Sunday, January 5, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiPhong trào chủ chiến cực hữu: Đối thủ mới của Putin

Phong trào chủ chiến cực hữu: Đối thủ mới của Putin

Những thành viên cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc đang truyền bá câu chuyện về “kẻ đâm sau lưng” để giải thích cho thất bại của Nga.

Một phong trào đối lập mới đang dần thành hình ở Nga, nhưng nó không ủng hộ dân chủ, cũng không phải phong trào phản chiến. Thay vào đó, nó là hình thái cực đoan nhất của nhóm ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, những người đang ngày càng trở nên phẫn nộ với thảm họa quân sự của Nga sau 6 tháng chiến đấu ở Ukraine. Họ muốn Putin leo thang chiến tranh, sử dụng các loại vũ khí tàn khốc hơn, và tấn công thường dân Ukraine theo những cách thậm chí còn tàn nhẫn hơn. Họ đã công khai chỉ trích giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga vì đã kiềm chế, không sử dụng toàn bộ sức mạnh của Nga – dù rằng họ hiếm khi nhắc tên Putin.

Lời kêu gọi leo thang chiến tranh, bao gồm cả sử dụng vũ khí hạt nhân trên diện rộng, tự bản thân nó rất nguy hiểm. Nhưng bằng cách tạo ra một thế giới giả tưởng, nơi quân đội Nga toàn năng bị đánh bại bởi kẻ thù trong nước – thay vì bởi những người lính Ukraine chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, với các chiến thuật hiện đại và vũ khí từ phương Tây – phong trào này có thể gây ra những tác động đáng lo ngại đối với nước Nga thời hậu chiến, và nhiều khả năng là hậu Putin. Trên thực tế, câu chuyện này nghe rất giống với Dolchstoßlegende, thuyết âm mưu về “kẻ đâm sau lưng” mà người Đức đã đặt ra, nói rằng thất bại của đất nước họ trong Thế chiến I là do những kẻ phản bội ở quê nhà, trong đó có cả người Do Thái. Câu chuyện thất bại quân sự này đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình tuyên truyền vốn đã đưa Đức Quốc Xã lên nắm quyền.

Những người cổ xúy cho câu chuyện đâm sau lưng ở Nga không phải là một đảng phái, phong trào, hay một nhóm đơn lẻ nào. Thay vào đó, phe đối lập là một liên minh lỏng lẻo – chủ yếu hoạt động trực tuyến – gồm những người có tư tưởng cực hữu, các chiến binh cực đoan, các cựu binh trong cuộc chiến Donbas năm 2014, lính đánh thuê Wagner, các blogger, các phóng viên chiến tranh điều hành các kênh Telegram của riêng họ, và các nhân viên truyền thông nhà nước Nga. Một số là binh lính hoặc lính đánh thuê đang chiến đấu ở Ukraine, và các kênh cá nhân của họ hiện kiêm luôn cả nhiệm vụ tuyển dụng. Những người khác thì đã có một lượng người theo dõi nhất định từ trước khi chiến tranh nổ ra, thường là bởi vì họ ủng hộ một số vấn đề mơ hồ, nhưng chủ yếu vẫn liên quan đến chủ nghĩa dân tộc hoặc cánh hữu: khôi phục quyền thống trị của Liên Xô đối với Đông Âu, xây dựng một đế chế Nga mới, hoặc quảng bá “Nước Nga vì người Nga”.

Sự trung thành của họ đối với Điện Kremlin đã chuyển từ việc tôn kính và phục tùng Putin như một nhân vật lịch sử thần thánh, sang hoạt động tích cực trong các phong trào đối lập cánh hữu. Nhưng khác với những phát ngôn của Điện Kremlin trên truyền hình nhà nước và qua đội quân chiến binh mạng, nhóm người ủng hộ leo thang chiến tranh này có một điểm chung: họ chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Hiểu đơn giản, yêu cầu của nhóm này là: Họ muốn có thêm tội ác chiến tranh – không thương xót, không hối hận, không giả vờ quan tâm đến thương vong của thường dân, làm tất cả cho đến khi người Ukraine hoàn toàn khuất phục và ý tưởng về đất nước Ukraine bị xóa sổ vĩnh viễn. Thất vọng trước thất bại bất ngờ trên mặt trận Kharkiv, nhiều blogger chủ chiến đã yêu cầu nhanh chóng đáp trả mà không quan tâm đến thiệt hại của dân thường. Một số đề nghị tấn công hạt nhân nhắm vào Kyiv, thủ đô của Ukraine, để tiêu diệt chính phủ nước này; blogger nổi tiếng Maxim Fomin (người viết blog bằng bút danh Vladlen Tatarsky) đã kêu gọi một cuộc tấn công cảnh báo bằng hạt nhân nhắm vào Đảo Rắn của Ukraine. Những người khác kêu gọi tiến hành “chiến tranh toàn diện” đánh vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine. Khi quân đội Nga chiều ý họ, phóng tên lửa vào lưới điện của một số thành phố Ukraine trong đêm, sự hả hê đã tràn ngập khắp các kênh ủng hộ chiến tranh của Nga.

Lòng thù hận và khinh bỉ những gì liên quan đến Ukraine trong các bài blog của nhóm người này quả thật rất khó để tả lại. Người Ukraine bị mô tả là kẻ sinh sống bất hợp pháp trên các vùng đất của đế quốc Nga, hoặc ủng hộ ‘bọn Quốc Xã’ đang cai trị ở Kyiv. Các thành phố của họ phải bị “đưa về thời kỳ đồ đá,” còn các vụ tàn sát dân thường bị ví như “mổ lợn”. Dù họ gọi người Ukraine là bọn Quốc Xã, quan điểm của những người Nga này không chỉ mang tính diệt chủng theo những cách gợi nhớ về tội ác tồi tệ nhất của thế kỷ 20, mà trong một số trường hợp, còn cho thấy rõ ràng tính phát xít hoặc tân phát xít.

Dù hầu hết các blogger này là vô danh ở phương Tây – ngoại trừ đối với một nhóm nhỏ các nhà quan sát nước Nga – một vài người trong số này đã nhận được sự chú ý của báo chí quốc tế. Vì họ thường xuyên chỉ ra những thất bại quân sự của Nga với hy vọng có thể khiến Điện Kremlin leo thang, một số người đã trở thành nguồn cung cấp các tin tức chân thực, không bị bóp méo. Trong lúc viết bài này, tôi đã thấy tài khoản Twitter của các chuyên gia chiến tranh phương Tây chứa đầy các bản đồ chi tiết do những người Nga ủng hộ chiến tranh tạo ra, ghi lại vị trí di chuyển của quân Nga ở Kharkiv gần như theo thời gian thực, trong khi các nguồn tin phía Ukraine thường được công bố chậm hơn vài ngày để giữ bí mật cho chiến dịch. Thông tin của các blogger Nga, những người chủ yếu phát tán thông tin qua Telegram và YouTube, cũng trái ngược hẳn với những phát biểu chiến thắng nhạt nhẽo, trống rỗng nội dung trên sóng truyền hình nhà nước của Nga. Người nổi tiếng nhất trong số các nhà phê bình là Igor Girkin, được biết đến với bí danh Strelkov. Ông ta là một sĩ quan đã nghỉ hưu từ Cục An ninh Liên bang Nga, đồng thời là một kẻ đam mê tái hiện Nội chiến Nga, người tự hào thừa nhận rằng mình đã “châm ngòi cho [cuộc chiến Donbas năm 2014]” khi ông dẫn đầu một nhóm người Nga có vũ trang băng qua biên giới Ukraine, bao vây và chiếm giữ thành phố Slovyansk trong khoảng sáu tuần.

Theo những người thân cận, Strelkov là một kẻ cực đoan ưa bạo lực – và rất có thể là một tội phạm chiến tranh, vì đã thực hiện nhiều vụ giết người ngoài tư pháp ở vùng Donbas bị chiếm đóng vào năm 2014. Nhưng ông ta lại được báo chí phương Tây trích dẫn – và thậm chí còn được mô tả – như một người chỉ trích chiến lược tác chiến của Putin kể từ tháng 4, khi ông công khai nói rằng việc Nga rút quân khỏi vùng ngoại ô Kyiv và miền đông bắc Ukraine đã biến thất bại của Nga thành điều không thể tránh khỏi. Trên kênh Telegram cá nhân, với khoảng 500.000 người theo dõi, và trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội VKontakte của Nga, Strelkov đã gọi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu là “ông tướng ván ép” và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev là “gã ngốc vụng về.” Ông nói, việc thiếu một đợt tổng động viên toàn quốc là một tội lỗi lớn. Nhưng Strelkov đã tránh chỉ trích Putin một cách trực tiếp – không phải vì tôn trọng tổng thống, mà chỉ là “cho đến khi chiến tranh kết thúc,” điều mà ông ám chỉ trong một bài đăng gần đây. Đây có thể là lý do tại sao không có nỗ lực rõ ràng nào để bịt miệng ông ta.

Trớ trêu thay, một số nhân vật khó ưa nhất ở Nga hiện đang là những nhà phê bình chiến lược của Điện Kremlin một cách nhất quán và sâu sắc nhất – nhưng chẳng phải vì ý tốt. Một trong số họ là Igor Mangushev, quản lý cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA) – đội quân chiến binh mạng ở St. Petersburg chịu trách nhiệm triển khai các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch và can thiệp vào các cuộc bầu cử của phương Tây. Là một trong những người không ngần ngại ủng hộ chủ nghĩa diệt chủng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Mangushev gần đây đã có một màn trình diễn rùng rợn trong một câu lạc bộ ở Moscow, nơi ông ta trưng bày một hộp sọ người mà ông tuyên bố là của một người lính Ukraine bị giết trong cuộc vây hãm đẫm máu ở Mariupol. “Bọn ta sẽ đốt nhà của các người, giết sạch gia đình của các người, bắt cóc con cái của các người và nuôi dạy chúng như những người Nga” là một bài đăng khá điển hình trên kênh Telegram của ông ta. Mangushev cũng tự nhận mình là người đã có công khởi xướng dùng chữ Z làm biểu tượng cho cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, ông lại chẳng ưa các thành viên của quân đội Nga và những người ra quyết định trong Điện Kremlin, liên tục tấn công họ vì những gì ông gọi là sự thiếu quyết đoán và hành chính quan liêu, điều mà ông coi là trở ngại chính cho nỗ lực chiến tranh.

Gây phẫn nộ không kém là Yevgeny Rasskazov, còn được gọi là Topaz, thành viên của đơn vị đánh thuê Rusich cực hữu có liên kết với Tập đoàn Wagner. Vào ngày 20/04, Rasskazov có một bài đăng trông như đang chúc mừng sinh nhật của Adolf Hitler, dù không nêu tên trực tiếp cựu lãnh đạo Đức Quốc Xã. Khi người Nga để mất Balakliya, một thành phố ở phía đông vùng Kharkiv, sau cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào tuần trước, Rasskazov đã chế nhạo Bộ Quốc phòng Nga vì cố gắng biện hộ rằng thất bại chỉ là một “chiêu bài chiến thuật.” Trong một màn độc thoại, ông ta đã liệt kê tất cả những điều mà ông cho là cỗ máy chiến tranh Nga còn đang thiếu: sự trung thực thừa nhận thất bại cục bộ, một bộ quốc phòng được cải tổ hoàn chỉnh, dàn chỉ huy giỏi giang hơn, và một quân đội chiến đấu hiệu quả hơn, có sự phối hợp tốt hơn giữa các nhánh khác nhau.

Trong nỗ lực giải thích tình hình ngày càng tuyệt vọng của quân đội Nga ở Ukraine, phe ủng hộ chiến tranh đang phát triển câu chuyện “đâm sau lưng” của riêng mình, gợi nhớ đến phiên bản của Đức giữa hai cuộc thế chiến. Đã có những tiếng nói, như chuyên gia bảo thủ cực đoan kiêm bình luận viên của đài Russia Today, Egor Kholmogorov, đang công khai cáo buộc bộ chỉ huy của Nga là không đủ năng lực và yêu cầu tiến hành thanh trừng. Sự tức giận của phong trào này đối với “giới tinh hoa” phản bội – tuy chưa được nêu đích danh, nhưng hầu như đều bị chê bai – đã hiển hiện rõ ràng. Dù vẫn còn rất nhỏ, nhưng đã có một nền văn hóa (subculture) mới xuất hiện gắn liền với phong trào. Ví dụ, bài hát “Bands of Veterans” của ca sĩ Pavel Plamenev là phiên bản rock hiện đại của bài hát tiếng Đức hồi thập niên 1920, “We Are Geyer’s Black Company,” vốn đã in trong sách bài hát chính thức của Đức Quốc xã. Trong phiên bản của Plamenev, một cựu binh Nga trở về sau cuộc chiến Donbas, lòng đầy giận dữ, thúc giục đồng đội thiêu rụi cung điện của những người giàu có và đem vợ họ đi “chuyền tay” giữa những kẻ cướp bóc. Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Điện Kremlin, phe đối lập ủng hộ chiến tranh đang ngày càng chuyển sang các thông điệp chống tham nhũng vốn đã từng thúc đẩy phong trào đối lập do nhà bất đồng chính kiến Alexey Navalny đứng đầu .

Điều đáng ngạc nhiên là, nếu xét đến việc Điện Kremlin tăng tốc đàn áp làn sóng chỉ trích kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng 2, cho đến nay vẫn chưa có vụ bắt giữ các blogger nổi tiếng ủng hộ chiến tranh, thậm chí còn chẳng có dấu hiệu kiểm duyệt nào. Điện Kremlin không thể nào lại không biết đến chuyện này; có hẳn một bộ phận giám sát đặc biệt trong phủ tổng thống chuyên theo dõi sát sao các mạng xã hội ở Nga và gửi báo cáo hàng ngày cho các phụ tá của Putin. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Moscow đã nhận ra vấn đề và sẽ tìm cách kiềm chế những người theo chủ nghĩa dân tộc đang giận dữ, những người đang nhanh chóng trở thành điều mà nhà khoa học chính trị Tatiana Stanovaya gọi là “thách thức lớn nhất đối với Điện Kremlin” sau khi đè bẹp phong trào của Navalny.

Cho dù Điện Kremlin có trấn áp hay không, thì câu chuyện độc hại của phong trào chủ chiến vẫn sẽ tiếp tục tồn tại – đặc biệt là nếu và khi Nga thua trong cuộc chiến, điều mà giờ đây có lẽ là không thể tránh khỏi. Khi sự khác biệt giữa lời tuyên truyền chính thức về một “chiến dịch đặc biệt” dễ dàng, thành công với thực tế là thất bại tan nát trở nên rõ ràng, nhiều người Nga sẽ đi tìm ai đó để đổ lỗi. Trong trường hợp đó, cần phải học lại bài học của người Đức, khi mà sự kết hợp của thất bại, nỗi nhục quốc gia, và sụp đổ kinh tế trở thành mảnh đất màu mỡ để các phong trào cực hữu, cực đoan có thể đổ lỗi cho kẻ thù trong nước, ám sát các chính trị gia theo chủ nghĩa tự do, kích động lòng căm thù người Do Thái, và thề sẽ trả thù những nước đã thắng trong Thế chiến I. Đây chính là sự kết hợp độc hại mà Hitler đã sử dụng khi lên nắm quyền.

Sự thất bại không thể tránh khỏi của Nga, tình trạng kinh tế bất ổn sâu sắc, và việc để mất vị thế cường quốc dưới tay một quốc gia mà sự tồn tại của nó còn không được Điện Kremlin chấp nhận, sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cực đoan. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu chế độ của Putin sụp đổ và cuộc chiến để định đoạt tương lai của nước Nga xảy ra. Nếu những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ chiến tranh, đang tìm kiếm kẻ thù để đổ lỗi là phe đối lập duy nhất còn lại ở Nga, tương lai của thế giới có lẽ sẽ rất đen tối và nguy hiểm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới