Theo Niên giám Thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê, chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến Việt Nam đã có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2009-2019. Cụ thể, nếu như năm 2009, mức chi bình quân 1 ngày của khách nước ngoài khi ở Việt Nam chỉ ở mức 91,2 USD thì con số này đã tăng gấp 1,2 lần sau 10 năm.
Theo đó, chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến Việt Nam đã có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2009-2019. Cụ thể, mức chi bình quân 1 ngày của khách nước ngoài khi ở Việt Nam trong năm 2009 ở mức 91,2 USD thì con số này đã tăng lên 105,7 USD vào năm 2011. Tuy nhiên, mức chi tiêu bất ngờ giảm xuống mức 95,8 USD trong năm 2013 và có xu hướng tăng trở lại trong giai đoạn 2017-2019.
Trong mức chi bình quân 1 ngày của khách nước ngoài khi ở Việt Nam trong năm 2009, phần lớn chi tiêu của khách du lịch khi sang Việt Nam sẽ dùng cho việc thuê phòng, với chi phí thuê phòng mỗi ngày khoảng 25,7 USD/người, chiếm khoảng 28,2% tổng chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế khi du lịch Việt Nam.
Sau chi phí thuê phòng, ăn uống và đi lại là hai khoản chi phí chiếm tỷ trọng cao thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu chi tiêu bình quân của một khách nước ngoài khi du lịch ở Việt Nam. Cụ thể, trung bình một ngày, một du khách nước ngoài sẽ chi khoảng 19,2 USD (chiếm 21,1%) cho việc ăn uống và khoảng 14,9 USD (chiếm 16,3%) cho việc di chuyển.
Sang đến năm 2019, mức chi tiêu bình quân 1 ngày của khách nước ngoài khi du lịch ở Việt Nam đạt 117,8 USD vào năm 2019, tăng gấp 1,2 lần so với mức chi tiêu năm 2009. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản chi cho ăn uống, đi lại, mua sắm… cũng sẽ nhiều hơn.
Cụ thể, báo cáo cho biết, trong năm 2019, trung bình một du khách nước ngoài khi du lịch ở Việt Nam sẽ bỏ ra khoảng 35,5 USD cho việc thuê phòng, 25,8 USD cho việc ăn uống, 18,9 USD cho việc di chuyển, 19,7 USD cho việc mua sắm và khoảng 18 USD cho các khoản chi khác như tham quan, các dịch vụ y tế…
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% so với năm 2018, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 14,4 triệu lượt người, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15,2%; bằng đường bộ đạt 3,4 triệu lượt người, chiếm 18,7% và tăng 20,4%; bằng đường biển đạt 0,3 triệu lượt người, chiếm 1,5% và tăng 22,7%.
Trong tổng số khách đến Việt Nam, khách đến từ châu Á đạt 14,4 triệu lượt người, chiếm 79,9%, tăng 19,1% so với năm 2018, trong đó Trung Quốc đạt 5,8 triệu lượt người, tăng 16,9%; Hàn Quốc 4,3 triệu lượt người, tăng 23,1%; khách đến từ châu Âu đạt 2,2 triệu lượt người, tăng 6,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 973,8 nghìn lượt người, tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc đạt 432,4 nghìn lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2%.
Tuy nhiên, sang đến năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch. Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam năm nay chỉ đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 111,1 nghìn lượt người, chiếm 70,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 96,4% so với năm trước; bằng đường bộ đạt 45,6 nghìn lượt người, chiếm 29% và giảm 92,5%; bằng đường biển đạt 0,6 nghìn lượt người, chiếm 0,4% và giảm 99,6%.
T.P