc gia châu Á cũng giúp cho sự đi lên của Đức trong nhiệm kỳ của bà Merkel. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Đức dường như đang bị gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở một số vấn đề và không đủ sự cứng rắn với Bắc Kinh với những vấn đề gai góc.  

RELATED ARTICLES

Tin mới