Nhà Trắng ngày 29/9 lần đầu tiên công bố chiến lược dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh Washington tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Theo Nikkei Asia, Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương được đăng tải trên trang web của Nhà Trắng sau hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Cuộc họp kéo dài hai ngày 28-29/9 tại Washington, đánh dấu hội nghị đầu tiên giữa giới lãnh đạo Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Chiến lược đối tác Thái Bình Dương của Mỹ đưa ra 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, đó là xây dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hiện diện ngoại giao cũng như can dự của Mỹ ở khu vực. Mỹ sẽ tăng số phái đoàn ngoại giao Mỹ ở đây từ 6 lên 9, mở lại cơ quan viện trợ USAID ở Fiji.
Thứ hai là kết nối các quần đảo Thái Bình Dương với thế giới, thông qua Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các ưu tiên của khu vực.
Thứ ba là xây dựng các quốc đảo Thái Bình Dương bền vững và sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các thách thức khác.
Mục tiêu cuối cùng là trao quyền và đem lại thịnh vượng cho người dân các quốc đảo Thái Bình Dương. Mỹ cam kết tăng cường thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực.
Chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ 810 triệu USD cho các quốc gia này, trong đó 600 triệu USD dành cho phát triển kinh tế và ứng phó biến đổi khí hậu. Washington cũng có kế hoạch khởi động đàm phán thương mại vào cuối năm nay, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường hỗ trợ kinh tế, ngư nghiệp, thương mại, đầu tư, huấn luyện an ninh hàng hải ở các quốc đảo Thái Bình Dương.
Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương có thể coi là phần mở rộng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà chính phủ Mỹ đưa ra vài năm gần đây. Chiến lược được đưa ra trong bối cảnh sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt.