Friday, November 8, 2024

Lỗ rò

Việc phát hiện những lỗ rò của hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga gây rò rỉ lớn ở Biển Baltic vào ngày 26/9 đang khiến châu Âu hoang mang, lo ngại. Một cuộc đấu khấu đang diễn ra giữa một bên là Nga, bên kia là nhiều nước châu Âu và Mỹ.

Đường ống khí đốt Nord Stream 1

Hoang mang là phải thôi, khi sự rò rỉ này thật tai hại, diễn ra đúng vào lúc mùa đông cận kề. Châu Âu những ngày này nhiệt độ hạ trông thấy, chỉ còn trong khoảng từ 10 tới 18 độ C. Xứ sở sương mù Anh quốc, nhìn các cổ động viên bóng đá vừa hò hét, vừa co ro trong áo rét, đủ biết, cái lạnh đã có chiều tê tái.

Khí đốt, chưa kể phục vụ cho các nhà máy của các nền kinh tế có quy mô hàng nghìn tỷ USD, còn là nguồn năng lượng không thể thiếu với người châu Âu để chạy máy sưởi chống lại giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông.

Quan trọng tới mức sống còn như thế nên giữa mùa hè, khi Nga ỡm ờ thông báo “giảm lượng khí đốt qua Nord Stream 1 do một số tuabin khí ‘ngừng hoạt động’”, giới chức nhiều quốc gia châu Âu từng giãy lên như bị ong đốt. Họ cáo buộc Nga chơi trò tiểu nhân, dùng con bài năng lượng trả đũa các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Ukraine.

Tới nay, khi “vụ tuabin” chưa đâu vào đâu, thì lại thêm vụ thủng đường ống.

Mà đâu có ít. Tới hai lỗ rò trên đường ống Nord Stream 1 và một lỗ rò trên đường ống Nord Stream 2. Thậm chí, người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển Jenny Larsson còn khẳng định chắc như đinh đóng cột với báo giới hôm 29/9 rằng, trên thực tế có tới bốn vị trí rò. “Hai trong số bốn lỗ rò này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Thụy Điển, và hai lỗ rò còn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Đan Mạch”.

Thế nghĩa là cái sự rò là có hệ thống, là nghiêm trọng hơn nhiều người tưởng.

Có người còn đặt câu hỏi: Nord Stream 1 rò thì còn có thể, nhưng Nord Stream 2 đã hoạt động đâu mà cũng rỉ?

Hoài nghi không hề giảm đi dù hôm 28/9, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho biết: đường ống Nord Stream 2 – tuy chưa chính thức đi vào hoạt động – nhưng đã được bơm đầy khí vào thời điểm gặp sự cố; rằng: sự cố gây thiệt hại cả cho Nga vì nó khiến nước này về cơ bản đã mất các tuyến đường cung cấp khí đốt tới châu Âu…

Ông này cũng khuyến cáo các bên liên quan nên thể hiện sự chín chắn; nhất là đừng suy diễn võ đoán về nghi phạm của vụ tấn công trước khi tiến hành một cuộc điều tra. Nói cách trần trụi, “cái loa” của Kremlin muốn ngăn chặn trước một làn sóng dư luận cho rằng Nga là thủ phạm vụ này.

Tại sao lại là Nga? Nước này đang bí đầu ra năng lượng cơ mà, khi bị Mỹ cấm vận? Tất nhiên rồi. Những thời điểm này, hạn chế, cầm chừng nguồn cung khí đốt cho châu Âu lại là điều Nga muốn. Kremlin coi đó là cú đòn không chỉ gây sức ép, cảnh báo thêm đối với nhiều quốc gia châu Âu hơn 6 tháng qua – theo Nga – đã a dua với Mỹ to mồm cáo buộc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Cùng với phụ họa, đồng minh của Mỹ tại châu Âu đã cùng Mỹ viện trợ, cung cấp vũ khí để Ukraine thực hiện một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga trên chiến trường khá hiệu quả, khiến Nga gặp khó khăn, thậm chí có chiều hướng sa lầy. Còn việc bán dầu hay khí đốt, đợi đấy, khi EU rét run lên cầm cập, Nga sẽ đẩy giá lên mà hốt bạc.

Nếu thật là bên ra đòn “võ rò” này trước ngưỡng mùa đông, hẳn Nga đã tính toán rằng, nó sẽ khiến các nước châu Âu chống lại Nga lâu nay ngấm đòn hơn bao giờ hết. Đồng thời, nó còn là câu trả lời cho tuyên bố ngạo mạn, đe dọa của tổng thống Mỹ, ông Biden hồi tháng 2 năm nay rằng sẽ “đặt dấu chấm hết” cho Nord Stream 2.

Cứ cho là ông Biden muốn hạ “dấu chấm hết” thật, nhưng còn các đồng minh của Mỹ đang co ro trong giá lạnh, liệu có đủ can đảm để gật đầu với Mỹ hay không khi các tính toán tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế nguồn từ Nga còn rối như tơ vò, hay khi đó, nó lại gây ra một “lỗ rò” trong quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu với chính Mỹ?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới