Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng Bắc Cực

Tham vọng Bắc Cực

Một vùng đất xa xôi bỗng hóa miếng mồi béo bở của một số cường quốc, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga. Họ đang tranh giành nhau quyết liệt bằng đủ mọi chiêu trò kinh tế, quân sự, ngoại giao.

Giờ đây, không chỉ có Biển Đông, khu vực Thái Bình Dương đang dậy sóng, Bắc Cực trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia. Và khu vực này đang có xu hướng được quốc tế hóa. Từ đó dẫn tới cạnh tranh chiến lược, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh. Muốn giải quyết nó sẽ không thể dừng lại ở những khuôn khổ ngoại giao thông thường.

Bắc Cực có diện tích hơn 16 triệu km2, được bao quanh bởi Bắc Băng Dương. Nơi đây có khí hậu thuộc loại lạnh giá nhất trái đất, mùa đông có thể xuống tới -50ºC, mùa hè lại rất ngắn, độ “nóng” trung bình ở ngưỡng… 0ºC.

Cái sự rét cóng thử thách sự chịu đựng của con người lại đang gây độ nóng về cạnh tranh, kiếm tìm lợi ích. Hàng nghìn năm qua, những lớp băng dày từ 10 cm đến hàng mét đã thách thức mọi cố gắng của con người khi muốn di chuyển bằng tàu bè qua đây.

Cho đến nay, tàu thuyền chở hàng từ châu Á tới châu Âu phải đi qua Ấn Độ Dương, kênh đào Suez và tiến vào Địa Trung Hải. Có một tín hiệu khả quan, tới đây khi Bắc Cực nóng lên, băng đỡ dầy hơn, thì thời gian vận chuyển đường biển lên phía Bắc dự báo sẽ rút ngắn và chi phí giảm xuống từ 20% đến 25%.

Không phải vô cớ mà Bắc Cực trở thành khu vực kinh tế và chính trị quan trọng mang tầm vóc toàn cầu. Không thể quên một lợi ích khổng lồ: vùng biển Bắc Cực có thể thông thương với châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Tính ra có khoảng 90% hoạt động thương mại quốc tế đều diễn ra tại ba châu lục này.

Trong cuộc Marathon với Mỹ và Trung Quốc, Nga có những thế mạnh vượt trội, vì sở hữu tới 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc Cực. Từ lâu, Nga xem vùng này là “sân nhà”, là khu vực chiến lược, có giá trị thiết yếu cả về chính trị và phát triển kinh tế. Cách đây 14 năm, vào năm 2008, Nga đã ban hành chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực đến năm 2020, xem vùng Bắc Cực là khu vực có tài nguyên chiến lược để phát triển kinh tế và vận tải.

Tháng 4/2020, Tổng thống V. Putin đã ký ban hành chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2035, nhằm phát triển hạ tầng, cơ cấu dân cư và các hoạt động kinh tế tại khu vực này. Gần một năm qua, trước sự phản ứng của Mỹ và phương Tây về cuộc xâm lược Ukraine của Nga khiến nước này càng quyết tâm củng cố an ninh ở Bắc Cực, nơi lưu giữ nguồn tài nguyên vô cùng lớn và quý giá.

Không dễ để Nga bơi lội dễ dàng trên sóng êm Bắc Cực, gần 50 năm qua, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ dốc mọi nguồn lực đối phó với các mối đe dọa mới nổi, trong đó có nguy cơ Nga độc chiếm Bắc Cực. Cho đến năm 2017, Chính quyền của Tổng thống D.Trump ban hành Chiến lược An ninh quốc gia. Theo đó, Bắc Cực được xếp vào nhóm không gian trên bộ, trên biển, vũ trụ. Washington khẳng định, Bắc Cực là khu vực Mỹ có chủ quyền, là ưu tiên, lợi ích chiến lược, an ninh quan trọng cần phải bảo vệ và thúc đẩy.

Chỉ hai năm sau, Tổng thống D.Trump đòi “mua” đảo Greenland của Đan Mạch. Washington đã có những chính sách năng động hơn liên quan đến vùng đất này. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược Bắc Cực, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng quân sự, quan hệ đối tác và đồng minh, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng tại đây.

Giống như Mỹ, đối với một quốc gia có máu bành trướng luôn chảy rần rật trong huyết quản như Trung Quốc thì Bắc Cực là món hời vô giá.Tuy là một quốc gia ngoài khu vực, nhưng Trung Quốc đã là quan sát viên chính thức của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013. Một ngày đẹp trời Trung Nam Hải bỗng dưng nổi hứng ra tuyên bố: Trung Quốc là một quốc gia cận Bắc Cực.

Chả ai lạ gì, Bắc Cực có tầm quan trọng đối với Trung Quốc trên nhiều phương diện, nhất là lợi ích kinh tế. Các cơ hội mới đang đến, đặc biệt hiện tượng băng tan do trái đất nóng lên sẽ thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên và các tuyến hàng hải để thúc đẩy phát triển kinh tế. Không kẻ đi săn thú nào ngây thơ để con thú quý cứ lang thang ngoài bẫy.

Chả chịu thua Mỹ, Trung Quốc vội tung ra con bài Chiến lược Bắc Cực. Chiến lược này bao gồm: sáng kiến Con đường tơ lụa Bắc CựcSách trắng Bắc Cực năm 2018. Tính đến đầu năm 2022, các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có tổng cộng 20% cổ phần tại dự án Arctic LNG-2 cùng với Novatek, Total và Japan Arctic LNG.

Trong Sách trắng Bắc Cực, Trung Quốc cho rằng, các vấn đề của Bắc Cực đã “vượt ra ngoài các quốc gia trong Vòng cực Bắc hoặc bản chất của khu vực”; những gì xảy ra trong khu vực có “ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích của các quốc gia bên ngoài khu vực và lợi ích của toàn bộ cộng đồng quốc tế”. Việc băng tan ở Bắc Cực sẽ mở ra các tuyến đường biển và cho phép tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên, do đó nâng tầm các giá trị chiến lược và kinh tế của vùng này. Không chỉ tuyên bố Trung Quốc, về mặt địa lý, là “quốc gia cận Bắc Cực” mà còn là “một bên liên quan trọng trong các vấn đề Bắc Cực”.

Trước sự ngông nghênh này, Mỹ đã lập tức phản đối. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng bác bỏ tuyên bố nêu trên và cho rằng, chỉ có khái niệm “các quốc gia ở Bắc Cực” và “các quốc gia không thuộc Bắc Cực”. Không thể nhập nhằng ngô khoai, sắn trong một giỏ với cái tên “lương thực”.

Còn với Nga, dù có quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển nhanh với Trung Quốc, đang kề bên Nga trong cuộc chiến với Ukraine, cũng không muốn Bắc Kinh xơi mất miếng ngon – phần “sân sau” quan trọng của Moscow.

Vậy là cuộc chiến Nga-Trung-Mỹ vẫn đang nóng bỏng. Độ nóng trái đất khiến cho băng giá Bắc Cực tan nhanh thì rất tốt. Còn độ nóng về sự tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát khu vực thì cần phải tìm cách hạ nhiệt, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới