Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChính khách đi máy bay thương mại…

Chính khách đi máy bay thương mại…

Khi các điều kiện an ninh, an toàn bay và các dịch vụ kèm theo ngày càng tốt hơn, người ta cũng chứng kiến ngày càng nhiều lãnh đạo, chính khách trên thế giới đi lại rất bình dân.

Tổng thống Hàn Quốc thực hiện các chuyến thăm quốc gia sử dụng máy bay Boeing 747-400 được thuê lại từ hãng hàng không Korean Air.

Điển hình như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có chuyên cơ riêng như Air Force One của các Tổng thống Mỹ, hay hạm đội máy bay lên đến 68 chiếc của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi công du nước ngoài, ông Tập Cận Bình sử dụng máy bay thương mại Boeing 747-400 của Hãng hàng không quốc gia Air China làm phương tiện đi lại. Nhằm mục đích như cơ quan ngoại giao của Trung Quốc thông tin rằng để “tiết kiệm chi phí, chống lãng phí và tham nhũng”.

Tổng thống Hàn Quốc cũng thực hiện các chuyến công tác bằng máy bay Boeing 747-400 thuê của hãng Korean Air. Trước năm 2015, Thủ tướng Anh cũng thường thuê máy bay thương mại để phục vụ cho các chuyến thăm cấp quốc gia.

Một số trường hợp mặc dù có chuyên cơ riêng biệt nhưng chính khách vẫn sử dụng máy bay thương mại như năm 2006, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Việt Nam dự Hội nghị APEC trên chuyến bay thương mại của Singapore Airlines và trở về với tấm vé giá rẻ của Tiger Airways (chi phí cho chuyến bay chặng về của ông Lý Hiển Long và 10 người tháp tùng chỉ 12 triệu đồng). Năm 2013, ông Lý Hiển Long cũng đến Brunei dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 bằng máy bay thương mại.

Ở Việt Nam, chuyện chính khách đi công tác nước ngoài bằng máy bay thương mại cũng không có gì lạ. Tháng 3/2015, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Singapore tiễn biệt cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng đi về trong ngày trên một chuyến bay thương mại. Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thành phố Tokyo, Nhật Bản tiễn biệt cố Thủ tướng Abe Shinzo cũng đi trên chuyến bay thương mại. Trước đó, vào tháng 10/2018, ông cũng đến Thái Lan công tác trên một chuyến bay thương mại.

Điểm chung của hai chuyến đi là đều đến các quốc gia láng giềng, trong thời gian ngắn và với một đoàn tùy tùng gọn nhẹ…Nếu sử dụng chuyên cơ, chắc chắn chi phí đắt hơn gấp nhiều lần.

Loại trừ các yếu tố như an ninh, tính tiện nghi, hay sự hoành tráng… điểm khác biệt lớn nhất giữa một chuyến bay chuyên cơ và một chuyến bay thương mại có lẽ là ở chi phí. Nếu chính khách ngồi trên chuyến bay thương mại, chi phí đi lại của đoàn chỉ là tiền vé máy bay như các hành khách khác.

Trong bối cảnh đó, cộng với việc tiết kiệm ngân sách khi đất nước vẫn còn cần nhiều ưu tiên để phát triển thì việc chính khách là một trong những tiền lệ tốt, đáng khích lệ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới