Giới trẻ Trung Quốc ngày càng thất vọng và chán nản với công việc và cuộc sống. Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức có người từ bỏ ước mơ, khát vọng và tiếp tục chọn cách ‘nằm ngửa’. Trước định nghĩa thành công của người Trung Quốc hiện đại, nghĩa là có nhà, có gia đình, có công việc tử tế và tiền bạc, họ chọn cách bỏ cuộc.
Cô Crystal Guo, 30 tuổi, nói với đài CNBC rằng cô từng làm việc trong khoảng nửa năm đến một năm trước khi nghỉ việc. Đó là điều mà cô ấy gọi là lối sống mới của mình là “làm việc không liên tục”. Và bây giờ, trong vòng chưa đầy một năm, cô ấy đã bị sa thải hai lần.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tài nguyên Ngôn ngữ Quốc gia của ĐCSTQ, “nằm ngửa” là một trong mười từ thông dụng trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2021.
“Sự phổ biến của thuật ngữ này phản ánh sự căng thẳng và thất vọng của những người trẻ tuổi”, ông Jia Miao, phó giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải (New York University Shanghai – NYU), giải thích. “Nằm ngửa” là từ chối làm việc quá sức và chỉ làm những việc cơ bản nhất.
Vào tháng 3, một thuật ngữ khác xuất hiện trực tuyến ở Trung Quốc: bai lan (nghĩa gốc là để thối rữa, mục nát), có nghĩa là “Hãy để nó thối rữa”. Các bài đăng liên quan đến chủ đề này đã có hơn 91 triệu lượt xem trên mạng xã hội khổng lồ Weibo của Trung Quốc tính đến thứ Tư (14/9).
“Thối rữa là việc những người trẻ tuổi từ chối nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống, bởi vì họ không tìm thấy bất kỳ hy vọng nào để mà tiếp tục cố gắng”.
Người trẻ chật vật với việc làm vì chính sách zero COVID của ĐCSTQ
Cô Jia Miao nói rằng hai từ thông dụng “nằm im” và “thối rữa” phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt của giới trẻ Trung Quốc ngày nay.
“Mặc dù sự cạnh tranh được xã hội mong đợi, nhưng nó dựa trên sự không chắc chắn do đại dịch gây ra”, cô Jia Miao nói. “Và người trẻ tìm việc làm năm nay càng khó khăn hơn”.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi chiếm gần 20% trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp thành thị toàn quốc là 5,6%. Trước đó một năm, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi này là 16,2%.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, với mức tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ 0,4% trong quý II, do ĐCSTQ tuân thủ chính sách diệt virus cực đoan của mình. Nhiều nhà kinh tế hoài nghi rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5,5%.
Người trẻ trở thành nạn nhân của việc ĐCSTQ đàn áp ngành công nghiệp
Cô Guo Jingjing nói trong một cuộc phỏng vấn rằng thật “khó tin” khi cô ấy bị sa thải hai lần trong vòng chưa đầy một năm.
Lần bị sa thải đầu tiên của cô là vào tháng 7 năm ngoái, khi cô đang làm việc tại một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục sau giờ học. Tuy nhiên, cô đã bị sa thải khi ĐCSTQ thẳng tay đàn áp hệ thống giáo dục.
Sau đó, cô dùng tiền trợ cấp thôi việc để đi du lịch khắp Trung Quốc trong nửa năm. Vào tháng 2 năm nay, cô Guo Jingjing trở về quê nhà của mình ở Thâm Quyến và tìm một công việc trong một công ty bất động sản.
Cô không khỏi sốc khi toàn bộ bộ phận của cô đã bị cho nghỉ việc ngay sau đó.
Cô nói: “Tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường việc làm khá khó khăn trong năm nay. Khi tôi đang cố gắng tìm một công việc khác, thì cũng là thời điểm mà ngành công nghệ đang tiến hành sa thải nhân viên”.
Vì vậy, cô ấy nói, “nằm ngửa” đã trở thành cách “trốn tránh thực tại” của cô. Sau khi tìm được một công việc chính thức ổn định, cô chọn đi làm thêm để trang trải chi phí hàng ngày.
Trước áp lực, thanh niên Trung Quốc khó lập gia đình và khởi nghiệp
Cô Qiu Xiaotian, một nhiếp ảnh gia 31 tuổi, cũng đồng tình với việc “nằm ngửa”.
Cô nói,”Đối với tôi, đó là việc từ chối đánh đổi sự mong đợi của xã hội. Ví dụ, trước một ngôi nhà quá đắt, tôi không cần phải suy nghĩ về nó vì nó khiến tôi rất căng thẳng”, vị nhiếp ảnh gia nói.
“Lập gia đình và lập nghiệp” thường là định nghĩa thành công của người Trung Quốc hiện đại, nghĩa là có nhà, có gia đình, có công việc tử tế và tiền bạc.
Tuy nhiên, đối với một số người, thị trường việc làm đầy biến động ngày nay khiến cho những khát vọng đó ngày càng xa tầm tay, bất kể họ làm việc chăm chỉ đến mức nào đi nữa.
Cô Jia Miao dẫn ví dụ về Thượng Hải và Bắc Kinh. Đối với những người trẻ tuổi bình thường của Trung Quốc, việc mua nhà ở một thành phố lớn như vậy là “gần như không thể”.
Theo một cơ quan nghiên cứu và giám sát thị trường bất động sản Trung Quốc, tỷ lệ giá nhà tính trên thu nhập “cao hơn nhiều” so với mức thu nhập trung bình trên thị trường quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ giá trên thu nhập từ 3 đến 6 lần là mức hợp lý.
Theo số liệu của cơ quan nghiên cứu trên, vào năm 2021, giá nhà ở trung bình ở Trung Quốc cao gấp 12 lần thu nhập bình quân.
“Vì vậy, nhiều người chọn cách tránh suy nghĩ về nó. Họ từ chối cạnh tranh về tiền bạc, căn hộ hoặc hôn nhân”, cô Jia nói.
“Dù đã kết hôn nhưng tôi không muốn có con”, cô Qiu Xiaotian nói, “Vì tôi không thể cho các con mình một cuộc sống tốt đẹp”.
T.P