Thị trường bất động sản đình đám một thời của Trung Quốc đang “vỡ trận”. Đây là hậu quả của hàng loạt chính sách sai lầm liên tiếp. Và hệ lụy của nó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn nhiều hơn thế nữa.
Từ những chính sách sai lầm đẩy thị trường BĐS đến khủng hoảng
Thị trường bất động sản (BĐS) Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ từ thập niên 2000 và đến đỉnh điểm vào 2018. Giá BĐS liên tục tăng mạnh. Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng dự án. Tình trạng đầu cơ diễn ra khá phổ biến. Để kiểm soát tình hình, tháng 8/2020, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách tín dụng “3 lằn ranh đỏ”. Phân loại các nhà phát triển theo số nợ của họ, sau đó xác định số tiền mà họ có thể vay hàng năm.
Theo các tiêu chí, hơn 60% nhà phát triển đã đạt đến ít nhất một trong các ngưỡng nợ (lằn ranh đỏ) và khoảng 10% đã vi phạm cả ba. Đồng nghĩa, các nhà phát triển không được phép tăng khoản vay mới cho năm đó. Chính sách này đã đẩy thị trường bất động sản vào khủng hoảng trầm trọng chưa từng có. Hàng loạt dự án nhà ở bị dừng thi công, giá nhà trượt dốc, người mua nhà ngừng thanh toán khoản vay.
Mở đầu bằng việc China Evergrande – nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc vỡ nợ. Tiếp theo hàng loạt công ty khác lâm vào cảnh tương tự. Hàng loạt dự án bị ngừng xây dựng. Ở khoảng 100 thành phố người dân biểu tình và dừng thanh toán khoản vay thế chấp đang lan rộng… Cho đến nay, hơn 300 nhóm chủ nhà được cho là đang từ chối trả các khoản vay mua nhà từ 150 tỉ đến 370 tỉ USD.
Theo một cuộc khảo sát của nhiều đơn vị, doanh thu từ bất động sản đã giảm 24,5% vào năm 2022. Giá nhà mới dự kiến sẽ giảm 1,4% vào năm 2022. Country Garden Holdings – tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc – cũng vừa ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 96% trong nửa đầu năm. Trong bối cảnh căng go đó thì chính sách duy trì “Zero Covid” chính là đòn kết liễu cho thị trường bất động sản. Nó cũng đe dọa cả đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
Những hệ lụy nghiêm trọng về mọi mặt
Khủng hoảng ngành BĐS đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng to lớn với Trung Quốc. Nếu không can thiệp kịp thời và hiệu quả thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, cơ khí xây dựng, sản xuất thép… Đặc biệt, dù tăng trưởng trở lại thì thị trường vẫn phải đối diện với việc suy giảm niềm tin của người mua.
Tại Trung Quốc hiện có một cộng động “ rời phố về quê”. Họ là những người trẻ, lựa chọn một cuộc sống ít quan tâm đến vật chất để không phải đối mặt với áp lực công việc. Một bài báo gần đây phản ánh tình trạng những người này tận dụng lúc thị trường bất động sản hạ nhiệt tìm đến các dự án, các khu nghỉ dưỡng xa thành phố lớn thuê với giá rất rẻ để tận dụng nghỉ ngơi.
Nhiều người đã hai năm nay, liên tục chuyển đến các khu nghỉ dưỡng khác nhau để tận hưởng cuộc sống. Họ còn hình thành các hội nhóm và chia sẻ thông tin và lan truyền tư tưởng. Đây là mầm mống của việc hình thành lối sống hưởng thụ ở giới trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Từ sự đổ vỡ của bất động sản Trung Quốc cũng là hồi chuông cảnh tỉnh và là bài học cho chúng ta trong việc định hướng thị trường. Một thị trường tăng trưởng nóng mà không vì lợi ích của người dân thì rất dễ đổ vỡ. Và điều quan trọng là nó đang hình thành một thế hệ trẻ chỉ biết “hưởng thụ”.
T.P