Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCần sớm giải bài toán nhà ở cho công nhân, người lao...

Cần sớm giải bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp

Cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng lượng nhà ở đáp ứng cho số lao động này rất hãn hữu.

Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.

Chia sẻ tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội tỉnh Bình Phước năm 2022 mới đây, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, hiện có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước nhưng lượng nhà ở đáp ứng cho số lao động này rất hãn hữu. Điều này tất yếu đặt ra những yêu cầu đối với việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho người lao động.

Trên thực tế, tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lao động.

Thời gian qua, khá nhiều động thái được nhà quản lý đưa ra nhằm phát triển phân khúc nhà ở xã hội thế nhưng nguồn cung phân khúc này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.

Báo cáo của Bộ Xây dựng về nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân cho hay, đến nay cả nước đã hoàn thành 122 dự án với quy mô 54.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 119 dự án với quy mô xây dựng khoảng 154.000 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay những dự án trên mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng. Số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà ở tạm bợ.

Đặc biệt, hiện có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 – 4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.

Bất cập lớn nhất hiện nay là, việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị…Tình trạng này dẫn đến hiện tượng, một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở, vì quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc.

“Việc cải thiện chỗ ở cho người lao động, nhất là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được sự quan tâm đúng mức của nhà nước, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội. Từ đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lo nhà ở cho người lao động”, ông Lê Văn Nghĩa nói.

Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, do đó khi phê duyệt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất bắt buộc phải dành quỹ đất tương xứng để xây dựng nhà ở và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cho công nhân.

Đồng thời cần có chính sách ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện về quỹ đất, có quy định ưu đãi về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trong giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người.

Các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội là những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các dự án nhà ở xã hội độc lập trên quỹ đất sạch do nhà nước quản lý, các quỹ đất để phục vụ cho việc mở rộng, thành lập mới các khu công nghiệp và trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại đã được đầu tư hạ tầng.

“Xác định phát triển nhà ở xã hội để phục vụ cho các nhóm đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt là công nhân làm việc trong các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh. Đây còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như của doanh nghiệp”, bà Trần Tuệ Hiền khẳng định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới