Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTuyên bố động viên của Nga có ý nghĩa thế nào trong...

Tuyên bố động viên của Nga có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh xung đột Ukraine?

Như nhiều dự đoán trước đây, Tổng thống Nga Putin cuối cùng đã tuyên bố thực hiện động viên một phần lực lượng dự bị trên toàn quốc. Đây là một bước phát triển mới đáng chú ý trong xung đột giữa Nga và Ukraine.

Xe tăng và đoàn xe quân sự Nga.

Động viên không chỉ nhân lực

Thời gian qua, thuật ngữ “động viên (lực lượng)” thường xuất hiện trên truyền thông Nga. Trong tiếng Nga, từ “động viên” này là “mobilizatsiya”.

Theo luật pháp Nga, để tuyên bố “động viên” (lực lượng)”, thì Nga cần phải chính thức ở trong trạng thái chiến tranh. Cho tới nay, Chính phủ Nga mới chỉ gọi những hoạt động quân sự của họ ở Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Một báo cáo của chương trình Nga và Âu-Á thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House nhận định: Trụ cột chính của động viên nhà nước là kinh tế và quân sự. Động viên kinh tế là nền tảng cho tổng động viên trên quy mô lớn hơn, thể hiện ở việc tái tổ chức và chuyển đổi các ngành nghề, nguồn tài nguyên, vận tải hoặc liên lạc để phục vụ các lực lượng vũ trang, hoạt động của nhà nước, và nhu cầu của dân chúng thời chiến.

Theo báo cáo trên, việc huy động này dựa vào kế hoạch hóa thời Xô viết, trong đó hệ thống phức hợp quân sự-công nghiệp nằm ở lõi của hệ thống tập trung hóa để chuẩn bị nền kinh tế cho chiến tranh. “Mức độ sẵn sàng về động viên hiện diện ở mọi cấp chính quyền; các kế hoạch tác chiến đều gắn với công nghiệp hóa”.

Vẫn theo nghiên cứu của Chatham House, ít nhất về nguyên tắc “các biện pháp động viên bao gồm đầu tư thực chất vào việc mua sắm vũ khí, cải thiện điều kiện phục vụ trong lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng, trong các hệ thống hệ thống và kiểm soát, sự tăng cường điều phối giữa các bộ ngành”.

Động viên một phần

Một trong những tác động tức thời của một lệnh động viên chính thức là nhằm vào lực lượng dự bị động viên của Nga. Các cá nhân khác, bao gồm những người có kỹ năng chuyên môn, như là bác sĩ cũng như các quân nhân đã được giải ngũ, tuổi từ 27 đến 60 có thể được động viên vào quân đội. Những ai nằm trong diện thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị hạn chế đi lại, đặc biệt là trong vấn đề ra nước ngoài.

Trong bối cảnh xã hội Nga nói nhiều về câu chuyện động viên nhân lực cho quân đội, Duma Quốc gia Nga đã phê chuẩn các sửa đổi đối với bộ luật hình sự của nước này liên quan đến những vấn đề như đào ngũ hoặc đầu hàng thời chiến, quân luật và việc động viên lực lượng.

Hôm 21/9, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu trong đó ông khẳng định Nga thực hiện động viên một phần để bổ sung lực lượng cho hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, việc huy động lực lượng lần này sẽ không áp dụng cho sinh viên đại học hoặc lính nghĩa vụ. Ông nhấn mạnh, chỉ những ai đã từng phục vụ trong quân ngũ sẽ được gọi nhập ngũ.

Cụ thể, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những người được gọi nhập ngũ lần này hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc có chuyên ngành về quân sự, kinh nghiệm quân sự, chứ không phải những người chưa biết gì về quân đội.

Tuy nhiên, Nga chưa tuyên bố tổng động viên toàn quốc. Dẫu vậy, việc động viên dưới hình thức nào, cấp độ nào mà đi kèm với việc chính thức tuyên chiến với Ukraine đều sẽ có tác động rất rộng, bao gồm việc đặt toàn bộ nền kinh tế vào trạng thái thời chiến.

Thách thức đối với Nga

Hiện người ta thắc mắc liệu Chính phủ Nga có đủ nguồn lực để thực hiện động viên trên quy mô lớn, và chất lượng của lực lượng được động viên sẽ như thế nào.

Giới chức Nga năm nay bắt đầu tuyển quân sớm nhưng hiện chưa rõ lực lượng tân binh đã được huấn luyện đến mức độ nào. Hiện cũng chưa rõ quân đội Nga sẽ mất bao lâu để huấn luyện từng tân binh sau khi có lệnh động viên, thậm chí là ở mức tiêu chuẩn nhất.

Còn một vấn đề nữa là liệu ngành công nghiệp Nga đã sẵn sàng cho việc động viên hay chưa, đặc biệt là sau nhiều tháng hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Xung đột Ukraine đã làm lộ thực tế là ngành công nghiệp quốc phòng Nga phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, đặc biệt là các thiết bị điện tử. Nga đang gặp khó khăn về bổ sung các tổn thất về thiết bị cũng như đáp ứng các nhu cầu hậu cần cơ bản.

Chính phủ Nga cho rằng các vùng lãnh thổ Ukraine sáp nhập vào Nga là lãnh thổ chủ quyền của Nga nên nếu các vùng đó bị tấn công bởi lực lượng nước ngoài thì điều này có thể làm gia tăng nguy cơ leo thang đáng kể xung đột, bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Với việc lực lượng Nga đang ở trong thế thủ tại nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine, có thể điện Kremlin sẽ tìm cách đóng băng xung đột hiện nay hoặc giữ lại ít nhất một số thành quả của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới