Thursday, January 23, 2025
Trang chủĐàm luậnChính quyền mới của Úc và vấn đề Biển Đông

Chính quyền mới của Úc và vấn đề Biển Đông

Ngày 21/5/2022 diễn ra cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc của nước Úc để bầu ra 151 ghế Hạ viện và 40 trong tổng số 76 ghế Thượng viện của Quốc hội Liên bang nhiệm kỳ 3 năm tiếp theo.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese 

Theo kết quả kiểm phiếu, Công đảng đã giành được 77 ghế trong Hạ viện và được quyền thành lập chính phủ mới. Thắng lợi của Công đảng do ông Anthony Albanese đứng đầu đã chấm dứt 9 năm cầm quyền của Liên đảng Đảng Tự do – Quốc gia với người đứng đầu là ông Scott Morrison, Thủ tướng thứ 30 của Úc.

Công đảng của ông Anthony Albanese lên cầm quyền giữa lúc quan hệ Úc – Trung Quốc ở vào thời kỳ khó khăn nhất, đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ việc Bắc Kinh trừng phạt thương mại Úc vì Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây dịch COVID-19, cho đến những cáo buộc từ phía Canberra rằng Trung Quốc có âm mưu lũng đoạn chính trị nội bộ Úc. Biểu hiện rõ ràng nhất của mối quan hệ căng thẳng là các cuộc họp cấp bộ trưởng giữa 2 bên đã bị gián đoạn từ hơn 2 năm nay, cụ thể là từ năm 2020, khi Bắc Kinh đơn phương cắt đứt đối thoại cấp cao và gia tang trừng phạt hoạt động xuất khẩu của Úc.

Với việc Công đảng trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang ở Úc hôm 21/5, nhiều câu hỏi với chính quyền của tân Thủ tướng Anthony Albanese nổi lên như: quan hệ Úc – Trung Quốc có được cải thiện hay không? chính sách của chính quyền mới đối với các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông sẽ ra sao trong bối cảnh nhiều nhân vật quan trọng trong Công đảng trước đây từng thể hiện thái độ tương đối hòa hoãn với Bắc Kinh, trái hẳn với lập trường cứng rắn của chính quyền vừa mãn nhiệm? chẳng hạn như tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong chính quyền mới là một người có quan điểm ôn hòa đối với Trung Quốc, cho rằng việc đi theo Anh và Mỹ để đối đầu với Trung Quốc không mang lại lợi ích cho Úc. Theo quan điểm của bà, nên tham khảo mô hình quan hệ với Trung Quốc của Singapore, vừa là đồng minh thân thiết của Washington, vừa không đối kháng với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, những băn khoăn nêu trên phần nào đã được giải tỏa sau những phát biểu đầu tiên cũng như các hành động của tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese và chính quyền mới ở khu vực. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ngay trong ngày 23/5, tân Thủ tướng Albanese cùng tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Penny Wong đã tới Tokyo tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm “Bộ tứ”. Về quan hệ với Trung Quốc, trong phát biểu đầu tiên với truyền thông, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhận định quan hệ của Australia với Trung Quốc vẫn tiếp tục “khó khăn”; nhấn mạnh quan hệ giữa Úc và Trung Quốc xấu đi là trách nhiệm của Bắc Kinh chứ không phải của Úc và chính phủ Úc luôn bảo vệ các giá trị của mình. Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình ABC hôm 24/5, Phó Thủ tướng Australia Richard Marles bày tỏ: “Theo quan điểm của Úc, chúng tôi hiểu tính chất phức tạp của mối quan hệ… nhưng Trung Quốc đang tìm cách định hình thế giới theo các cách chúng tôi chưa từng thấy trước đây. Và tôi nghĩ điều đó đang khiến cho con đường phía trước đầy chông gai, thách thức”.

Về chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Anthony Albanese, giới phân tích nhận định khả năng cải thiện quan hệ Úc – Trung Quốc là điều có thể diễn ra, song nhìn chung chính sách đối ngoại của tân chính phủ Úc sẽ không thay đổi nhiều so với đường lối của chính phủ tiền nhiệm Scott Morrison. Theo đó, chính phủ Albanese sẽ tiếp tục ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, liên minh AUKUS, Nhóm “Bộ tứ” và đặc biệt là tìm sự hỗ trợ để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Nam Thái Bình Dương. Về cơ bản, Công đảng cũng đồng tình với quan điểm của Đảng Tự do trong quan hệ với Bắc Kinh là chính Trung Quốc phải là nước có động thái trước nhằm cải thiện quan hệ, chẳng hạn như hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc cấp bộ trưởng, bãi bỏ việc áp thuế vô lý đối với hàng nhập khẩu từ Úc.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Úc và Trung Quốc căng thẳng, chính phủ Công đảng của nước này đặt trọng tâm nhiều hơn vào quan hệ với khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều lợi ích gắn bó với Úc. Sau khi nhậm chức chưa đầy 2 tuần lễ, từ ngày 5-7/6/2022, Thủ tướng Anthony Albanese đã tới thăm Indonesia, nước lớn nhất và đóng vai trò chủ chốt trong ASEAN. Tại đây, Thủ tướng Albanese đã cam kết hỗ trợ Đông Nam Á 670 triệu AUD (khoảng 482 triệu USD), trong đó 200 triệu AUD dành riêng cho Indonesia xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu và 470 triệu AUD dành cho 10 thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển song phương và khu vực. Phát biểu họp báo chung với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Jakarta, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh: “Gắn bó sâu sắc hơn với Đông Nam Á là ưu tiên của chính phủ tôi (Úc). ASEAN và các thể chế do ASEAN dẫn dắt là trung tâm tuyệt đối trong tầm nhìn của chúng tôi (Úc) về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Một tháng sau khi được bổ nhiệm, tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã thăm Việt Nam và Malaysia từ 25/6 đến 01/7 nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Úc với các đối tác trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy lợi ích song phương và của khu vực. Phát biểu khi thăm Malaysia, Ngoại trưởng Wong đề cập sự cần thiết phải đạt được một “trạng thái cân bằng chiến lược” cho phép các quốc gia được lựa chọn quan hệ đối tác và liên kết cho chính mình và ASEAN là nền tảng của sự cân bằng này – với các thể chế và quốc gia thành viên giữ vai trò trung tâm chính trị của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trước đó, tại Việt Nam tân Ngoại trưởng Úc đã có những phát biểu mạnh mẽ liên quan đến vấn đề Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh Úc quan tâm đến “một khu vực hòa bình, thịnh vượng, ổn định, trong đó chủ quyền được tôn trọng”, “một khu vực mà các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế, chứ không phải theo quy mô và sức mạnh”. Đáng chú ý trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore tổ chức hồi đầu tháng 6 (cuộc gặp đầu tiên ở cấp bộ trưởng giữa Úc và Trung Quốc sau hơn 2 năm đình trệ), Phó Thủ tướng mới của Úc Richard Marles cũng lên án Trung Quốc quân sự  hóa Biển Đông. Cho dù, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, song điều này đã cho thấy sự tiếp nối trogn chính sách của chính quyền Tổng thống Albaneses, trong các vấn đề khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Điều này xuất phát từ tính chất và tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông đối với an ninh và phát triển của Úc, lợi ích quốc gia của Úc cũng như việc duy trì trật tự pháp lý trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới